Ấn tượng bức ảnh đôi dép rách của học trò dân tộc Dao

(Dân trí) - Bức ảnh chụp đôi dép rách rưới được buộc dây chằng chịt với những lời chú thích đầy ám ảnh: “Đôi dép của em đã bị hỏng, khi đi đường trơn có khi em bị ngã rất nhiều, có khi em vừa đi từ nhà được hai mấy bước thì bị ngã”.

Đó là bức ảnh em Lý Tả Mẩy (Sinh) lớp 7B, Trường THCS Tả Phìn (xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) tự chụp lại đôi dép của mình.

Ấn tượng bức ảnh đôi dép của học trò dân tộc Dao

“Vào mùa đông em không có giày để đi học, đây là đôi dép của em, nó đã bị hỏng và em phải lấy dây buộc vào để đi được... Em cũng rất muốn có một đôi giầy mùa đông như các bạn khác”, Mẩy chia sẻ về bức ảnh của mình.

Đây là bức ảnh gây chú ý nhất trong số 83 bức ảnh đang được trưng bày tại Triển lãm “Dung dăng dung dẻ” diễn ra đến hết ngày 31/8 tại Hà Nội.

Ấn tượng bức ảnh đôi dép của học trò dân tộc Dao

“Dung dăng dung dẻ” là kết quả của phương pháp photovoice (kể chuyện bằng ảnh) “Nâng cao năng lực cho thanh, thiếu niên về sự tham gia của trẻ em thanh, thiếu niên trong lĩnh vực giáo dục và phát triển” do Trung tâm Sống và học tập vì Môi trường, Cộng đồng (Live & Learn) và Oxfam cùng hợp tác tổ chức.

83 mẩu chuyện nhỏ của những tác giả còn thấp hơn cây ngô, bờ đá thể hiện cách nhìn cuộc sống đầy sinh động, chân thực, hồn nhiên. Đâu đó, trong những bức ảnh, những cô bé, cậu bé học trò dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai, Đắk Nông, Ninh Thuận còn gửi gắm ước mơ giản dị đến nao lòng.

Ấn tượng bức ảnh đôi dép của học trò dân tộc Dao
“Bạn Mỳ học ở lớp em nhà rất xa nên lúc nào đi học cũng phải lội qua suối và đi về cũng vậy. Vào mùa thu gió lớn và mưa, nước suối dâng lên tận cầu. Bạn đi học muộn nếu thấy nước suối đến cầu thì phải ngồi chờ cho nước hạ xuống, nếu đi sớm thì qua được suối đi học, nếu đã muộn nước cao thì phải về không đi học nữa. Trong lớp em cũng có bạn bị suối cuốn trôi dép, phải đi chân đất đến trường. Nhiều lúc bạn Mỳ lúng túng không biết làm thế nào để hết những khó khăn ấy”. Đó là câu chuyện của em Lý Tả Mẩy (Kiều) lớp 7B, Trường THCS Tả Phìn, xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Cô bé Lý Tả Mẩy (Seng) lớp 2A Trường Tiểu học Tả Phìn (xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) có hai câu chuyện nhỏ gây ấn tượng mạnh cho người xem.

Ấn tượng bức ảnh đôi dép của học trò dân tộc Dao
“Khi mùa đông đến, chúng em đi học rất lạnh nên không viết bài được và chúng em phải mang than, nếu mang củi thì rất khói và khó thở, lại độc nên cũng không học được, như thế chỉ mang than là thích hợp nhất, nó độc nhưng cũng chỉ một phần nhỏ và cũng không khói, lại vừa sưởi được lâu. Mà trời lạnh thì các bạn đi học rất ít, lớp rất buồn, em rất nhớ các bạn”.
Ấn tượng bức ảnh đôi dép của học trò dân tộc Dao
“Lớp em không có phòng học, phải học ở thư viện, các bạn muốn vào đọc sách thì không vào được, còn các bạn lớp em thì muốn có phòng học riêng”.


Ấn tượng bức ảnh đôi dép của học trò dân tộc Dao
Câu chuyện của Giàng Thị Sú, lớp 3 Trường Tiểu học Tả Phìn (xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) đâu chỉ giản đơn là câu chuyện về cây bút mực. Đến bao giờ học trò vùng cao bớt khổ vẫn luôn là câu hỏi gây nhiều trăn trở. “Em rất quý cái bút mực này, ở lớp em mới được viết. Ở nhà em thì em không có tiền mua bút mực để viết, chỉ viết bút bi. Nhiều bạn cũng như em không có tiền để mua bút cũng phải viết bút bi. Em ước mơ có một cái bút mực để viết ở nhà” - Sú chia sẻ về bức ảnh của mình. 
Ấn tượng bức ảnh đôi dép của học trò dân tộc Dao
“Sú đang đi học thì bố Sú không cho đi học, bắt em phải ở nhà làm việc. Sú rất buồn khi không được đi học” - bức ảnh của em Lý Tả Mẩy (Vạn) lớp 4 Trường Tiểu học Tả Phìn (xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai).

Ấn tượng bức ảnh đôi dép của học trò dân tộc Dao
“Nước từ mương xuống làm ngập trước cổng trường làm cho em và các bạn không vô trường được. Em muốn xây lại chỗ lũ lụt để nước khỏi vô trường được nữa” - Pu Pu Bảy, lớp 5A Trường Tiểu học Phước Tân A (xã Phước Tân, huyện Bắc Ái, tỉnh Ninh Thuận) chia sẻ về ước mơ của mình.

Phương Nhung