Ấn tượng năm học mới vùng cao

(Dân trí) - Cơ sở vật chất không hề thua kém các trường ở TP, đội ngũ giáo viên chất lượng, nhiệt huyết, sẵn sàng thực hiện tốt phong trào “hai không”… Đây là những ấn tượng không thể nào quên khi PV Dân trí tham dự ngày khai giảng tại trường THPT Bá Thước, Thanh Hoá.

Vượt qua quãng đường dài hơn một trăm cây số đường rừng, PV Dân trí đã có mặt tại trường THPT Bá Thước. Đây là ngôi trường đã có bề dày hơn 40 năm thành tích giảng dạy và đào tạo bao thế hệ học sinh và điều đặc biệt hơn, ngôi trường này thuộc một huyện dân tộc miền núi khá khó khăn của tỉnh Thanh Hoá.

 

Với những thành tích “đáng nể” đã đạt được như tỷ lệ học sinh đỗ ĐH cao, dạy và học thực chất…, trường THPT Bá Thước đã được Sở GD-ĐT Thanh Hoá chọn làm trường “điểm” khai giảng trong năm học 2007-2008.

 

Không thể “mơ” về ngôi trường miền núi

 

Bất ngờ đầu tiên khi đặt chân lên trường THPT Bá Thước là quy mô về cơ sở vật chất. Hình ảnh những ngôi nhà tre tranh vách nứa, những phòng học thiếu thốn về cơ cấu hạ tầng… đã lui dần vào quá khứ mà thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng với hệ thống ánh sáng, bàn ghế không hề thua kém với bất kì một trường THPT nào ở thành phố.

 

Gặp đoàn công tác ở miền xuôi lên tham dự lệ khai giảng năm học mới  thầy, cô vui lắm. Họ vui vì khoảng cách vùng miền được thu ngắn lại, vui vì được sự quan tâm của các cấp ngành. Nhưng có lẽ niềm vui của thầy, cô càng được nâng lên gấp bội khi khu phòng học 3 tầng vừa được khánh thành để đưa vào sử dụng trong năm học 2007-2008.

 

Sự bất ngờ càng được tăng lên khi thầy, cô hào hứng cho hay về hệ thống thiết bị giảng dạy học tập. Ít ai có thể tưởng tượng được, một trường THPT ở vùng cao lại có phòng học máy tính, thư viện… và hơn nữa giáo viên đã biết áp dụng giáo án điện tử vào giảng dạy để nâng cao chất lượng thông qua hệ thống máy chiếu.

 

Mặc dù là một ngôi trường vùng cao nhưng cũng đã triển khai phân ban học song song không thua kém gì với các trường miền xuôi.

 

Không thiếu sách SGK trong năm học mới

 

Trong khi dư luận đang nóng lên với sự kiện thiếu sách giáo khoa cục bộ ở một số vùng miền, đặc biệt là ở vùng cao thì trái lại nơi đây không hề thiếu SGK. Giải thích về điều này một giáo viên của trường cho hay:

 

“Do được sư quan tâm của Đảng và Nhà nước nên các cấp ngành liên quan  luôn cung cấp đầy đủ trang thiết bị cũng như SGK cho dù vẫn chưa được đáp ứng được hết nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên hiện tượng thiếu sách giáo khoa không còn cũng phải kể đến là do đời sống người dân ở đây đã được nâng cao đồng thời các gia đình đã biết chú trọng chăm lo đến việc học tập của con em mình”.

 

Với những gia đình thuộc diện khó khăn không có điều kiện để mua sách thì: “Hệ thống thư viện nhà trường sẽ đáp ứng nhu cầu đối với những đối tượng này. Các em sẽ được mượn sách miễn phí để tạo điều kiện học tập tốt nhất”, giáo viên này cho biết thêm.

 

Đất lành… “chim đậu”

 

Nói đến việc lên giảng dạy ở các trường vùng cao không ít giáo viên từng rơi vào tâm trạng lo lắng như: Điều kiện vật chất thiếu thốn, “dễ lên nhưng khó về”…

 

Tuy nhiên những tâm trạng lo lắng này đã rơi vào quá khứ vì thực tế nơi đây nhiều thầy cô lại mơ ước được lên giảng dạy và đã gắn bó với nó suốt cả cuộc đời.

 

Với đội ngũ hơn 80 thầy, cô tham gia giảng dạy ở trường THPT Bá Thước mà chủ yếu là từ vùng xuôi lên thì đã có hơn 2/3 thầy, cô đã an cư lạc nghiệp ở đây. Nhiều cô giáo vừa mới rời giảng đường ĐH lên vùng cao công tác đã từ bỏ ngay ý định “về xuôi” khi đặt chân đến mảnh đất này.

 

Lê Hằng, một sinh viên vừa tốt nghiệp về đây công tác đã phải thốt lên với Dân trí: “Em thực sự bất ngờ khi lần đầu tiên đặt chân đến đây. Ít có giáo viên nào mới ra trường lại có được những hình tượng chính xác về giáo dục vùng cao như vậy”.

 

Khi được hỏi điều gì ở đây làm cho thầy, cô lo lắng nhất thì Hằng tâm sự: “Có lẽ điều lắng nhất là vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục. Thầy, cô không muốn phụ lòng tin của Đảng và Nhà nước đã giao phó cho giáo viên vùng cao”.

 

Tuy nhiên với khí thế của năm học mới, trường THPT Bá Thước đang chuyển mình để rút ngắn khoảng cách với các trường miền xuôi. Đây cũng là những tín hiệu đáng mừng cho nền giáo dục vùng cao.

 

Nguyễn Hùng