Bài thi Sử tốt nghiệp: Từ nhầm đến bịa đặt

Nhầm chiến dịch, địa danh, ngày tháng các sự kiện lịch sử là chuyện thường gặp ở bài thi tốt nghiệp môn Lịch sử năm nay. Nguy hại hơn, có thí sinh còn bịa đặt thông tin do không thuộc bài.

Năm nay, gần 40% bài thi tốt nghiệp môn Lịch sử của học sinh Hà Nội đạt dưới trung bình. Chỉ có 61,51% bài thi đạt trên trung bình, trong khi đó mọi năm có tới gần 90% bài trên trung bình.

Theo nhận xét của nhiều giám khảo tham gia chấm thi môn Lịch sử, mhững năm trước thi cử thoải mái hơn nên thí sinh nhìn bài nhau hoặc chép toạ độ nên nhầm lẫn chữ tác thành chữ tộ, nhiều chuyện khôi hài, năm nay nhìn chung thí sinh làm bài có trách nhiệm hơn, biết thì nói, không biết thì thôi nên bài làm đỡ ngô nghê hơn, nhưng vẫn không tránh khỏi các, lỗi cơ bản.

Lỗi thứ nhất mà thí sinh mắc phải là nhầm chiến dịch. Câu hỏi về diễn biến cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 75 thì thí sinh say sưa miêu tả hoàn cảnh ra đời, diễn biến của trận... Điện Biên Phủ.

Nhầm địa danh là chuyện cũng không hiếm gặp trong 40% các bài điểm kém. Có thí sinh chuyển Tây Nguyên ra miền Bắc và đặt vào vị trí của tỉnh Thái Nguyên và hồn nhiên miêu tả về chiến dịch... Thái Nguyên (không chỉ vài thí sinh mắc lỗi này).

Nước Lào thì nhầm thành Cam-pu-chia. Cánh đồng Chum ở Xiêng Khoảng là địa danh của Lào nhưng thí sinh viết Xiêng Khoản, Xiên Khoảng và đặt vào một vị trí khác trên bản đồ.

Ngoài ra, vẫn có thí sinh bịa đặt vì không thuộc bài. Khi miêu tả Cánh đồng Chum của đất nước Lào, do không thuộc bài, một thí sinh đã miêu tả kỹ và gọi đó là cánh đồng... Chim và cho rằng, đó là khu du lịch của nước bạn do có nhiều chim nên được gọi là cánh đồng... Chim!

Nhầm ngày tháng các sự kiện lịch sử là chuyện thường gặp. Ngày giải phóng Huế hay Đà Nẵng được các thí sinh vận dụng lịch một cách phóng khoáng nên đã đặt trải dài từ tháng 12 đến tháng 3, thậm chí nhầm cả năm xảy ra sự kiện.

Có không ít những thí sinh, do không có kiến thức, không làm được bài nên chỉ ghi mấy chữ hoặc ghi đề mục của bài hoặc chép câu hỏi rồi để đấy.

Theo một giám khảo chấm thi, đã từ lâu phụ huynh và học sinh đều coi Lịch sử là môn học phụ. Hiện tượng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân: Không có nhiều ngành để thí sinh lựa chọn, tỷ lệ thi khối  C không nhiều, môn Lịch sử năm thi, năm không thi... Thực tế này dẫn tới hậu quả là học sinh không học Sử hoặc học để đối phó thi cử.

Một giám khảo mạnh dạn đề nghị: Trong khi chưa tìm được giải pháp hữu hiệu thì tốt nhất là coi Lịch sử là môn thi bắt buộc hàng năm bởi vì Lịch sử là môn học cần thiết cho mọi công dân của một quốc gia.

Theo Hồ Thu
Tiền Phong