Bác sĩ nội trú và những đêm trực ứa nước mắt

(Dân trí) - Nhiều sinh viên Y khoa truyền nhau rằng: Thi nội trú là “ván bài” cược bởi phải hy sinh rất nhiều. Tuy nhiên, một số người khi đứng trong hàng ngũ ấy, mới thấy “ván bài” mình chơi, con đường đang đi hoàn toàn đúng đắn.

Những đêm trực ứa nước mắt

Trên một diễn đàn dành cho sinh viên Y khoa, chúng tôi đọc được nhiều chia sẻ của các sinh viên đang theo học chuyên ngành Bác sĩ nội trú.

Thu Tr, một sinh viên từng theo học chuyên ngành BS nội trú đã chia sẻ những kinh nghiệm và cảm xúc khi mình quyết định thi vào ngành này: “Khi đang học Y2, nghe các anh chị nói về BS nội trú, mình lắc đầu cho rằng là người “mặt đất” thì không nói chuyện “trên trời”.

Thi vào rồi, mình thấy vào chuyên ngành nội trú là một “ván bài” cược, sự hi sinh cũng phải rất nhiều. Thế như khi được đứng trong hàng ngũ ấy, được làm việc trong môi trường ấy, bị quay như chong chóng giữa cả chục cái máy thở phì phò, tôi vẫn thấy ván bài mình đã chơi là hoàn toàn đúng đắn, con đường đang đi cũng hoàn toàn đúng đắn”.

BS Ngô Đức Hùng, một bác sĩ nội trú ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng từng chia sẻ trên trang cá nhân về câu chuyện của bác sĩ nội trú và những đêm trực ứa nước mắt.

Các bác sĩ đang hội chẩn một ca bệnh nhân nhi nặng (Ảnh: H. Hải)
Các bác sĩ đang hội chẩn một ca bệnh nhân nhi nặng (Ảnh: H. Hải)

Câu chuyện của anh rất dài, có thể cũng như vô vàn những câu chuyện khác mà các bác sĩ ở đây thường gặp. Tuy nhiên, so với những hệ bác sĩ khác, các bác sĩ nội chịu căng thẳng gấp nhiều lần bởi họ phải luôn túc trực 24/24 ở bệnh viện vì mục tiêu vừa giỏi lý thuyết cả lâm sang nên nhiều khi căng thẳng tột độ.

BS Hùng viết: “Dịp tết nào cũng vậy, bệnh nhân vào cấp cứu đông đến mức có hôm không còn cáng để nằm và bệnh nhân được phân loại nhẹ phải ngồi ghế chờ khám, ưu tiên cáng cho bệnh nhân nặng hơn. Ngày mình trực cũng vậy, một mình cùng mấy nội trú làm đến không có thời gian ăn trưa...

Hôm nào stress quá, mình lên chùa, ngồi nói chuyện với bác sư trụ trì - nơi mẹ được gửi lên đó 10 năm trước. Lần nào cũng như lần nào, sư đều cười và khuyên “con cứ tích phúc cho con cháu mình con ạ”! Và mình lại về để tiếp tục làm việc”...

Cực khổ nhưng kết quả tốt

Nói về những khổ cực của hệ đào tạo Bác sĩ nội trú, GS.TS Lê Quan Nghiệm - nguyên phó Hiệu trưởng, giảng viên ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh cho biết, đúng là Bác sĩ nội trú khác với các hệ đào tạo khác bởi nó là hệ thực hành. Các em vừa học vừa làm việc và làm việc cũng là để học.

Họ vừa làm việc, vừa học lý thuyết và phải ở luôn trong viện để học lâm sàng nên nhiều khi thời gian làm việc liên tục cả ngày lẫn đêm trong hàng tuần liền. Các em cực khổ hơn nhưng kết quả sẽ tốt hơn. Và từ trước đến nay, các chuyên gia y tế đầu ngành của nước ta đều xuất thân từ bác sĩ nội trú.

Nhiều bệnh viện, do nhận thức được ưu thế của từng hệ đào tạo nên họ cũng đặt ra yêu cầu chỉ nhận bác sĩ tốt nghiệp từ các trường ĐH đào tạo hệ Y khoa uy tín đến hệ đào tạo nội trú. Điều này như một cách công nhận bác sĩ nội trú và những hi sinh trong quãng thời gian đào tạo vất vả của họ.

Chia sẻ với chúng tôi trước đó, PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên giám đốc BV Việt Đức (Hà Nội) cho biết, truyền thống của viện không tuyển các bác sĩ thường.

“Không biết các bệnh viện khác ra sao nhưng riêng Bệnh viện Việt Đức chúng tôi, truyền thống không tuyển bác sĩ thường. Chúng tôi chỉ tuyển những người không những phải tốt nghiệp từ ĐH Y Hà Nội mà sau đó, họ còn phải được đào tạo bác sĩ nội trú”, ông khẳng định.

Được biết, bác sĩ nội trú là một chương trình đào tạo đặc biệt dành riêng cho các bác sĩ mới ra trường. Sau 6 năm học đại học, các bác sĩ mới ra trường, dưới 27 tuổi, tốt nghiệp loại khá trở lên có thể thi cao học hoặc bác sĩ nội trú.

Thi vào bác sĩ nội trú khó khăn hơn rất nhiều so với cao học và bác sĩ chuyên khoa I. Chỉ có các sinh viên y khoa chính quy mới được dự thi bác sĩ nội trú và chỉ được thi duy nhất một lần trong đời.

Hiện nay, sau khi hoàn tất chương trình đào tạo kéo dài 3 năm (Cao học học 2 năm) thì các bác sĩ nội trú sẽ được cấp 3 bằng: Bằng bác sĩ chuyên khoa I, bằng Thạc sĩ y khoa, và bằng Bác sĩ nội trú. Chương trình học bác sĩ nội trú rất vất vả, các bác sĩ nội trú phải ở trong bệnh viện 24/24 vì mục tiêu là trở thành người bác sĩ giỏi về lý thuyết lẫn thực hành lâm sàng. Các giáo sư đầu ngành của Y học Việt Nam hầu hết xuất thân từ các bác sĩ nội trú.

Mỹ Hà

(Email:myha@dantri.com.vn)