Ấm lòng những gia đình nghèo có con học ĐH

(Dân trí) - Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ cho sinh viên vay ưu đãi để học tập đã làm ấm lòng những gia đình nghèo có con học đại học.

Người nghèo đã yên tâm đi học

Khi nghe được thông tin mọi sinh viên nghèo đều được vay vốn để học tập, bà Nguyễn Thị Dậu ở phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình, mừng chảy nước mắt. Bà tâm sự: “Tôi mừng lắm, vậy là con tôi được đi học rồi.

Hôm cháu đi thi, tôi tiết kiệm được 500.000đ đưa cho cháu cùng người bác rể họ xuống Hà Nội. Thương tôi, thương cháu nên bác đã lấy tiền dành dụm của gia đình bao ăn, thuê phòng trọ và động viên cháu thi cử cho tốt. Hôm cháu về đưa lại cho tôi 490.000 và bảo, con tiêu hết 10.000 tiền uống nước và đi xe ôm”.

Người con của bà Dậu là Cao Văn Đạt vừa đỗ vào khoa Điện tử - Viễn thông trường ĐH Bách khoa Hà Nội với số điểm 28,5. Bà Dậu làm nghề nhặt phế thải, ngày nhiều thì được 10.000đ, ngày ít thì được 5.000 - 6.000. Mấy hôm vừa qua, để con nhập học, bà đã chạy đôn đáo khắp nơi được gần 1 triệu bạc cho con nhập trường.

Còn Dương Minh Tuấn, sinh viên năm thứ 2 khoa Chăn nuôi - Thú y trường ĐH Nông lâm Huế. Tuấn vừa học vừa làm rửa bát thuê để kiếm tiền trang trải cuộc sống hàng ngày. Những ngày nghỉ hè, Tuấn không về quê ở Quảng Trị mà ở lại Huế làm thuê có tiền gửi về cho gia đình.

Tuấn tâm sự: “Mẹ em ốm nên không làm được gì, bố phải chạy đủ nghề để kiếm tiền lo thuốc cho mẹ và 3 em học tập. Hay tin Nhà nước cho sinh viên nghèo được vay vốn để trang trải học tập, em rất mừng, đỡ lo những lúc mệt mỏi, thi cử không đi đi làm thêm được. Đối với em, ước muốn lớn nhất là học thật giỏi để khi ra trường bố mẹ đỡ vất vả và không phụ tấm lòng của những người nâng đỡ”.

Ông Nguyễn Đức Huấn, bố của thủ khoa ĐH Học viện Tài chính, Nguyễn Đức Học lộ rõ niềm vui cho biết: “Vợ chồng tôi đều làm ruộng, cuộc sống thì chỉ đủ ăn. Nhà nghèo những tôi quyết tâm cho con đi học để sau này tự lập, nếu có phải bán nhà chúng tôi cũng phải cho con đi học.

Khi biết tin cháu nó đỗ ĐH, tôi vừa mừng, vừa lo chạy tiền cho con đi học. Nếu được Nhà nước cho các cháu vay tiền để học tập thì chúng tôi rất mừng vì giải quyết được khoản lo trước mắt. Tuy nhiên, gia đình cũng sẽ cố gắng tằn tiện để trả nợ vì đây là tiền của Nhà nước mà”.

Gấp rút tìm phương án để hỗ trợ cho sinh viên nghèo vay

Trong 2 ngày qua Bộ Tài Chính, Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động - Thương binh xã hội và Ngân hàng Chính sách xã hội đã liên tục họp để đưa ra phương án mức cho sinh viên vay, điều kiện và phương thức cho vay, phương thức thanh toán để báo cáo Chính phủ và sẽ công bố trước ngày 30/9/2007.

Ngay trong ngày hôm qua, Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) đã có công điện khẩn yêu cầu Giám đốc chi nhánh các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở GD-ĐT nắm bắt số học sinh, sinh viên đã trúng tuyển đại học, cao đẳng năm 2007 - 2008. Tổng hợp nhu cầu vay vốn của HSSV có hoàn cảnh khó khăn của địa phương. Đối với các chi nhánh còn chỉ tiêu kế hoạch vốn cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn, tiếp tục tổ chức cho vay theo quy định hiện hành.

Theo số liệu tổng hợp của Bộ GD-ĐT, Tổng cục Dạy nghề thì tổng số HS, SV ở các trường ĐH, CĐ và dạy nghề hệ chính quy tuyển trong năm học này là 957.000 em. Ước tính số HS, SV thuộc diện gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu vay vốn năm học mới này là chiếm khoảng 30% trong tổng số, tương đương 287.000 em.

Qua khảo sát và tính toán của NHCSXH thì mức chi phí tối thiểu cho một học sinh, sinh viên trong 01 tháng khoảng 1.200.000 đồng. Trong đó, chi phí để đóng học phí: 300.000 đồng, tiền ăn: 450.000 đồng, thuê nhà ở: 250.000 đồng, đi lại, tài liệu phục vụ học tập: 200.000 đồng.

Theo đúng chỉ thị của Thủ tướng không để sinh viên nghèo nào phải bỏ học, NHCSXH đã kiến nghị với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ về thay đổi mức vay cho sinh viên như 300.000đ/tháng trước đây lên 1.200.000 đồng/tháng.

Ông Hà Đan Huân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cho biết: “Như vậy, tổng nhu cầu vốn để cho vay HS,SV năm học 2007 - 2008 là: 4.254 tỷ đồng. Tổng nhu cầu vốn cho vay đối với HSSV mới nhập học và HSSV đang vay vốn NHCSXH có nhu cầu vay thêm là: 4.254 tỷ đồng. Trước mắt từ nay đến cuối năm 2007, nhu cầu vốn cần để cho vay HSSV trong học kỳ I khoảng 500 tỷ đồng”.

Như vậy, mức cho sinh viên nghèo vay để trang trải trong học tập là 1.200.000đ/tháng mà NHCSXH đề nghị vẫn phải chờ quyết định của 3 Bộ Tài Chính, Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động - Thương binh xã hội.

Hồng Hạnh