90% phụ huynh châu Á muốn con vào đại học

(Dân trí) - Ở châu Á, gần 90% bậc phụ huynh muốn con vào đại học và trên 60% muốn con tiếp tục học ở bậc sau đại học. Tuy nhiên, họ lại gặp khó khăn khi đưa ra những quyết định về việc học tập của con cái.

Đó là một trong những kết quả thu được từ cuộc khảo sát “Giá trị của giáo dục - Khởi đầu cho thành công” do Ngân hàng HSBC thực hiện với gần 4.600 phụ huynh ở 15 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Khảo sát này được thực hiện trực tuyến trong tháng 12/2013 và tháng 1/2014

Theo đó, 91% phụ huynh ở Malaysia, 83% ở Ấn Độ và 74% ở Trung Quốc đều nằm trong tỷ lệ phụ huynh có kỳ vọng cao về việc con cái sẽ lấy bằng sau đại học. Hơn 78% xem xét việc gửi con học đại học ở nước ngoài, đặc biệt Indonesia là 92%, 88% phụ huynh ở Malaysia và 86% ở Hong Kong.

Ngoài ra, khảo sát này còn đưa con ra nhiều con số đáng lưu ý. Hơn 43% phụ huynh cho rằng khả năng cạnh tranh ở công sở là kỳ vọng chính yếu đối với giáo dục đại học tốt; Hơn 58% bậc phụ huynh cho biết chi trả tiền học phí là cách đầu tư tốt nhất mà họ có thể thực hiện.

Đối với việc học của con, phụ huynh châu Á có xu hướng hỗ trợ tài chính hoàn toàn. Đa số phụ thuộc vào thu nhập hiện tại (82%) và tiết kiệm (42%) nên có nhiều mạo hiểm. Khi thể hiện các hình thức khác nhau để hỗ trợ con trẻ về mặt tài chính trong cuộc sống, các bậc phụ huynh thường dành khoảng 42% tiền quỹ của mình cho việc học, nhiều hơn những khoản khác.

Trong khi các bậc phụ huynh châu Á coi giáo dục như là nguồn hỗ trợ tài chính hàng đầu cho con cái thì khoảng 47% cho thấy họ khá khó khăn khi đưa ra những quyết định về việc học tập, cao hơn hẳn so với mức trung bình 38% của toàn cầu. Các nước và khu vực lãnh thổ ở châu Á đặc biệt thể hiện mạnh mong muốn tiết kiệm sớm hơn như Malaysia (84%), Trung Quốc (78%), Indonesia (66%), Ấn Độ (58%) và Đài Loan (54%), trái ngược với Pháp (14%), Anh (27%) và Úc (32%).

Theo khảo sát, Mỹ được xem là nơi cung cấp chương trình học tập chất lượng nhất trên thế giới, với 51% bậc phụ huynh đánh giá Mỹ thuộc ba nước hàng đầu, theo sau là Anh (38%), Đức (27%), Úc (25%) và Nhật (25%).

Ở những quốc gia tiếng Anh không phải là ngôn ngữ chính, hầu hết các bậc huynh đều cho rằng kỹ năng ngoại ngữ là lợi thế lớn nhất cho việc du học nước ngoài. Quan điểm này khá phổ biến ở Thổ Nhĩ Kỳ (82%), Hong Kong (77%), Brazil (76%) và Đài Loan (75%).

Hoài Nam