Bà 60 tuổi vượt núi đưa hai cháu mồ côi đến trường

(Dân trí) - Nhiều năm học qua, học sinh cũng như phụ huynh Trường tiểu học Thiết Ống 1, xã Thiết Ống, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã quen thuộc với hình ảnh một người bà hàng ngày đưa hai cháu nhỏ đến trường.

Chúng tôi đến trường tiểu học Thiết Ống 1 đúng lúc vừa tan học buổi sáng, hàng chục học sinh còn tập trung tại sân trường, các em hầu hết ở những bản xa trường nên phải ở lại chờ sang buổi học chiều. Trong số đó, có một phụ nữ lớn tuổi cũng đang ngồi cùng các cháu học sinh.

Qua câu chuyện mới biết bà là Phạm Thị Mu (60 tuổi) ở bản Nán (xã Thiết Ống, huyện Bá Thước, Thanh Hóa). Vốn là người dân tộc Mường, nhà bà ở phía bên kia những dãy núi, nhưng thương hai đứa cháu nhỏ của mình mồ côi, hàng ngày bà đã gác lại công việc để đưa các cháu đến trường học chữ. Hình ảnh bà cụ ngày ngày đưa hai cháu học sinh đi học đã trở nên quen thuộc với phụ huynh cũng như người dân nơi đây.

Hàng ngày, bà Mu đưa cháu đến trường rồi ở lại đợi hết ngày lại đưa các cháu về.
Hàng ngày, bà Mu đưa cháu đến trường rồi ở lại đợi hết ngày lại đưa các cháu về.

Hướng về dãy núi cao ngút phía xa xa, bà Mu chỉ nơi bản Nán mà bà cùng các cháu đang ở. Đó là dãy núi Cột Cờ, một trong những dãy núi cao nhất của khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Bản Nán nằm cách trung tâm xã Thiết Ống khoảng 6 km. Do địa hình đồi núi, đường xá đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa, có những thời điểm người trong bản phải cả tuần mới xuống chợ hay ra trung tâm xã một lần, cả bản chỉ có 35 hộ dân, chủ yếu là người Mường.

Thương những đứa cháu vốn mồ côi cha mẹ, hàng ngày dù thời tiết thế nào, bà Mu vừa cõng, vừa dắt hai đứa cháu của mình vượt núi tới trường học chữ. Trong đó, cháu lớn là Trương Văn Hiếu học lớp 4B, còn cháu nhỏ Trương Văn Huy học lớp 2C.

Để kịp đưa các cháu đến trường, hàng ngày, ba bà cháu phải thức dậy từ lúc trời còn chưa sáng để chuẩn bị, rồi cả ba bà cháu mới bắt đầu hành trình đến trường. Những ngày thời tiết khô ráo còn đỡ, những ngày mưa gió thì quãng đường từ nhà đến trường là cả một hành trình đầy gian khổ.

Mỗi buổi đến trường, sau khi dẫn các cháu vào tận cửa lớp, bà mới quay ra ngoài hành lang ngồi đợi các cháu học. Thời gian đầu khi Hiếu học lớp 1, lúc nào không thấy bà là cháu lại khóc, không chịu ngồi học. Đôi khi, các cô giáo không còn cách nào khác phải cho bà Mu vào lớp ngồi cạnh cháu. Còn có nhiều hôm, bà cứ đứng bên cửa sổ phía ngoài hành lang để cháu nhìn thấy yên tâm ngồi học.

Vì phải đưa cháu đến trường nên mọi công việc lớn nhỏ trong nhà, bà đều phải phó mặc cho cụ ông ở nhà. Nhìn người đàn bà với dáng hình gầy gò, bà đã già đi rất nhiều so với cái tuổi 60 của mình, mỗi ngày vượt núi đưa các cháu đến trường khiến những người chứng kiến phải cảm phục.

Vì đường xá đi lại khó khăn, các cháu lại thường học hai buổi, nên sáng sớm dậy, bà chuẩn bị cơm để ba bà cháu ăn trưa tại trường. Bữa trưa của ba bà cháu thường chỉ có cơm nắm với măng muối là chủ yếu. Khi nào sang hơn chút thì có cá khô. Có những hôm không chuẩn bị kịp, bà cháu lại phải mua ít xôi lót dạ. Nhiều hôm chứng kiến cảnh bà cháu ăn uống thiếu thốn nên các thầy cô giáo mua thêm mì tôm cho.

“Nhà ở xa trung tâm xã lắm, cách đây mấy quả núi nên trẻ em trong bản ít đi học lắm. Mình còn khỏe ngày nào thì phải đưa các cháu đến trường ngày đó để các cháu được học cái chữ sau không phải lên nương, lên rẫy nữa”, bà Mu chia sẻ.
 
Trong câu chuyện với bà, chúng tôi được biết, bà Mu không có con nên nhận anh Trương Công Tuấn làm con nuôi từ nhỏ. Cách đây hơn bốn năm, trong một lần đi săn chuột rừng với người hàng xóm, do trời tối, người bạn đi săn cùng nhầm anh Tuấn là thú rừng nên bắn vào đầu khiến anh tử vong. Sau khi anh Tuấn qua đời, vợ đi miền Nam làm thuê từ đó đến nay vẫn chưa có tin tức về. Bố mất, mẹ bỏ đi, hai cháu Hiếu và Huy được ông bà nuôi dưỡng. Dù ông bà đã già, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng các cháu vẫn rất hiếu học.

Bà Mu đã tiếp bước cho những đứa cháu tội nghiệp của mình được đến trường học chữ.
Bà Mu đã tiếp bước cho những đứa cháu tội nghiệp của mình được đến trường học chữ.

Ông Trương Công Ray hàng ngày ở nhà chuẩn bị cơm nước cho ba bà cháu về ăn. Cuộc sống của ông bà và hai đứa cháu chỉ nhìn vào 4 sào ruộng bậc thang mùa được mùa mất. Bình quân mỗi năm thu hoạch được khoảng bốn tạ lúa, không đủ ăn, những mùa giáp hạt phải đi vay về ăn. Ngoài ra, tiền học hành, quần áo cho các cháu nhìn cả vào mấy chục bụi luồng trong vườn. Ngoài nuôi hai cháu, ông bà còn nuôi mẹ già 80 tuổi nằm liệt một chỗ khiến kinh tế gia đình đã khó, càng thêm khó.

Cô Nguyễn Thị Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thiết Ống 1 cho biết: “Điều kiện khó khăn, đường núi cách trở, mỗi khi trời mưa thì vô cùng khó đi nhưng các em vẫn đi học rất chăm chỉ, ít khi nghỉ học. Tấm lòng của bà Mu đối với các cháu khiến chúng tôi vô cùng cảm động. Nếu không có người bà như vậy, các cháu Hiếu và Huy chắc phải bỏ học rồi”.

  Hoàng Trung - Duy Tuyên