Góp ý về kỳ thi 2 trong 1:

Bài thi đại học giao cho các trường chấm

(Dân trí) - Bộ GD-ĐT nên giao cho Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường tổ chức thi tất cả các môn học ở lớp 12 ngay tại trường còn Bộ tổ chức kỳ thi hướng nghiệp, phân luồng học sinh có nguyện vọng vào ĐH,CĐ cho những học sinh đăng ký tuyển vào.

Đó là ý kiến mà ông Phan Đăng Hùng, Trưởng Ban Phong trào, Hội Khuyến học Việt Nam góp ý về kỳ thi quốc gia năm 2015.

Bài thi đại học giao cho các trường đại học chấm

Ông Phan Đăng Hùng: "Bộ GD-ĐT chỉ nên tổ chức kỳ thi hướng nghiệp, phân luồng học sinh có nguyện vọng vào ĐH, CĐ".

Hiện nay có 2 luồng ý kiến khác nhau:

- Bỏ thi tốt nghiệp phổ thông.

- Bỏ thi Đại học, lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT làm căn cứ xét tuyển.

Cả 2 ý kiến này đều không đều không đạt được mong muốn của 2 bậc học Phổ thông và Đại học. Tại sao “thi cử” ở Việt Nam ta lại rắc rối như vậy,nhìn ra các nước có nền giáo dục ổn định thì việc thi cử của họ rất gọn gàng và nhẹ nhàng và không chống lại nhau, mọi việc thi cử và đánh giá học sinh đều diễn ra ở tại trường Phổ thông và học bạ của học sinh mới là căn cứ để xem xét việc vào tuyển vào Đại học.

Ở Việt Nam ta chỉ chú ý thi các môn Văn hóa và tổ chức thi toàn quốc để công nhận học sinh tốt nghiệp mà không chú ý đến việc đánh giá việc hoàn thành bậc học phổ thông của đứa trẻ đã học tập và rèn luyện suốt 12 năm trong ngôi trường xã hội chủ nghĩa. Chính vì chỉ căn cứ mấy môn thi để công nhận sự trưởng thành của 1 thanh niên 18 tuổi mà bỏ qua công sức học tập rèn luyện của đứa trẻ đã trưởng thành suốt 12 năm trong nhà trường phổ thông, nên suốt 20 năm qua ta vẫn không thể giải quyết được tại sao thi kiểu gì cũng phải đạt tỷ lệ từ 95 đến 98%.

98% là mong muốn của cả xã hội, gia đình, học sinh và cả nhà trường sau 12 năm giảng dạy và học tập dưới mái trường XHCN để giúp các em có hành trang vào đời. Vì vậy chỉ vì thi có mấy môn văn hóa toàn quốc mà các em trắng tay, ra đường, không có gì làm căn cứ để học thêm, để lao động, để kiếm sống từ đó sinh ra gian dối trong thi cử mà ta quy tội là vụ thành tích.

Từ thực tế rất đời thường đó và nghiên cứu cách tổ chức thi cử nhiều nước trên thế giới tôi xin đề xuất việc tổ chức thi cử đánh giá học sinh hoàn thành bậc học Phổ thông như sau:

Thứ nhất, Bộ GD-ĐT giao cho Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường tổ chức thi tất cả các môn học ở lớp 12 ngay tại trường. Tổ chức công nhận những học sinh đat kết quả học tập từ Trung bình trở lên, Đạo đức khá, tốt đã “hoàn thành bậc học phổ thông”, ghi vào Học bạ quyết định này.

Chứng nhận này học sinh có quyền lợi:

- Hoàn thành bậc học Phổ thông 12 năm.

- Để đăng ký học nghề, vào các trường TCCN, TC nghề.

- Đăng ký thi tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng nếu có nhu cầu.

Thứ hai, Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức kỳ thi hướng nghiệp, phân luồng học sinh có nguyện vọng vào Cao đẳng, Đại học cho những học sinh đăng ký tuyển vào Cao đẳng - Đại học.

Kỳ thi này nhằm giúp các trường Đại học - Cao đẳng có căn cứ để sơ tuyển nên các môn thi phụ thuộc vào khối A, B, C, D. Giống như các kỳ thi tuyển sinh vào Đại học trước đây .

– Tổ chức thi tại các tỉnh ,thành phố.

- Bài thi giao cho các trường tuyển sinh chấm và công bố kết quả.

Cách tổ chức thi như thế này có lợi gì?:

1. Việc đánh giá học sinh hoàn thành bậc học phổ thông được toàn diện, không lệch về các môn văn hóa đơn thuần như trước đây. Tỷ lệ (98%) có lý và được chấp nhận không gian dối vì do Ban Giám hiệu và Giám đốc Sở GD-ĐT công khai xác nhận trước học sinh, phụ huynh, và các cơ quan quản lý nhà nước .

2. Tránh phải tổ chức 1 kỳ thi tốn kém, nặng nề, mà kết quả ai cũng biết là GIẢ mà “không làm gì được” .

3. Kết hợp đươc việc phân luồng, hướng nghiệp mà học sinh và các trường Cao đẳng và Đại học mong muốn. Chỉ thi những môn mà các trường Cao đẳng, Đại học cần có và kết hợp với Học bạ bậc PTTH để sơ tuyển. Học sinh cũng không phải học quá nhiều môn và không bị động hàng năm về môn thi. Số lượng dự thi chắc chắn sẽ giảm nhiều vì phân luồng sớm không còn chờ may rủi.

4. Việc tổ chức thi gọn nhẹ, tổ chưc tại cơ sở, hạn chế việc đi lại tốn kém, tạo cho cán bộ quản lý các cấp thấy trách nhiệm của cấp mình để phấn đấu hoàn thiện dần dần, điều mà nhà nước và nhân dân mong muốn trong tổ chức Đánh giá học sinh bậc học phổ thông kết hợp với việc chủ động của các trường Đại hoc trong xét tuyển.

5. Số tiền tốn kém chi cho thi cử hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm có thể đầu tư cho các trường về cơ sơ vật chất, trang thiết bị giảng dạy ,bồi dưỡng năng lực quản lý cho cán bộ giáo dục các cấp...

Một vài ý kiến đóng góp mong mọi người quan tâm đến việc thi cử xem xét và cùng đóng góp để việc thi cử ở Việt Nam ta bắt kịp thế giới và không biến Bộ GD-ĐT trở thành BỘ THI CỬ.

Phan Đăng Hùng
Trưởng Ban Phong trào, Hội Khuyến học Việt Nam