3 bước để tiến tới thành công

(Dân trí) - Ba bước để tiến tới thành công và sống một cuộc đời ý nghĩa là: Tìm ra điều bạn muốn làm và thực hiện điều đó; Chuyên môn hóa ở một lĩnh vực và trở thành chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đó; Việc bạn làm phải đi đôi với mục đích phụng sự cho đời.

Joseph Murphy (1898 - 1981) là tiến sĩ Tâm lý học, tác giả và diễn giả người Mỹ gốc Ireland. Ông đã làm thay đổi nhận thức của hàng triệu người trên thế giới với hơn 30 đầu sách và các chương trình thuyết giảng trên nhiều phương tiện truyền thông. Tiến sĩ Joseph Murphy là một trong những tác giả hàng đầu của thế kỉ 20 và được xếp vào hàng các cây viết đã đóng góp lớn cho sự phát triển tiềm năng con người.

Hơn 50 năm trước đây, Tiến sĩ Joseph Murphy đã chỉ ra 3 bước để tiến tới thành công như sau:

Bước quan trọng đầu tiên để tiến tới thành công là tìm ra điều bạn muốn làm và thực hiện điều đó. Thành công nằm ở việc yêu công việc của mình.

3 bước để tiến tới thành công - 1

Bước thứ hai để tiến tới thành công là chuyên môn hóa ở một lĩnh vực riêng biệt trong công việc của bạn và biết nhiều về lĩnh vực đó hơn bất cứ ai khác.

Bước thứ ba là bước quan trọng nhất. Bạn phải chắc chắn rằng điều bạn muốn làm không chỉ góp phần vào thành công của riêng bạn. Khát vọng của bạn không được vị kỷ mà phải mang lại lợi ích cho cộng đồng, phải mở ra một hướng đi cho một chu trình hoàn thiện. Nói cách khác, ý tưởng của bạn phải đi đôi với mục đích phụng sự cho đời. Nếu chỉ làm việc vì lợi ích của riêng mình, có nghĩa là bạn đã không tạo lập được chu trình hoàn thiện này, và bạn có thể nếm trải sự “đoản mạch” trong cuộc đời mà có thể bao gồm sự giới hạn hoặc bệnh tật.

“Công thức” thành công của Tiến sĩ Joseph Murphy có thể tóm gọn là:

- Làm công việc mình yêu thích

- Trở thành chuyên gia trong lĩnh vực mình làm

- Đóng góp, mang lại lợi ích cho cộng đồng thông qua việc mình làm

Phải nói rằng, từ trước đến nay đã có rất nhiều tác giả, nhà giáo dục đưa ra những chỉ dẫn về thành công và trong số này, “công thức 3 bước tiến tới thành công” của Tiến sĩ Joseph Murphy là một công thức rất đơn giản, dễ hình dung và dễ hiểu. Dù “công thức” này được ông đưa ra từ đầu những năm 60 của thế kỉ trước, nhưng xét trong thời đại ngày nay, nó vẫn còn nguyên giá trị.

Theo Tiến sĩ Joseph Murphy, làm công việc yêu thích (tức hai yếu tố hành động và đam mê) là bước đầu tiên để tiến tới thành công. Điều này hoàn toàn đúng bởi vì cho dù chúng ta có những khả năng tiềm ẩn nhiều như thế nào, cho dù chúng ta có những ý tưởng hay ho đến thế nào, thì chúng ta vẫn phải “hành động” thì mới thể hiện được khả năng, ý tưởng đó. Và khi chúng ta làm công việc mình muốn làm, chúng ta sẽ có thêm niềm vui, động lực trong công việc để có thể làm lâu dài trong công việc đó.

3 bước để tiến tới thành công - 2

Nhưng nếu chúng ta chỉ làm công việc mình muốn làm, thì chúng ta có lẽ vẫn chỉ như nhiều người làng nhàng khác. Chỉ khi chúng ta trau dồi khả năng của mình, phấn đấu trở nên xuất sắc, nổi trội trong lĩnh vực mình lựa chọn thì chúng ta mới đem lại nhiều giá trị hơn trong công việc của mình.

Tuy nhiên, dù chúng ta có là chuyên gia xuất sắc trong lĩnh vực của mình, nhưng giả sử chúng ta chỉ chăm chăm nhắm đến việc làm lợi cho mỗi bản thân mình, thì chúng ta cũng sẽ không thành công. Bởi sự giao lưu của chúng ta với xã hội là một vòng tròn, nơi mà mỗi cá nhân đều có tương tác với những người khác, nơi những hành động của chúng ta với người khác sẽ đến lúc quay lại, gây ảnh hưởng lên chính chúng ta. Do vậy, chỉ khi những hành động của chúng ta đi đôi với mục đích mang lại lợi ích cho người khác (phục vụ cộng đồng) thì chúng ta mới thành công.

“Công thức 3 bước tiến tới thành công” của Tiến sĩ Joseph Murphy thật sự dễ hiểu và dễ nhớ. Ai cũng có thể áp dụng “công thức” này để tiến tới thành công trong cuộc sống của mình, nhất là những bạn trẻ đang bắt đầu với hành trình lập nghiệp, tạo dựng cuộc đời.

Xuân Vũ

>> 10 câu hỏi tiết lộ đam mê thực sự của bạn

>> Triết lý nuôi dạy con vừa thành công vừa hạnh phúc

>> Chọn nghề đam mê hay chọn nghề lương cao?

>> “Làm thế nào để tôi yêu thích công việc đang làm?”

Dòng sự kiện: Chọn ngành, chọn nghề