Bà giáo về hưu hơn 10 năm đem chữ đến với trẻ em nghèo

(Dân trí) -Hơn 30 năm công tác trong ngành giáo dục, cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người, được phong tặng danh hiệu cao quý - Nhà giáo ưu tú. Đến khi về hưu, ở tuổi gần thất thập, cô vẫn dành trọn lòng yêu nghề, đem tình thương đến với những trẻ nghèo quê mình.

Cô tên là Nguyễn Thị Thông (67 tuổi), ở thôn Thành Lập, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa). Trước khi về nghỉ hưu, cô Thông từng tham gia công tác giảng dạy, quản lý trong ngành giáo dục, nhiều năm liền đạt các danh hiệu chiến sĩ thi đua các cấp. Đặc biệt, năm 1996, cô Thông đã được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

Sau khi về nghỉ hưu, với tình cảm của mình đối với nghề, cô Thông đã đứng ra mở “lớp học tình thương” để dạy chữ cho những trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt bị mù chữ, trẻ em bị khuyết tật… và cho cả những ngư dân bị mù chữ nơi quê mình. Cuộc sống hàng ngày của cô vốn cũng không có gì khá giả, ngược lại còn không ít khó khăn.


Với lòng yêu nghề yêu trẻ, hơn 10 năm qua, cô Thông tình nguyện dạy học không công ở xã nghèo Ngư Lộc. Lớp học tình thương của cô Thông mở ra từ năm 2001, mỗi năm có hàng chục học sinh nhờ lớp học này mà biết đọc biết viết, có nhiều em phổ cập được bậc tiểu học.

Cô Thông chia sẻ: “Thấy trẻ em quê mình nhiều em con nhà nghèo nên không được đến trường đi học tôi muốn giúp các em biết chữ để không phải khổ và lam lũ như bố mẹ các em. Lúc đầu đứng ra mở lớp tất cả còn khó khăn, với đồng lương ít ỏi, tôi dành dụm để mua bàn ghế sách vở cho các em hết. Phải đến tận nhà vận động phụ huynh cho con đi học. Những ngày đầu không có lớp học, tôi phải dạy tại nhà chật chội lắm, sau được sự quan tâm của chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm thì mới có lớp học tình thương như ngày hôm nay”.

Đến nay, nhờ lớp học này mà hàng trăm em có hoàn cảnh khó khăn biết đọc biết viết. Có thời gian, cô Thông còn dạy chữ cho những ngư dân bị mù chữ, lớp học được mở ra vào buổi tối với sự tận tình của cô, nhiều người rất hăng say đến lớp. Ban ngày lam lũ mưu sinh, tối đến họ lại cắp sách vở đến lớp cô Thông học chữ. Có thời điểm lớp học xóa mù chữ của cô có sĩ số lên đến 60 người. Nhờ lớp xóa mù chữ của cô Thông mà hơn 40 người dân mù chữ ở xã Ngư Lộc đã biết chữ, đọc viết thông thạo.

Những ngày đầu, lớp học được mở ngay trong con ngõ chật hẹp của gia đình cô Thông. Bàn ghế, bảng thiếu, nhưng bằng tình thương và sự chịu khó của cô, lớp học vẫn được mở ra và học sinh nghèo nơi đây đã được học chữ. Mới đây, lớp học của cô đã được UBND xã cho mượn phòng học khang trang hơn tại Trung tâm học tập cộng đồng. Vậy là cô và trò đã không còn phải ngồi học trong lớp học tạm bợ nữa.

Hiện nay, lớp học của cô Thông đang dạy chữ cho 6 em nhỏ, trong đó 4 em bị thiểu năng trí tuệ, hai em vì hoàn cảnh gia đình không phải đi học chậm đến học chữ tại lớp học của cô Thông. “Sau khi học ở đây, các em đọc thông viết thạo tôi sẽ xin để chuyển cho các em qua trường để đi học như những em bình thường khác”, cô Thông cho biết.

Thái Bá