Bạn có biết: Khi nào bạn ăn nhiều không phải vì đói?

(Dân trí) - Tại sao có những người cứ ăn mãi mà không dừng lại, có phải là vì dạ dày họ quá to? Nhưng ăn đến một lúc nào đó cũng phải thấy chán chứ? Sao họ vẫn thích ăn tiếp nữa, và thậm chí mong ước bụng có nhiều chỗ trống để ăn thêm nữa? Đằng sau thói “nghiện ăn” này là gì?

Theo lý giải của nhiều người có ảnh hưởng lớn về tâm linh thì đằng sau thói “nghiện ăn” này là những bất an về tinh thần, và người ta chỉ dừng ăn nhiều khi giải quyết được những bất an về tinh thần đó.

Tại sao bạn ăn nhiều?

Bậc thầy tâm linh người Ấn Độ Osho (1931-1990) chỉ ra rằng: “Khi bạn không có được tình yêu trong đời thì bạn ăn nhiều hơn - thực phẩm là thứ thay thế cho tình yêu.”

Trong khi đó, nữ tác giả người Mỹ Louise L. Hay (sinh năm 1926, top 100 nhân vật có ảnh hưởng tâm linh lớn nhất thế giới) nói rằng: “Ăn quá nhiều luôn có nghĩa là bạn đang có một nhu cầu được bảo vệ. Khi bạn cảm thấy không an toàn hay sợ hãi, bạn bảo bọc bản thân bằng một lớp an toàn.”

Là người phải “vật vã” với cuộc chiến giảm cân từ khi ngoài 20 tuổi, có lúc nặng tới 107 kg, “nữ hoàng truyền hình” Oprah Winfrey (cũng thuộc top 100 nhân vật có ảnh hưởng tâm linh lớn nhất thế giới) khẳng định: “Với đa số những người ăn uống quá độ, cân thừa tương ứng với những lo lắng, bực dọc và chán nản chưa được giải tỏa, tất cả đều quy lại nỗi sợ hãi ta vẫn chưa giải quyết rốt ráo. Ta nhấn chìm nỗi sợ hãi ấy trong đồ ăn thức uống để khỏi cảm nhận nó và đương đầu với nó.”

“Nữ hoàng truyền hình” Oprah Winfrey khẳng định: “Với đa số những người ăn uống quá độ, cân thừa tương ứng với những lo lắng, bực dọc và chán nản chưa được giải tỏa, tất cả đều quy lại nỗi sợ hãi ta vẫn chưa giải quyết rốt ráo.”
“Nữ hoàng truyền hình” Oprah Winfrey khẳng định: “Với đa số những người ăn uống quá độ, cân thừa tương ứng với những lo lắng, bực dọc và chán nản chưa được giải tỏa, tất cả đều quy lại nỗi sợ hãi ta vẫn chưa giải quyết rốt ráo.”

Bàn riêng về việc ăn nhiều ở phụ nữ, nhà tư vấn về mối quan hệ cá nhân, Tiến sĩ John Gray (cũng thuộc top 100 nhân vật có ảnh hưởng tâm linh lớn nhất thế giới) cho rằng: “Ăn nhiều là phản ứng hay gặp nhất ở phụ nữ khi nhu cầu tình cảm của họ không được đáp ứng tốt. Ăn đưa lại cho họ cảm giác bù đắp, thay thế cho tình yêu. Không những thế, ăn còn giúp họ tạm thời quên đi sự bất an trong lòng. Thuật ngữ khoa học gọi xu hướng này là “thay thế nhu cầu”. Khi không có được kết quả như ý muốn, nhu cầu thực sự sẽ được thế bằng một nhu cầu khác dễ thực hiện hơn.

Trong trường hợp này, nhu cầu tình cảm yêu thương của người phụ nữ được thay thế bằng nhu cầu ăn uống. Họ sẽ còn có cảm giác đói tới khi nào cơn khát cảm xúc được thỏa mãn. Nhờ ăn, họ có thể tạm thời kiềm nén những mong muốn nữ tính của mình và cảm thấy khuây khỏa.”

Hệ quả của việc ăn nhiều

Khi người ta bất an, người ta ăn nhiều hơn mức cơ thể cần, và ăn nhiều tất yếu sẽ dẫn đến việc thừa cân, béo phì; và rồi béo phì lại cũng khiến người ta thêm bất an, và việc đó như một cái vòng luẩn quẩn.

Theo Tiến sĩ John Gray, “hậu quả của vấn đề ăn nhiều là tình trạng tăng cân quá nhanh. Để khắc phục, họ tìm đến chế độ ăn kiêng. Nhưng chính việc ăn kiêng lại khiến nữ giới mất thăng bằng nghiêm trọng hơn. Suốt quá trình ăn kiêng, cơ thể luôn bị cơn đói dằn vặt và càng thèm muốn thức ăn hơn nữa.”

Theo bà Louise L. Hay, “khi ta càng cảm thấy không hài lòng với trọng lượng dư thừa của cơ thể mình thì ta càng có xu hướng tăng cân. Điều này thoạt nghe có vẻ phi lý, nhưng đúng là như vậy. Mỗi khi bạn cảm thấy bất an, thiếu tự tin vào sự hoàn thiện của bản thân thì bạn càng cần tìm đến một tấm lá chắn che chở cho mình tránh khỏi những cặp mắt chỉ trích hay chọc ghẹo. Như vậy, vô tình chính sự thừa cân vừa là nguyên nhân để bạn đổ lỗi, đồng thời vừa là lá chắn bảo vệ bạn: càng lo sợ và bất an chúng ta càng có nhu cầu tăng cân để có cảm giác được che chở và bảo vệ.”

Làm thế nào để dừng việc ăn nhiều?

Khi ăn nhiều không phải vì cơ thể đói thức ăn, mà vì những cảm giác bất an, vậy thì làm thế nào để dừng việc ăn nhiều?

Luận sư Osho khẳng định: “Nếu bạn vui, bạn sẽ không ăn nhiều. Một người vui tươi là một người không có sự trống trải trong lòng nên anh ta không cần nhiều thực phẩm. Bạn hãy cố sống một đời yêu thương.”

Osho khẳng định: “Nếu bạn vui, bạn sẽ không ăn nhiều. (Ảnh minh họa)
Osho khẳng định: “Nếu bạn vui, bạn sẽ không ăn nhiều. (Ảnh minh họa)

Theo Tiến sĩ John Gray, giải pháp hiệu quả nhất cho vấn đề trọng lượng của phụ nữ chính là xây đắp quan hệ tình cảm yêu thương, chăm sóc nhau nhiều hơn bên cạnh lối sống thoải mái, bớt dần áp lực.

Bà Louise L. Hay khuyên rằng: “Hãy nhận biết rằng có điều gì đó đang diễn ra khiến bạn cảm thấy bất an và không an toàn. Đó có thể là công việc của bạn, chồng/vợ bạn, vấn đề sinh lý của bạn, hoặc cuộc sống của bạn nói chung”.

Bà Louise nhấn mạnh: “Đừng cố tìm cách thay đổi bằng việc ăn kiêng hay sử dụng các phương thức giảm béo khác, vì chúng không phải là cách giải quyết vấn đề từ gốc. Chỉ có một chế độ đảm bảo có hiệu quả cao nhất là “ăn kiêng” về tinh thần - kiêng những tư tưởng tiêu cực.”

Bà Louise cũng nói rằng, “khi nhu cầu bảo vệ qua đi, hoặc khi chúng ta bắt đầu cảm thấy yên ổn, vẻ béo mập sẽ biến mất.”

Nguyên Chi

(Email: minhthuong@dantri.com.vn)

***

Thông tin tham khảo từ các sách:

1. Luận về cuộc đời - 365 ngày khai sáng tâm hồn (tác giả Osho, NXB Hồng Đức)

2. Sức mạnh thần thánh ở trong ta” (tác giả Louise L. Hay, NXB Thế giới)

3. Chữa lành nỗi đau (tác giả Louisel L.Hay, NXB Trẻ)

4. Đàn ông sao Hỏa đàn bà sao Kim - Hạnh phúc bên nhau (tác giả John Gray, NXB Tổng hợp TPHCM)

5. Những điều tôi biết chắc” (tác giả Oprah Winfrey, NXB Thế giới)