GS.TS Nguyễn Minh Thuyết:

“Bằng cấp chỉ là cái áo, không làm nên thầy tu”

(Dân trí) - Nói về nạn “bằng giả”, “bằng thật học giả” hiện nay, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: “Bằng cấp chỉ là cái áo, không làm nên thầy tu. Người học chỉ chạy theo bằng cấp mà không học thật thì không thể có năng lực thật”.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết.

“Biếu anh cái bằng của trường em”

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận có nói trong một hội nghị: “Người học giả, bằng giả, học thật nhưng chất lượng giả chỉ có thể “chui” vào hệ thống công chức nhà nước, không chui vào được doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài”. Ông thấy thế nào?

Cho đến nay, chưa có một cuộc điều tra cụ thể nào về việc này nhưng chắc là dư luận cũng chia sẻ với ý kiến thẳng thắn của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.

Đúng là chỉ có cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước mới thu nhận những người xài bằng giả hoặc bằng thật chất lượng giả. Lý do rất dễ hiểu là những nơi này làm ăn không cần hiệu quả; yếu kém, thua lỗ đã có Nhà nước chịu, nhân dân chịu. Thậm chí, những vị xài các loại bằng giả này còn có thể thăng tiến rất thuận lợi nếu họ có một cái bằng thật là… bằng lòng. Người ta kháo nhau rằng còn có những quan chức được một số hiệu trưởng mang… “biếu anh cái bằng của trường em”, nhưng sợ thiên hạ biết tỏng trình độ của mình rồi nên chẳng bao giờ dám phô ra.

Có phải chính việc sính bằng cấp đã dẫn đến việc học thật nhưng chất lượng giả nhiều như hiện nay không, thưa ông?

Tuyển dụng, đề bạt cán bộ, công chức, viên chức đương nhiên phải có tiêu chí. Trước đây, tiêu chí chủ yếu là lý lịch. Còn bây giờ là bằng cấp. Dựa vào bằng cấp không sai vì bằng cấp thể hiện ngành nghề, trình độ đào tạo. Nhưng bằng cấp chỉ là cái áo, không làm nên thầy tu. Người học chỉ chạy theo bằng cấp mà không học thật thì không thể có năng lực thật. Nhà tuyển dụng chỉ nhìn vào bằng cấp thì sẽ bị bằng cấp đánh lừa. Đó là nói những nhà tuyển dụng quan liêu. Nhưng tệ hơn quan liêu còn có những người trục lợi, biết thừa người ta xài bằng giả hoặc bằng thật trình độ giả mà vẫn tuyển dụng, đề bạt vì lợi ích cá nhân.

Để tuyển dụng, đề bạt đúng, liệu có thể áp dụng cơ chế thi tuyển?

Thi tuyển công chức, viên chức, thậm chí thi tuyển với những hình thức khác nhau vào các chức vụ lãnh đạo là cách làm tốt. Nhưng tốt với nước nào thôi, chứ ở nước mình đã có câu: “Nghị quyết nó thuộc mười mươi, nó chỉ vận dụng những nơi nó cần”. Cái gì ở xứ mình cũng dễ bị làm cho méo mó đi. Ví dụ, nhiều cơ quan tổ chức thi tuyển công chức, viên chức, đăng báo công khai, đúng quy định; nhưng đọc tiêu chí tuyển chọn (nam hay nữ, bao nhiêu tuổi, học ngành gì, cử nhân hay thạc sĩ, biết ngoại ngữ gì,…) thì anh em trong cơ quan biết thừa là nhắm vào ai rồi, thông báo công khai chỉ là để đối phó thôi.

Nhưng vì sao mấy anh xài bằng giả hoặc bằng thật trình độ giả không chui vào doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn nước ngoài được?  Đó là vì việc tuyển dụng, đề bạt nhân viên gắn chặt với quyền lợi của ông chủ, của doanh nghiệp. Khi tuyển, người ta đã định rõ tuyển vào vị trí nào, để làm việc ở vị trí đó thì phải đáp ứng được những yêu cầu gì; không đạt yêu cầu dứt khoát không tuyển.

Trốn vào tập thể đố ai lôi ra được

Như vậy thì mình phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu? Nếu tuyển người không có năng lực, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp làm việc không có hiệu quả thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm?

Về nguyên tắc thì đúng như vậy. Trước kia, tôi có sang Anh nghiên cứu giáo dục. Tôi hỏi lãnh đạo Sở Giáo dục Luân Đôn là Sở các ông tuyển giáo viên như thế nào, họ cho biết Sở chỉ có trách nhiệm hướng dẫn chuyên môn thôi. Tuyển giáo viên, nâng lương giáo viên, sa thải giáo viên,… là quyền của hiệu trưởng. Hiệu trưởng được quyền tuyển bất kỳ ai ông (bà) ấy thấy đáp ứng được yêu cầu. Tuyển con cháu cũng không sao. Nhưng hễ qua vài lần kiểm tra chất lượng (kết quả được công khai trên báo chí) mà trường xếp thứ hạng kém hoặc không cải thiện được thứ hạng theo yêu cầu của Hội đồng Giáo dục địa phương thì địa phương sẽ sa thải ông (bà) ấy ngay.

Nhưng ở Việt Nam mình khó làm được như thế, vì cái gì cũng do lãnh đạo quyết định tập thể. Trốn vào tập thể đố ai lôi ra được. Trừ một số anh thiếu năng lực, bản lĩnh, bị cấp dưới lấn át, còn ở hầu hết các tập thể lãnh đạo, ý chí của người đứng đầu quyết định tất thảy. Nhưng đến lúc hữu sự thì nghị quyết của tập thể lãnh đạo lại là cái phao cứu sinh.

Một cái khó nữa là nhiều lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải tiếp quản “gia tài” của lãnh đạo cũ, thậm chí từ nhiều đời lãnh đạo cũ để lại. Ông (bà) ấy không tuyển người mà bây giờ phải chịu trách nhiệm thì cũng không công bằng. Cho những người yếu kém nghỉ việc cũng không dễ. Phần thì thương anh em; phần thì vướng trên vướng dưới. Thậm chí, có trường hợp chưa “sờ” đến họ thì “sư phụ, sư huynh” của họ đã “sờ” đến mình rồi. 

Tôi nêu những khó khăn như trên không phải để nói là vô phương cứu chữa. Nhưng muốn chữa thì phải mạnh dạn thay đổi cơ chế. 

Nhiều ý kiến cho rằng, ngành Giáo dục cũng phải  chịu trách nhiệm trong việc này. Vậy theo ông, ngành Giáo dục sẽ phải làm gì để thay đổi tình trạng này?

Ngành Giáo dục có trách nhiệm nâng cao chất lượng đào tạo, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng bằng thật trình độ giả. Nếu Bộ GD-ĐT tiếp tục thả lỏng việc mở trường, mở ngành, tuyển sinh; nếu các cơ quan giáo dục địa phương không tăng cường thanh tra, kiểm tra, và không dừng chạy theo thành tích ảo; nếu các cơ sở đào tạo tiếp tục chạy theo số lượng người học để tận thu học phí mà không sàng lọc nghiêm khắc; nếu giáo dục tiếp tục bị thương mại hóa thì không cách gì ngăn chặn được cỗ xe giáo dục trôi xuống dốc.

Nhưng giáo dục không giải quyết được nạn bằng giả. Sản xuất, mua bán bằng giả là tội phạm. Đấu tranh chống loại tội phạm này là trách nhiệm của các ngành bảo vệ pháp luật, trước hết là Công an. Công an cũng có trách nhiệm đấu tranh chống tình trạng sản xuất, mua bán phao thi, viết thuê luận văn, luận án, vì đó là những hành vi tạo ra tình trạng bằng thật trình độ giả.

Còn tuyển dụng, đề bạt cán bộ như thế nào, đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước ra sao để sửa tận gốc tình trạng bằng giả chức tước thật thì đó là trách nhiệm của các cơ quan cấp cao, trước hết là trách nhiệm tham mưu của các ngành Tổ chức, Nội vụ.

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Hồng Hạnh (thực hiện)