Quảng Ngãi:

Bà giáo 64 tuổi nuôi trẻ khuyết tật

(Dân trí) - Với phương châm "Thời gian có thể làm bạc tóc thầy cô nhưng lòng yêu nghề không bao giờ phai nhạt", suốt 3 năm qua bà giáo Trương Thị Thu Cúc (64 tuổi, xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) đã đồng hành cùng những trẻ em khuyết tật. Tình cảm của bà giáo già đã bù đắp phần nào sự thiệt thòi của những "vầng trăng khuyết".

Lớp học tình thương cho trẻ em khuyết tật của bà giáo già

Mở lớp tình thương để phần nào bù đắp cho trẻ khuyết tật

"Nhiều cháu khuyết tật tuy được đến trường để hòa nhập nhưng các cháu còn gặp rất nhiều khó khăn, có cháu lại không được đi học. Thấy vậy nên cô mới xin xã cho mở lớp tình thương để phần nào bù đắp cho các cháu", bà giáo Cúc mở đầu câu chuyện.

Rồi bà kể, để đưa các cháu đến lớp không phải điều đơn giản. Trước tiên phải vận động gia đình, sau đó phải tìm cách "dụ dỗ" các cháu.

Học sinh của bà giáo Cúc đều là những em thiểu năng, chậm phát triển, có em còn mắc hội chứng Down. Vì vậy, muốn các cháu làm quen với cô giáo phải để đồng ý đến lớp là điều không đơn giản.

"Cô cứ đến nhà các cháu chơi, rồi mua quà, tặng bao lì xì để làm quen. Vậy mà phải mất thời gian rất lâu các cháu mới chịu đến lớp", bà Cúc cười vui.

Bà giáo Trương Thị Thu Cúc cần mẫn bên 12 học sinh khuyết tật
Bà giáo Trương Thị Thu Cúc cần mẫn bên 12 học sinh khuyết tật

Lớp học tình thương của bà giáo Cúc đi vào hoạt động cuối năm 2015 tại Nhà văn hóa xã Hành Minh. Lúc đầu lớp chỉ có 6 cháu, sau 3 năm đi vào hoạt động đã tăng lên 12 cháu.

Vào chiều thứ 2, 4, 6 hàng tuần, người dân xã Hành Minh lại nhìn thấy bà giáo già đến lớp trong sự vui mừng của những đứa trẻ khuyết tật.

Lớp học tình thương của bà giáo Cúc có khá nhiều điều đặc biệt: giáo viên đặc biệt, học trò đặc biệt và chương trình giảng dạy cũng đặc biệt không kém. Một mình bà giáo Cúc phải phụ trách dạy nhiều trình độ khác nhau từ Mẫu giáo đến lớp 6.

Học sinh nhỏ nhất trong lớp mới 7 tuổi, em lớn nhất đã học đến lớp 6. Trong đó có 2 chị em song sinh Nguyễn Thị Hồng Vang và Nguyễn Thị Hồng Diễm đều học lớp 6. Tuy được đi học nhưng do khiếm khuyết nên cả 2 em đều không theo kịp chương trình. Trong đó, Hồng Vang chỉ mới biết cộng trừ, nhân chia như những học sinh đầu cấp 1.

Gia đình của Hồng Vang, Hồng Diễm là hộ cận nghèo, cha mẹ các em ngày nào cũng làm việc từ tờ mờ sáng đến tối mới về, nên không chú ý mấy đến việc học của các con. Được gửi vào lớp học, Vang được bà Cúc rèn luyện lại từ những nét chữ, phép tính đơn giản nhất. Còn Diễm lại được học nâng cao kiến thức đã học ở trường. Đến giờ, với sự kiên trì của cô trò, Vang cũng đã từng bước nắm được mặt chữ và làm những phép tính đơn giản.

Cô Cúc phải có giáo án đặc biệt để dạy 6 trình độ khác nhau cho 12 học sinh trong lớp
Cô Cúc phải có giáo án đặc biệt để dạy 6 trình độ khác nhau cho 12 học sinh trong lớp

Trong lớp của bà giáo Cúc còn có cậu bé Ngô Hữu Phát bị hội chứng Down. Vì gia cảnh quá khó khăn, cha mẹ Phát phải đi làm ăn xa để Phát cho ông bà chăm sóc.

Dù đã ở độ tuổi thiếu niên nhưng con người và tâm hồn của Phát vẫn như một đứa trẻ lên 5. Những ngày đầu đến lớp, Phát chưa làm chủ được hành vi nên thường đánh bạn, quậy phá, không tự chủ được trong cả việc đi vệ sinh. Thế mà, chỉ trong thời gian ngắn, tình yêu thương của bà giáo già đã xoa dịu những cơn đau trong tâm hồn Phát.

"Phát bây giờ rất lễ phép, biết ý thức trong lớp học, biết vẽ những hình đơn giản. Đối với Phát cô chỉ mong dạy cho cháu làm chủ được bản thân mình để cháu hòa nhập, chơi đùa cùng bạn bè", bà giáo Cúc nói khẽ.

Khi cô là mẹ

Những đứa trẻ đến với lớp học của bà giáo Cúc hầu hết đều là con em những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cha mẹ đi làm ăn xa. Vì thế, bà giáo Cúc vừa là cô giáo vừa như người mẹ hiền.

Thấy cháu nào không đến lớp là bà giáo già lại tìm đến tận nhà hỏi thăm. Ở nhà với ông bà già yếu nên có lúc các cháu ăn uống thiếu thốn, nhiều hôm bà Cúc phải mua thức ăn đến nấu cho các cháu.

Không chỉ vậy, bà Cúc còn trích một phần lương hưu, vận động thêm một số cá nhân hảo tâm mua đầy đủ thẻ BHYT, BHTN cho các cháu trong lớp.

Điều trăn trở lớn nhất hiện giờ của bà giáo Cúc là cơ sở vật chất lớp học còn tạm bợ, số học sinh khuyết tật có nhu cầu đến lớp nhiều hơn nhưng không thể nhận thêm.

"Cô đã lớn tuổi lại dạy 12 em khuyết tật nên rất khó khăn, lớp học thì mượn tạm lại không có kinh phí để trang bị các vật dụng cần thiết. Nhiều phụ huynh đến gửi các cháu nhưng không nhận thêm được khiến cô rất buồn. Mong muốn lớn nhất là các cháu có được lớp học đầy đủ, rồi có thêm vài giáo viên cùng chung tay trợ giúp", bà Cúc chia sẻ.

Cần mẫn rèn từng nét chữ đầu tiên cho cậu bé 7 tuổi mắc chứng chậm phát triển
Cần mẫn rèn từng nét chữ đầu tiên cho cậu bé 7 tuổi mắc chứng chậm phát triển

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Phan Thanh Trinh - Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Chủ tịch hội Khuyến học xã Hành Minh, cho biết: lớp học tình thương do một tay cô Cúc thành lập, giảng dạy. Xã Hành Minh còn nhiều khó khăn nên chỉ hỗ trợ được một ít kinh phí lúc ban đầu.

Dù khó khăn, thiếu thốn đủ bề thế nhưng cô Cúc vẫn quyết bám lớp suốt nhiều năm qua, bây giờ cô đã trở thành điểm tựa của nhiều học sinh khuyết tật trên địa bàn xã.

"Cô Cúc là tấm gương sáng về lòng yêu trẻ, lớp học của cô là nơi các em khuyết tật được yêu thương, xoa dịu bớt những nỗi đau, thiệt thòi. Chúng tôi mong cô luôn khỏe để đồng hành cùng các cháu, cũng mong sao có thêm sự hỗ trợ để lớp học được đầy đủ hơn", ông Trinh nói.

Quốc Triều

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục