Bán lợn, bán lúa, bao giờ thi đỗ mới thôi!

(Dân trí) - Có mỗi đứa con học hết lớp 12, nên gia đình quyết tâm phải cho thi đại học để mong đổi đời. Đời mình khổ nhiều thì phải đầu tư để con không khổ. Ông Đồng Trọng Xuyến thổ lộ khi vừa bước chân xuống chuyến xe đi từ Nông Cống, Thanh Hoá.

Giữa cái nắng gay gắt ngày 2/7, tại bến xe Giát Bát, bố con ông Đồng Trọng Xuyến nhễ nhại mồ hôi đứng chờ xe buýt về ĐH Công nghiệp Hà Nội. Đây là chuyến lên Hà Nội lần thứ hai của bố con ông, vì năm trước cậu con trai duy nhất của ông cũng thi vào Học viện Báo chí & Tuyên truyền nhưng trượt.
 
Bán lợn, bán lúa, bao giờ thi đỗ mới thôi! - 1
Bố con ông Xuyến đứng chờ xe buýt

Tay vừa quệt mồ hôi, ông Xuyến vừa nói rất mạnh mẽ với mấy tay xe ôm vây quanh: “Các anh không phải mời, tôi đi quen rồi, chờ chuyến xe buýt đến trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, xem địa điểm thi thế nào thì mới thuê nhà trọ”.

Khi tâm sự với phóng viên, ông Xuyến cho biết, nhà có mỗi thằng con trai, 3 chị gái nó đã lấy chồng nhưng đều làm ruộng, cuộc sống khó khăn lắm. Do có mỗi đứa con học hết lớp 12, nên gia đình quyết tâm phải cho con học đại học để mong đổi đời. Đời mình khổ nhiều thì phải đầu tư để đời con không khổ.

Gia đình ông Xuyến đều làm nghề nông, cuộc sống chỉ trông chờ vào đồng ruộng. Cho con đi thi đại học lần này, ông đã phải bán hơn nửa số thóc vừa gặt xong để hai bố con lên đường. Năm trước, hai bố con ông Xuyến sống 4 ngày ở Hà Nội tính tất cả đã hơn 1 triệu đồng, lần này giá cả đắt đỏ, ông Xuyến chi li sẽ tiêu hết 1,5 triệu đồng.

“Không thi đỗ năm nay thì năm sau thi tiếp, thi bao giờ đỗ thì thôi chứ để cho nó đi làm thuê thì suốt đời đi làm thuê, học thì có nghề làm đỡ vất vả hơn” - ông Xuyến hạ quyết tâm.

Cùng đứng chờ xe buýt, bố con ông Lại Văn Huy ở Hà Nam tay xách nách mang kèm thêm bao gạo nhỏ mang lên làm quà cho người quen. Ông Huy cũng chỉ có thằng con trai duy nhất, 2 đứa con gái đã đi lấy chồng. Do vậy, ông quyết tâm cho con thi vào Đại học Nông nghiệp Hà Nội.
 
Bán lợn, bán lúa, bao giờ thi đỗ mới thôi! - 2
Bố con ông Lại Văn Huy

Gương mặt căng thẳng và mệt mỏi, ông Huy tâm sự: Đưa con đi thi nhưng tôi lo lắm, không biết có đỗ không. Nhà tôi 3 đời làm nghề nông, nay có thằng con học hết lớp 12, nguyện vọng muốn cháu thi đỗ để mở mày mở mặt với dòng họ, với chòm xóm, sau cùng là để cháu đỡ khổ chứ không thi đỗ lại về làm ruộng với bố mẹ, tôi không đành.

Để chuẩn bị cho chuyến đi thi đại học của con, ông Huy đã “giải quyết” lứa lợn để dành từ 4 tháng trước. Trước ngày thi, ông bán được hơn 2 triệu để 2 bố con khăn gói lên đường. Hiện nay, ông cũng chưa biết có tìm được nhà trọ gần trường hay không để đỡ tốn tiền đi xe ôm đi thi.

Còn Bùi Hoàng Trâm Trang, quê ở Yên Mô, Ninh Bình đứng đợi chị gái gần 2 tiếng đồng hồ tại bến xe, tâm trạng rất mệt mỏi. Trang tâm sự: “Năm nay em thi 2 trường là ĐH Công nghiệp và ĐH Y Hà Nội. Rất may em có chị gái đang làm thuê ở trên đây nên không phải lo nhà trọ. Trước khi đi, bố mẹ cho 500.000đ, cố tằn tiện tiêu trong 2 đợt thi này”.
 
Bán lợn, bán lúa, bao giờ thi đỗ mới thôi! - 3
Trang đang ngồi chờ chị tới đón

Trang bùi ngùi cho biết thêm, mẹ làm ruộng, bố thương binh đau yếu luôn nên gia đình không khá giả lắm nhưng bố mẹ luôn mong em thi đỗ.

Câu chuyện của bố con ông Xuyến, ông Huy, em Trang không phải là trường hợp đặc biệt trong mỗi kỳ thi. Để con được đi học, đi thi, những ông bố bà mẹ nông dân đã phải bán cả những bao lúa vừa gặt xong chưa khô, tằn tiện nuôi con lợn, con gà, thậm chí cầm cả sổ đỏ vay tiền để con được đi học. Tất cả, chỉ mong con mình “đổi đời” sau cú vượt vũ môn!

 Hồng Hạnh