Bản nghèo sinh tiến sĩ

Bản nhỏ xíu và nghèo, nghèo đến mức không có cả rau để ăn. Ấy vậy mà cái bản Puôi heo hút giữa đại ngàn Tây Bắc lại là nơi sản sinh ra nhiều giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân cho đồng bào các dân tộc vùng cao...

Câu chuyện bản Puôi

 

“Các cụ nói đất bản Puôi ta làm ăn không dễ. Truyền rằng đầu bản, cuối bản có hai con suối cắt qua, của cải đều trôi tuột. Người bản Puôi muốn ngẩng mặt với đời phải vượt qua hai con suối này !”, Hoàng Quý Cầu nhắc lại lời truyền.

 

Hai con suối - như Hoàng mô tả - trông hiền hòa là thế nhưng chỉ cần một cơn mưa lớn đầu nguồn là phút chốc trở nên hung hãn. Vụ hè thu đang độ thu hoạch thì lũ về cuốn phăng những vạt sắn, vạt ngô cùng nước mắt của người dân bản phút chốc đổ òa mất hút... Người bản Puôi từ xưa đã tự hiểu muốn vượt lên đói nghèo chỉ có con chữ mới giúp họ ngẩng mặt lên.

 

Con chữ thời Hoàng Quý Cầu đi học - những năm chiến tranh - mới là những con chữ trộn lẫn với máu của bom đạn và cái đói rát ruột ngày đông... “13-14 tuổi chúng tôi đã làm công việc của người đàn ông thực thụ. 3 giờ sáng đánh trâu ra đồng để cày bừa. Đến khoảng 5 giờ là thả trâu, về thay quần áo đi học, xuôi theo suối Tất mà đến trường”.

 

Tan lớp, cũng như bao chú nhỏ khác, Hoàng Quý Cầu không về nhà mà ra ruộng. Ở đó có một cái chòi nhỏ ngụy trang tránh bom, vừa chăn trâu, vừa học bài và canh máy bay Mỹ. “Ngày nào lòng chảo Phù Yên cũng bị máy bay Mỹ nện”, Hoàng Quý Cầu nhớ lại. Những ngày tháng đó, giữa tiếng bom rơi ùng oằng là tiếng rì rầm của các chú nhỏ học bài đâu đó...

 

Năm 1969, khóa của Hoàng Quý Cầu - hệ 10/10 - ra trường. Anh được về làm báo Chiến Sĩ Tây Bắc. Đất nước giải phóng, anh về làm báo Sơn La và đến năm 1998 anh được bổ nhiệm làm giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực Tây Bắc. Các bạn đồng môn có Nguyễn Xuân Phan đang làm phó Ban tuyên giáo Huyện ủy Phù Yên, Hoàng Việt Long - nhà báo nổi tiếng khu vực Tây Bắc... Hoàng Quý Cầu có tất cả bốn người con, đều học từ ngôi trường mái lá và đều trở thành cử nhân báo chí.

 

Còn Hoàng Lương là học trò bản Puôi cựu trào. Hết lớp 9 chàng trai Thái vào bộ đội và tham gia chiến đấu ở chiến trường Luang Prabang (Lào), Hoàng Lương bị thương trong một trận đánh, gãy nát cổ tay trái và gửi lại chiến trường một con mắt.Vết thương lành, Lương về công tác ở Ty Văn hóa tỉnh Nghĩa Lộ và thi vào khoa sử Đại học Sư phạm Hà Nội.

 

Anh sinh viên - chiến sĩ - thương binh người Thái học quá xuất sắc, sau khi ra trường (1973) anh được trường giữ lại làm công tác nghiên cứu và giảng dạy. Đến năm 1987, nhà giáo Hoàng Lương bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Từ đây, ông trở thành công dân đầu tiên của tỉnh Sơn La lấy được học vị cao nhất. Mới đây ông được Nhà nước phong tặng hàm giáo sư và hiện giờ vẫn đứng trên bục giảng, dạy môn dân tộc học tại Hà Nội.

 

Con bọ xít nuôi từng con chữ

 

Bên kia suối Tất bây giờ không là bom đạn. Bên đó là cánh đồng Nà Tông. Gọi là cánh đồng nhưng đó là những mảnh ruộng cao thấp, vá víu nhau từng mảnh nhỏ mà thành. Bí thư Đảng ủy Đinh Mạnh Phóng thở dài cho biết: “Vẫn còn 50% hộ nghèo. Nghèo thì hạt gạo cõng lát khoai mà ra đồng, mà đến lớp”. Bữa cơm nhà ông Sầm Chánh đãi khách có một món mà cả đời tôi sẽ không quên được: bọ xít rang!

 

Ông nửa đùa nửa thật bảo khách: “đặc sản bản ta đãi khách đấy, người dưới xuôi không biết làm món này đâu...”. Rồi ông tiếp: “Bao nhiêu thế hệ bản Puôi đều nhắm mắt mà ăn con bọ xít, nếu không có những con bọ xít làm thức ăn thì cái chữ chắc cũng đi xiêu đi vẹo mất vì đói. Mà bọ xít thì ngoài đồng Tổng đầy vì đâu có loài động vật nào nuốt nổi những con bọ có túi xạ hôi khủng khiếp này, chỉ có một nghị lực học, lòng tin vào tương lai của bản Puôi mới có thể chịu đựng cái mùi khủng khiếp của bọ xít”. 

 

“Giáo sư, tiến sĩ từ cái làng này đi ra đứa nào cũng biết ăn bọ xít cả đấy!”, ông Sầm Chánh tự hào. Cạnh tôi, anh chàng người Thái có đến hai bằng cử nhân Nguyễn Huy Hoàng, phó Văn phòng UBND huyện Phù Yên, lát lát lại làm một gắp bọ xít ra chiều khoái khẩu...

 

Ông giáo già người Hà Nội, thầy Lê An, người đã dạy chữ cho hầu hết các thế hệ người Thái ở bản Puôi, chậm rãi nói như đinh đóng cột: “Khắp Tây Bắc này chưa thấy nơi đâu hiếu học như bản Puôi!”. Cũng vì lẽ đó mà ông giáo người Hà Nội đã sống trọn cuộc đời dạy chữ với nơi này, kể từ năm 1962.

 

Ở vị trí trang trọng nhất trong nhà ông Sầm Chánh, giữa những giấy khen la liệt của bọn trẻ là giấy chứng nhận “gia đình hiếu học” của tỉnh cấp. Ông tự hào lắm nhưng cho biết rất nhiều nhà trong bản cũng thế chứ không riêng gì ông. Chưa có nơi nào heo hút, cheo leo ở Tây Bắc lại có số lượng học trò đông như bản Puôi, cả bản chỉ có 216 hộ nhưng có tới 335 học sinh, 40 giáo viên đang đứng lớp, chưa kể nhiều tiến sĩ toán - tin, tiến sĩ y khoa, kỹ sư, cử nhân, giáo viên đang “chi viện” cho huyện, tỉnh, trung ương...

 

Theo Đặng Đại, Đức Bình
Tuổi Trẻ