Về sai phạm tại trường THPT Thạch Thành II (Thanh Hóa):

Ăn chặn tiền của học sinh, thầy cô chỉ bị kiểm điểm?

(Dân trí) - Thời gian qua chúng tôi nhận được nhiều thông tin của bạn đọc phản ánh những sai phạm của một số cán bộ Trường PHTH Thạch Thành II - huyện Thạch Thành - Thanh Hoá, trong đó nhấn mạnh đến “vai trò” chủ yếu của ông Hiệu trưởng Nguyễn Viết Xuân.

Chỉ trong một thời gian ngắn “vị” này đã “ăn” của rất nhiều giáo viên, học sinh và sự việc thực sự vỡ lở khi Thanh tra huyện Thạch Thành vào cuộc. Những kết luận của Đoàn Thanh tra thực sự gây gốc cho nhiều người bậc phụ huynh có con em đang theo học tại trường.

 

Thu, chi trái pháp luật

 

Theo kết luận ngày 30/5/2005 của Đoàn Thanh tra huyện Thạch Thành cho thấy trong thời gian làm Hiệu trưởng, ông Xuân có nhiều dấu hiệu không minh bạch về tài chính như: “tự đặt ra các khoản thu từ phụ huynh, học sinh, quản lý chi tiêu tuỳ tiện không theo một nguyên tắc nào, không có một cơ quan cấp trên nào kiểm tra nên dẫn đến những thất thoát nghiêm trọng về tài sản của Nhà nước. Các khoản thu không được sử dụng để chi theo đúng tên gọi của nó mà được sử dụng tuỳ tiện”.

 

Trong các năm học 2003- 2004 và 2004- 2005 ông Hiệu trưởng “ban hành” đến 12 khoản thu mang tính chất bắt buộc, nhưng chỉ 5 khoản thu được coi là có cơ sở pháp lý. Cũng cần biết rằng, Trường THPT Thạch Thành II là một trường miền núi của tỉnh Thanh Hoá còn nhiều khó khăn. Thế nhưng những khoản tiền ông Xuân tự đặt ra là: Tiền nước uống học sinh, tiền điện thắp sáng học sinh, tiền quỹ xây dựng của Hội phụ huynh, tiền quà lưu niệm, tiền khuyến học và tiền quỹ hội phí phụ huynh… Theo đó, tổng số tiền từ những nguồn thu này lên đến hàng trăm triệu đồng.

 

Qua so sánh giữa các số liệu cho thấy bình quân tổng chi tiêu hợp pháp của những khoản tiền trên chỉ đạt khoảng 41/% (chúng tôi làm tròn số). Cũng theo kết luận Thanh tra số 62/2005 của Đoàn Thanh tra huyện cho thấy: Trường THPT Thạch Thành với vai trò chủ đạo là ông Hiệu trưởng đã thu trái phép của 41 học sinh bán công trước khi nhập học là 7,1 triệu đồng. Số tiền này không có biên lai thu tiền, thủ quỹ giữ nhưng để ngoài sổ sách.

 

Không những tuỳ tiện ra hàng hoạt các quy định thu mang tính bắt buộc đối với học sinh, ông Xuân còn lợi dụng chức vụ để chiếm đoạt và thu trái phép của các thầy cô giáo trong trường. Cụ thể: Năm học 2002- 2003 ông Hiệu trưởng còn thu tiền từ giáo viên để mua vé qua cầu. Tổng số tiền thu của 42 cán bộ giáo viên là 2.940.000 đồng. Ông Xuân đã không mua mà để lại sử dụng mục đích cá nhân. Chỉ khi Đoàn Thanh tra yêu cầu báo cáo ông Xuân mới chịu thừa nhận và đồng ý nộp lại số tiền trên.

 

Tại Bảo hiểm xã hội huyện Thạch Thành, hồ sơ lưu trong 3 năm (từ 2002- 2004) cho thấy cơ quan này đã cấp số tiền nghỉ dưỡng sức cho 19 lượt cán bộ, giáo viên là 6.349.000 đồng. Trong quá trình kiểm tra, đoàn thanh tra phát hiện đơn vị này đã nhận đủ nhưng không chi trả cho những giáo viên được hưởng chế độ.

 

Bớt xén cả tiền của học sinh nghèo học giỏi

 

Không những vi phạm về việc thu chi trái pháp luật, ông Xuân và một số cộng sự của mình thậm chí còn “ăn chặn” tiền của học sinh nghèo vượt khó. Cụ thể: năm học 2004- 2005 bà Bùi Thị Tuyết- Hiệu phó nhận tiền thưởng học sinh nghèo vượt khó từ Hội khuyến học huyện Thạch Thành trao lại cho các học sinh đạt giải thưởng của trường. Qua Thanh tra phát hiện bà Tuyết còn chiếm dụng của một học sinh là 100.000 đồng.

 

Năm học 2002- 2003 trường có một học sinh đạt giải thưởng Nguyễn Thái Bình với số tiền là 500.000 đồng. Ông Ngô Văn Giang- Bí thư Đoàn trường đã nhận nhưng chỉ trao cho học sinh 200.000 đồng. Số tiền còn lại ông Giang giữ để sử dụng vào mục đích cá nhân.

 

Năm học 2003- 2004 ông Nguyễn Viết Xuân, Hiệu trưởng nhận tiền thưởng của Hội khuyến học huyện, nhưng không chi trả hết số tiền này mà giữ lại 380.000 đồng để sử dụng cá nhân. Mặc dù số tiền mà các vị lãnh đạo này bớt xén không phải là lớn, nhưng đây là yếu tố tinh thần có ý nghĩa động viên, khích lệ học sinh vươn lên trong học tập.

 

Bên cạnh đó, tại các công trình xây dựng phục cho mục đích nhà trường cũng bị các “vị” lãnh đạo của trường vi phạm nghiêm trọng. Kết luận Thanh tra liên quan đến những vấn đề này cho thấy trong hai năm học 2003- 2004 và 2004- 2005 các công trình và các hạng mục công trình đều vi phạm trình tự đầu tư xây dựng cơ bản ngay từ khâu thiết kế đầu tư, khảo sát thiết kế lập dự toán thiết kế, thẩm định phê duyệt thiết kế- dự toán, hợp đồng thi công… do đó làm tăng giá trị các công trình, áp giá vật tư cao hơn giá trị thực tế. Kiểm tra của đoàn qua 5 hạng mục với tổng giá trị nghiệm thu 94.425.000 đồng đã phát hiện thất thoát phải thu hồi là 25.147.000 đồng.

 

Những sai phạm tại Trường THPT Thạch Thành II đã rõ, quyền và lợi ích hợp pháp của các giáo viên, học sinh trong trường đã bị vi phạm nghiêm trọng. Những việc làm trái quy định của ông Hiệu trưởng và một số người đã rõ ràng và thành hệ thống. Thế nhưng, việc chỉ nghiêm túc kiểm điểm liệu có được coi là biện pháp răn đe hợp lý?

 

Quốc Tuấn