“Bà tiên” của sĩ tử nghèo

(Dân trí) - “Bà tiên” là tên gọi thân mật mà đội thanh niên tình nguyện tiếp sức mùa thi ở phường Xuân Hà (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) dành cho cụ bà Hoàng Thị Hồng. Năm nay 80 tuổi, cụ Hồng có gần 20 năm nuôi sĩ tử đi thi.

Mùa thi này, cụ Hồng tiếp tục đón nhận từ 10 - 12 sĩ tử, lo cho ăn, ở miễn phí. 

Cụ  Hồng chuẩn bị giường chiếu, chăn màn sẵn sàng đón sĩ tử.
Cụ  Hồng chuẩn bị giường chiếu, chăn màn sẵn sàng đón sĩ tử.

Đi tìm căn nhà cụ Hồng đang thuê ở số 22 đường Lê Quang Sung, tổ 36 phường Xuân Hà, Q. Thanh Khê (TP Đà Nẵng), chúng tôi được nhiều người dân giới thiệu “Ở phường Xuân Hà, cụ Hồng là người nổi tiếng, rất nhiều người quý mến vì tấm lòng tốt bụng của cụ”.

Theo chỉ dẫn của một chị bán nước, chúng tôi tìm tới nhà cụ lúc 6g chiều. May mắn, cụ mới vất vả đi bán vé số về. Ở tuổi 80, tóc cụ đã bạc trắng, đôi mắt đã mờ đục nhưng nom cụ còn khỏe. Mỗi ngày cụ cuốc bộ hàng chục cây số đi bán vé số. Cụ Hồng tâm sự: “Tui bán cả ngày lẫn đêm được khoảng 800 trăm tờ vé số. Bán được nhiều thì thêm tiền giúp đỡ sinh viên, sĩ tử”. Cụ Hồng thuê một căn nhà rộng rãi, thoáng mát, cứ 3 tháng trả tiền một lần 5 triệu đồng. Ở căn nhà thuê này, cụ ở với 5 - 7 sinh viên, những người được cụ cưu mang từ những lần đi thi và đỗ đại học trước đó.

Hè đến, sinh viên khăn gói về quê, còn lại cụ với Dương, cậu sinh viên học năm 4 ĐH Bách khoa Đà Nẵng quê Đắc Lắk ở lại làm thêm.

Sinh ra ở Huế, nhưng cả cuộc đời cụ Hồng cơ cực nơi xứ người. Khi được 3 tháng tuổi, cụ Hồng đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Sống lay lắt, cụ được một tài xế thương tình mang vào Đà Nẵng, gửi cho một gia đình khá giả làm con nuôi.

Chưa đầy 10 tuổi, cha mẹ nuôi cũng ra đi. Từ ngày đó, cụ sống bơ vơ, một thân một mình. Để có cái ăn, cụ bôn ba trên mọi nẻo đường phố, ai thuê việc gì làm việc nấy. “Tui đi bán bánh mì, bánh chưng, làm thuê cho nhà giàu có. Tối đến, nằm vạ vật, co ro ở hiên nhà người khác”… Tằn tiện, tích cóp từ những đồng tiền bằng mồ hôi nước mắt, cụ thuê một cái phòng nho nhỏ để ở và mưu sinh.

Nhớ lại cảnh cơ hàn ngày trước,  nước mắt cụ lăn dài trên gương mặt khắc khổ. Cụ kể: “Ngày trước có người đàn ông tốt bụng. Thương tôi, ngày làm thuê, tối nằm co ro bên hiên nhà người khác, người ấy đã cho tôi một manh chiếu để nằm. Tôi nhớ mãi và biết ơn họ nhiều”.

Thương những thí sinh ngoài tỉnh “chân ướt, chân ráo” mới tới Đà Nẵng thi ĐH, CĐ, năm đầu tiên, cụ Hồng “tiếp sức mùa thi” rất tình cờ. Trưa đó, cụ bán vé số trước một cổng trường cấp 3, khi đang chuẩn bị kỳ thi đại học. “Tui nom thấy một thí sinh đến nộp tiền lệ phí thi mà cứ đứng tần ngần, cô đơn. Thấy tâm trạng của cậu sĩ tử một thân một mình đi thi, tui đoán là không có tiền. Chạnh lòng thương, tui bước lại hỏi thăm quê quán, gia đình rồi đưa về nhà trọ của tui lo cho ăn, ở để đi thi”.

Kể từ ngày đó, hàng năm cụ Hồng đều tình nguyện cho sĩ tử ở nhờ qua sự giới thiệu của đội thanh niên tình nguyện của phường.

Sĩ tử được cụ Hồng nhận nuôi được tạo điều kiện mọi bề. Hằng ngày, từ 4h sáng, cụ Hồng đã thức dậy nấu bữa ăn sáng, trưa và chuẩn bị đi bán vé số. Cụ cho biết: “Các cháu thức dậy chỉ việc ôn bài rồi chuẩn bị đi thi. Tối tui đi bán vé số về sớm, ghé qua chợ mua con cá, mớ rau nấu ăn cho các em ăn. Bữa nào không kịp, tui ghé qua quán cơm bình dân mua cơm hộp”.

Bức ảnh kỷ niệm của cụ Hồng chụp cùng với những sĩ tử, sinh viên từng được cụ cưu mang.
Bức ảnh kỷ niệm của cụ Hồng chụp cùng với những sĩ tử, sinh viên từng được cụ cưu mang.

Cụ Hồng tâm sự: “Tui có gì thì các sĩ tử ăn đó. Bán được bao nhiêu tiền từ những tờ vé số, tui đều dành dụm, ki cóp mua gạo, thức ăn lo cho các cháu ăn uống, dự thi. Thiếu tiền, tui sẽ đi mượn, không để các cháu phải chịu cảnh nhịn đói đi thi. Tui chỉ mong các cháu đỗ đạt hết”.

Nguyễn Tuấn