Bài học từ Trung tâm Vũ trụ và Tên lửa của một giáo viên Việt Nam

Sau một khóa học tại chương trình He@sa 2014 tại Trung tâm Vũ trụ & Tên lửa Hoa Kỳ, thầy giáo Bùi Tuấn Ngọc - giáo viên Trường THPT chuyên Trần Phú (Hải Phòng) đã học được bài học “Áp dụng các phương pháp học tiên tiến và kĩ năng làm việc nhóm hiệu quả” .

HE@SA là một chương trình đào tạo được thành lập bởi Tập đoàn công nghệ Honeywell và Trung tâm Vũ trụ & Tên lửa Hoa Kỳ từ năm 2004. Chương trình này nhằm hỗ trợ và truyền cảm hứng cho đội ngũ giáo viên giảng dạy toán học và các môn khoa học - những người đóng vai trò đặc biệt, khơi gợi niềm đam mê cho học sinh của mình theo đuổi sự nghiệp học tập và làm việc trong các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.
 
Năm 2014, thầy Bùi Tuấn Ngọc - giáo viên Trường THPT chuyên Trần Phú (hiện nay là Phó trưởng phòng GDTH- Sở GD-ĐT Hải Phòng) được lựa chọn là 1 trong số 204 giáo viên từ 27 quốc gia tham gia khóa đào tạo của chương trình HE@SA 2014 tại Trung tâm Vũ trụ & Tên lửa Hoa Kỳ tại Huntsville, Alabama, Hoa Kỳ. Sau một tuần trải nghiệm học tập tại đây, thầy Ngọc đã có được nhiều bài học kinh nghiệm phục vụ cho công tác quản lý và dạy học của mình.

Thầy Bùi Tuấn Ngọc- giáo viên Trường THPT chuyên Trần Phú (Hải Phòng)

Thầy Bùi Tuấn Ngọc- giáo viên Trường THPT chuyên Trần Phú (Hải Phòng).

Thầy Ngọc cho biết, trong chương trình HE@SA 2014, các giáo viên tham gia vào một loạt các cuộc hội thảo và các trải nghiệm đầy thú vị như các hoạt động mô phỏng phi hành gia vũ trụ, nhiệm vụ vũ trụ giả định, đào tạo sinh tồn trên mặt đất trong phòng thí nghiệm cũng như huấn luyện thực địa tập trung vào khoa học và thăm dò không gian.

Bên cạnh đó, chương trình cũng phát triển  những những bài tập và tình huống giả định để hỗ trợ các giáo viên kết nối tất cả các hoạt động với việc phát triển chuyên môn, từ đó tìm ra phương pháp giảng dạy thích hợp nhất.

Ví dụ như với bài học thử thách với quả trứng làm việc theo các nhóm, các giáo viên sẽ sử dụng túi nilon, bóng bay, khăn giấy (và các vật liệu khác) để thả quả trứng đó từ tầng 2 xuống trúng mảnh vải (rộng khoảng 1 mét vuông) ở tầng 1 mà không vỡ. Hay như một thử thách khác là yêu cầu các giáo viên sẽ chế tạo và khởi động tên lửa được làm từ ống bọt cách nhiệt và sử dụng chúng để nghiên cứu sự tương quan giữa quỹ đạo góc khởi động và phạm vi trong một nghiên cứu được kiểm soát.

Bên cạnh đó, bài tập thử thách Căn cứ trên mặt trăng, theo từng nhóm làm việc, các giáo viên sẽ thiết kế và xây dựng một cơ sở trên mặt trăng bằng cách sử dụng toán học cấp trung học, chú trọng về quy hoạch, lập ngân sách và quản lý tài nguyên.

Thầy Ngọc (

Thầy Ngọc (hàng đầu bên trái) cùng các giáo viên trên thế giới.

Theo đánh giá của thầy Ngọc, các thử thách này không có gì cao siêu về mặt chuyên môn khoa học nhưng lại đòi hỏi tinh thần và kỹ năng làm việc nhóm rất lớn. Các giáo viên có thể tự do đưa ra ý kiến, bảo vệ ý kiến của mình hoặc phản biện ý kiến của người khác. Từng nhóm sẽ quyết định chấp nhận ý kiến được cho là tốt nhất.  Các thử thách chính là công cụ để các giáo viên được đưa vào những tình huống đòi hỏi phải hợp tác, lắng nghe ý kiến của người khác, chủ động suy nghĩ đưa ra ý kiến, cũng như đủ lập luận để bảo vệ ý kiến của mình.

Thầy Ngọc chia sẻ sau thời gian được tham gia các hoạt động như vậy, bản thân thầy cũng thấy nhiệt huyết và lòng đam mê nghiên cứu khoa học của mình tăng lên. Thầy mong muốn truyền cảm hứng đó sang học sinh trong chính các tiết dạy của mình, đặc biệt thầy nhấn mạnh đến việc nâng cao kỹ năng và hiệu quả làm việc nhóm của các học sinh Việt Nam. Kỹ năng này vốn không phải là điểm mạnh của các em dù kỹ năng làm bài tập và giải thuật Toán cũng như các môn khoa học tự nhiên khác rất tốt. Những kiến thức khoa học được truyền tải một cách mềm mại, sinh động sẽ khiến học sinh nhớ lâu và sâu sắc còn người giáo viên chỉ đóng vai trò hướng dẫn, kết nối và định hướng cũng như truyền đam mê cho học sinh.

Được thành lập bởi Honeywell và Trung tâm Vũ trụ & Tên lửa Hoa Kỳ từ năm 2004, chương trình Honeywell Educator @ Space Academy (HE@SA) là một chương trình học bổng nhằm truyền cảm hứng cho các giáo viên khoa học và toán học cấp trung học giảng dạy hiệu quả hơn các môn Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM).

Trong một thập kỉ vừa qua, HE@SA đã trao học bổng cho 2.176 giáo viên từ 55 nước và 52 bang và các vùng lãnh thổ của Hoa Kỳ (trong đó có 1.696 giáo viên đến từ Hoa Kỳ). Những giáo viên này đã liên tục vận dụng những trải nghiệm từ chương trình HE@SA vào chương trình giảng dạy, tiếp cận hơn 2 triệu học sinh trên toàn cầu trong mười năm qua. Chương trình hỗ trợ cũng như truyền cảm hứng cho các giáo viên khoa học và toán học cấp trung học để giảng dạy hiệu quả hơn các môn Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học. Năm 2013, lần đầu tiên Việt Nam có đại diện tham dự chương trình này là cô giáo Nguyễn Thị Phương Giang từ Phú Yên.

Thời gian đăng ký tham dự chương trình HE@SA năm 2015 dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 9/2014. Thông tin chi tiết và cập nhật về chương trình tại : http://educators.honeywell.com.