Bằng cấp được rao bán công khai!

“Cứ đóng 320.000 đồng, mỗi sinh viên đăng ký dự thi sẽ có một chứng chỉ B Anh văn do Bộ GD-ĐT cấp”. Một cán bộ Văn phòng Đoàn trường Học viện Hành chính Quốc gia, cơ sở TPHCM, thông báo công khai như vậy.

Thế là hàng trăm sinh viên tranh nhau đăng ký thi và mọi việc diễn ra đúng như “lời rao bán”!

 

Kỳ thi lấy chứng chỉ B Anh văn diễn ra ngay tại Học viện Hành chính Quốc gia (HVHCQG), cơ sở TPHCM, với 350 người dự thi tháng 11 vừa qua đã để lại nhiều tai tiếng trong dư luận sinh viên (SV) và phụ huynh của trường này. Một số phụ huynh gặp phóng viên Báo Người Lao Động không giấu được bức xúc: “Chưa thấy ở đâu mà việc mua bán bằng cấp diễn ra công khai như ở đây!”.

 

Thấy có lợi là làm

 

Ngày 20/12, chúng tôi đã đến gặp ông Nguyễn Quang Huy, Phó Giám đốc HVHCQG, cơ sở TPHCM, nhằm làm sáng tỏ vấn đề. Thật bất ngờ, ông Huy cho biết học viện chỉ cho mượn chỗ thi, hoàn toàn không dính dáng gì đến kỳ thi này (dù uy tín của học viện đã bị sút giảm). Chúng tôi hỏi người đứng ra tổ chức ghi danh với lời hứa “bảo đảm đậu” là của ai? Ông Huy cho biết người đứng ra tổ chức ghi danh là sv của học viện tên Đ.T.N. Học viện cũng đã nghe xì xầm về việc “bảo đảm đậu” này nên đã chỉ đạo Đ.T.N viết bản tường trình và nhận khuyết điểm với nhà trường.

 

Theo tường trình của SV Đ.T.N, thầy Mai Ngọc Sơn, cán bộ Phòng Tài vụ - Kế toán của HVHCQG đồng thời là Hiệu trưởng Trường Ngoại ngữ - Bồi dưỡng văn hóa Quốc học, đã liên kết với Học viện Tài chính - Phân viện TPHCM tổ chức kỳ thi cấp chứng chỉ B Anh văn nói trên. Đ.T.N thừa nhận do thấy có lợi nên sẵn sàng làm “cầu nối” ghi danh.

 

Liên kết lỏng lẻo

 

Chiều 20/12, chúng tôi tìm đến Học viện Tài chính - Phân viện TPHCM. TS Hoàng Hùng, Giám đốc Phân viện TPHCM, cho biết: Phân viện có ký hợp đồng liên kết mở lớp và cấp chứng chỉ ngoại ngữ với Trường Ngoại ngữ - Bồi dưỡng văn hóa Quốc học (33 đường 52 cư xá Lữ Gia, Q.11) do ông Mai Ngọc Sơn làm hiệu trưởng. Kỳ thi đã diễn ra ngày 6-11 tại địa điểm được thuê là HVHCQG. Trách nhiệm của phân viện là giám sát quá trình giảng dạy của cơ sở, tham gia trực tiếp các kỳ thi cấp chứng chỉ, tổ chức chấm thi, cấp chứng chỉ cho học viên đạt yêu cầu. Ông Hùng khẳng định kỳ thi đã diễn ra nghiêm túc (?).

 

Hiện nay, bài thi đang được học viện ở Hà Nội thẩm định lại lần cuối trước khi cấp chứng chỉ. Kết quả bước đầu chỉ có 48/350 thí sinh dự thi không đạt yêu cầu cấp chứng chỉ. Về thông tin “bảo đảm đậu” và lệ phí thi quá cao thì ông Hùng trả lời rằng không biết vì khâu tuyển sinh là do phía liên kết đảm trách (?).

 

Trường ngoại ngữ không học viên

 

Ngày 21/12, chúng tôi đã gặp ông Mai Ngọc Sơn, Hiệu trưởng Trường Ngoại ngữ - Bồi dưỡng văn hóa Quốc học, cũng là cán bộ Phòng Tài vụ - Kế toán của HVHCQG. Ông Sơn thừa nhận có nhờ một số SV của HVHCQG tổ chức ghi danh giùm nhưng không hứa “bảo đảm đậu”. Cũng qua ông Sơn, chúng tôi được biết cơ sở của ông thành lập năm 2000, thuê địa điểm số 33 đường 52 cư xá Lữ Gia, Q.11 (đây là địa chỉ của Trung tâm Dạy nghề quận 11). Thời gian này, cơ sở không tuyển sinh được lớp nào nên năm 2002 dời về thuê ở số 10 đường 3 Tháng 2, quận 10 (HvHcQg). Nhưng về địa điểm mới, cơ sở cũng không tuyển sinh được lớp nào. Không học viên, cơ sở chỉ còn bảng hiệu: “Trung tâm luyện thi Đại học khối A-B-C-D” và văn phòng ghi danh nhỏ đặt tại HVHCQG.

 

Như vậy là Học viện Tài chính - Phân viện TPHCM đã nhắm mắt liên kết với một cơ sở đào tạo ngoại ngữ chỉ tồn tại trên giấy tờ. Vậy làm sao ghi danh được tới 350 người? Ông Sơn cho biết phải thuê các nhân viên ghi danh này và để thu hút người học nhân viên đã đưa ra “bảo đảm đậu”. Ông Sơn cho hay: Sở dĩ mức phí 320.000 đồng là do tính cả phí ôn thi trong 1 tháng, tài liệu, thi và cấp chứng chỉ. Phía Học viện Tài chính - Phân viện TPHCM sẽ hưởng 20% trên lệ phí thi (140.000 đồng/thí sinh). Riêng phần mình, ông Sơn thừa nhận sau khi trừ các chi phí thì cũng có lãi.

 

Rõ ràng, do quản lý lỏng lẻo, HVHCQG và Học viện Tài chính ở TPHCM đã để cho một cơ sở đào tạo ngoại ngữ “hữu danh vô thực” lợi dụng tên tuổi lừa người học nhằm thu lợi. Đây là một bài học quá đắt giá vì không thể một sớm một chiều xua tan được chuyện “rao bán bằng” trong dư luận!

 

 

Theo Diệu Hằng - Huy Lân

Người Lao Động