Bài kiểm tra

Đứa cháu gọi điện về nhà: “Bữa nay con về trễ một tiếng để vào điểm kiểm tra phụ cô chủ nhiệm”. Thấy tôi ngạc nhiên, bà chị giải thích: “Cháu nó làm lớp trưởng nên được nhiều giáo viên nhờ đọc điểm để ghi vào sổ”.

Một ngày rảnh rỗi sang thăm gia đình chị, tôi giở xấp bài kiểm tra của đứa cháu ra xem và lại thêm một lần ngạc nhiên: giáo viên chấm bài thể hiện duy nhất qua điểm số, không hề có lời phê! 

 

Nhớ lại thời đi học của mình cách đây không xa lắm - mới chỉ hơn mười năm. Hồi đó, thầy cô không tự ghi điểm vào sổ mà sau khi phát bài kiểm tra, cô sẽ gọi tên cho từng HS đọc điểm của mình. Cách làm ấy đã tạo nên một không khí tích cực thi đua học tập.

 

Tâm lý HS khi xướng tên với điểm 10, được bạn bè xuýt xoa, ngưỡng mộ, ai lại không hãnh diện và tự nhủ phải cố gắng để duy trì thành tích ấy. Ngược lại, khi bị xướng tên với điểm 1 ai lại không xấu hổ và tự nhủ “lần sau phải ráng học”.

 

Thời đi học của tôi không có giấy kiểm tra khổ A4 được in sẵn các ô điểm, ô số phách như bây giờ. HS cũng không phải đóng tiền mua giấy kiểm tra, văn phòng phẩm, ngoài những quyển tập bộ môn, mỗi HS chúng tôi mua thêm một cuốn tập nữa, mỗi lần kiểm tra thì lấy ra 1-2 đôi giấy.

 

Trên góc trái của tờ kiểm tra ghi họ tên, lớp, trường, ở giữa ghi rõ kiểm tra 15 phút hay 1 tiết, bộ môn nào, phía dưới sẽ kẻ khung khoảng năm ô tập suốt bề ngang trang giấy, trong đó 1/4 ô sẽ là ô “điểm”, 3/4 ô còn lại là “Lời phê của thầy cô”. Gần như bài kiểm tra nào của chúng tôi cũng được thầy cô phê - cho dù điểm cao hay thấp.

 

Tôi còn nhớ bài tập làm văn đầu tiên của năm lớp 6, thầy đã cho tôi 7,5 điểm cùng với lời phê “Bài làm tốt, diễn đạt súc tích, gãy gọn nhưng dùng quá nhiều hư từ “rằng, thì, là, mà” dễ tạo cảm giác nhàm chán cho người đọc”. Cho đến tận bây giờ, khi đã sống bằng nghề cầm bút, phải viết lách thường xuyên, nhưng mỗi khi đặt bút viết một cái gì tôi luôn cân nhắc và cố gắng hạn chế “rằng, thì, là, mà”.

 

Trường hợp của người bạn ngồi cạnh tôi cũng vậy. Bài kiểm tra môn văn đầu năm, bạn tôi chỉ được 3 điểm với lời phê chi chít tràn ra ngoài cả ô “lời phê”: “Bài làm có ý hay chứng tỏ HS có suy nghĩ sáng tạo  nhưng câu cú lủng củng, chữ viết còn lỗi chính tả. HS cần chú ý trau dồi môn ngữ pháp và chăm chút hơn cho bài kiểm tra của mình...”.

 

Bạn tôi thừa nhận: “Sao thầy biết mình ẩu hay vậy ta? Nhưng bài tớ có nhiều ý hay tức là tớ có khiếu học văn đấy nhé”. Ít ai biết được rằng lời phê ấy của thầy giáo đã tác động mạnh mẽ đến bạn tôi - bạn đã đạt 8 điểm môn văn trong kỳ thi tuyển sinh ĐH sau này. 

 

Theo Hoài Hương

Tuổi Trẻ