Bạn đọc viết:

Áp lực khi là “con giáo viên”

(Dân trí) - Áp lực học hành vốn đã là nỗi ám ảnh của không ít đứa trẻ. Khi bố mẹ là giáo viên, có lẽ áp lực đó còn khủng khiếp hơn nhiều. Bởi các cháu bị mặc định phải giỏi, phải xuất sắc, phải dẫn đầu các phong trào thi đua.

Hôm qua, tình cờ ghé sang nhà người đồng nghiệp thân thiết, tôi bắt gặp nét mặt buồn so của cô cháu gái lớp 10. Cháu kể năm học vừa rồi chỉ đạt danh hiệu học sinh khá nên bị bố mẹ mắng, bởi vậy năm nay phải cố gắng nhiều hơn, học thêm nhiều hơn.

Câu chuyện giữa hai dì cháu ngắn gọn thôi, quẩn quanh trong cái áp lực thành tích mà bố mẹ đặt lên vao con cái. Vậy nhưng, tôi vẫn mải trăn trở về lời khẳng định, trách cứ, đe nẹt của mẹ cháu: “Mẹ là giáo viên, con không thể học thua người ta!”.

Tôi chợt nhớ về ngày tổng kết năm học ở trường tôi vừa mới diễn ra cuối tháng trước. Một trong những hoạt động thường niên dịp cuối năm là ban chấp hành công đoàn trường ra thông báo thu thập giấy khen của các cháu con giáo viên để trao thưởng. Năm nay, xấp giấy khen phô tô ấy dày cộm lên hẳn.

Một chị đồng nghiệp cầm tờ giấy khen phô tô của con ngắm nghía và than thở: “Tờ giấy mỏng tanh này đánh đổi bằng cả năm trời con cái học đến sâu mắt đây!”. Quả đúng là như vậy, con chúng ta học hành quá vất vả, mỗi kỳ thi đến là một mùa thức trắng cùng con ôn luyện bài vở.

Áp lực học hành vốn đã là nỗi ám ảnh của không ít đứa trẻ. Khi bố mẹ là giáo viên, có lẽ áp lực đó còn khủng khiếp hơn nhiều. Bởi các cháu bị mặc định phải giỏi, phải xuất sắc, phải dẫn đầu các phong trào thi đua. Chính định kiến “con giáo viên phải giỏi” cùng giấc mơ, kỳ vọng của bố mẹ gửi gắm đã biến nhiều đứa trẻ thành cái “máy học” và sự hồn nhiên bị tước đoạt một cách không thương tiếc.

Đằng sau tấm giấy khen, danh hiệu học sinh giỏi, học sinh xuất sắc ấy là gì? Là niềm tự hào và hãnh diện của bố mẹ khi có đồng nghiệp hỏi “Con chị thi mấy điểm?” và “Con anh đạt danh hiệu gì?” ư? Là sự rộn ràng khoe thành tích con trẻ ngập tràn mạng xã hội với lung linh điểm số, phần thưởng ư? Tôi lại chứng kiến vô số câu chuyện buồn đằng sau thành tích học tập “đáng nể” ấy.

Có đứa trẻ quẩn quanh suốt ngày chuyện học thêm, học kèm, học trung tâm, học nhiều đến nỗi mụ mị cả người và rồi gia đình lại lo ngay ngáy rằng con mình bị tự kỷ, bị trầm cảm…

Có đứa trẻ gần đến kỳ thi được bồi bổ món này ngon, món kia khỏe. Hễ mẹ nghe đồng nghiệp mách ăn gì tốt cho cơ thể đứa trẻ đang kiệt sức vì thi cử đầy áp lực là lập tức mua, nấu, dâng lên tận miệng cho con và không quên kèm theo câu nói “Cố ăn mà học nghe con…”.

Có đứa trẻ làm bài sơ suất trong một kỳ thi học sinh giỏi và đoán trước nguy cơ vuột mất giải thưởng tâm sự với tôi rằng cháu rất sợ mẹ cháu biết cháu làm bài không tốt, sợ mẹ cháu thất vọng và sợ mẹ cháu đánh mắng.

Mỗi dịp trao thưởng con đoàn viên giáo viên có thành tích tại trường, tôi bắt gặp những khuôn mặt háo hức tham gia các trò chơi viết, vẽ, ca hát, đố vui. Và giá như sự hồn nhiên hiện diện mãi trên từng khuôn mặt non nớt ấy, chỉ tiếc là ngay sau cuộc vui, kết thúc mấy ngày cuối cùng của tháng 5 là các cháu lại lao vào một lịch học thêm dày đặc chuẩn bị cho năm học mới.

Một tuổi thơ hồn nhiên đã bị tước đoạt để rồi con trẻ rơi vào vòng luẩn quẩn chạy đua với thời gian để giành giật từng điểm số. Trong cuộc đua không có đích đến ấy, các con đã thiệt thòi quá nhiều với lời hứa hẹn của phụ huynh “Cố gắng vượt qua kỳ thi này, bố mẹ sẽ cho con chơi thoải mái”. Nhưng rồi các kỳ thi nối tiếp nhau xoay vòng và đích đến cứ mãi nối dài.

Khi sự hồn nhiên bị tước đoạt, tuổi thơ của các con trống rỗng đến tội nghiệp. Có người bố người mẹ nào đã từng nghe con xin xỏ “Cho con chơi thêm tí nữa…” mỗi khi nhắc trẻ ngồi vào bàn học chưa? Có bố mẹ nào sẵn sàng hỏi con cái rằng “Con có thích học thêm môn này không? Con có muốn học với thầy cô giáo ấy không?”. Có bố mẹ nào đã từng giật mình lắng nghe tâm sự đầy nổi loạn của một đứa trẻ ước ao rằng “Ước gì mình… mồ côi để khỏi bị ép học” chưa?

Bất kỳ một đứa trẻ nào cũng là một con người có sở trường và sở đoản khác nhau. Không nhất thiết cứ hễ là con giáo viên thì phải giỏi. Đừng đổ áp lực “con giáo viên” lên vai con trẻ để rồi ép chúng phải học nhiều hơn con người ta, phải giỏi hơn con người ta. Đừng chăm chăm bồi bổ kiến thức cho trẻ mà quên mất việc vun đắp thế giới tâm hồn cũng cực kỳ quan trọng!

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .

Xin trân trọng cảm ơn!