Bài thi đúng kết quả nhưng khác cách làm, chấm điểm thế nào?

Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố đáp án chính thức ba môn thi khối A tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2005, câu hỏi “nếu bài ra kết quả đúng nhưng cách giải không giống như đáp án thì có được tính điểm?” là băn khoăn chung của nhiều thí sinh (TS).

Bà Trần Thị Hà, vụ trưởng Vụ ĐH & SĐH, phó Ban chỉ đạo thi và tuyển sinh (Bộ GD-ĐT), đã có câu trả lời:

 

“Qui định chung của qui chế tuyển sinh là cán bộ chấm thi phải chấm bài theo đúng thang điểm và đáp án chính thức của Bộ GD-ĐT nhằm đảm bảo thống nhất biểu điểm, công bằng trong khâu chấm thi giữa các trường. Nếu TS làm bài có kết quả đúng nhưng cách giải không giống như đáp án Bộ GD-ĐT đã công bố vẫn được tính điểm.

 

Tất nhiên các bước trong bài giải tuy khác với đáp án nhưng phải hợp lý, đúng trình tự. Không những thế, những bài làm đúng, có cách giải sáng tạo, độc đáo khác với đáp án có thể được thưởng điểm”.

 

Thưa bà, thế nào được tính là “cách giải sáng tạo, độc đáo”?

 

Trước khi tiến hành chấm, các hội đồng tuyển sinh đều phải phổ biến qui chế, hướng dẫn kỹ thuật, nắm vững đáp án và thang điểm cụ thể cho các cán bộ chấm thi. Trong quá trình thực hiện, các hội đồng chấm thi phải tuân thủ qui trình chấm hai vòng độc lập, riêng biệt. Nếu kết quả giữa hai lần chấm có sự chênh lệch, hội đồng phải đưa ra xử lý theo qui chế.

 

Với trường hợp bài thi làm khác với đáp án mà vẫn có kết quả đúng thì các cán bộ chấm thi có thể trao đổi với tổ trưởng môn thi để thống nhất cách xử lý. Nguyên tắc chung là đảm bảo quyền lợi chính đáng của TS.

 

Còn mức điểm thưởng là do cán bộ chấm thi đề xuất và do trưởng môn chấm thi trình trưởng ban chấm thi quyết định. Bộ đã qui định mức điểm thưởng tối đa không được vượt quá 1 điểm. Có thưởng điểm hay không, thưởng mức nào không phải do một cán bộ chấm thi tự quyết định nên khó có thể xảy ra tình trạng tùy tiện.   

 

Theo Thanh Hà

 Tuổi trẻ