Bao bọc quá kĩ sẽ làm hư con

(Dân trí) - Lâu nay chúng ta vẫn luôn nhắc đến tình yêu thương quá mức của bố mẹ và sự bao bọc quá kĩ rất dễ làm con trẻ trở nên vô tâm. Nhưng chúng ta chỉ mới đề cập đến những đứa trẻ ăn chưa no lo chưa tới, sống phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ. Giờ đây đọc bài viết “Thất nghiệp, cử nhân vẫn sống ung dung?!”, chúng ta lại ngỡ ngàng nhận ra ngay đến những cánh chim đã "đủ lông đủ cánh" vẫn chưa muốn vỗ cánh bay mà vẫn nép mình vào bờ vai của bố mẹ.

Thực tế cuộc sống đôi khi đầy nghịch lí. Có những bạn trẻ là sinh viên ngay từ lúc ngồi trên ghế nhà trường đã phải bôn ba làm thêm đủ nghề để có thêm tiền đóng học phí và thậm chí là đỡ đần cho bố mẹ. Có những bạn trẻ lại ngày ngày đến giảng đường và thoải mái vui chơi mà tiền vẫn rủng rỉnh trong túi bởi sự viện trợ “khủng” từ gia đình.

Có những bạn trẻ ra trường vội ôm hồ sơ dáo dác xin việc khắp nơi và xoay đủ nghề để lo cho cuộc sống. Có bạn lại cất tấm bằng đại học một bên, thong dong ăn chơi hoặc õng ẹo chê chỗ làm này không phù hợp, công việc kia lương thấp dù bố mẹ đã cất công sắp xếp việc làm ấy.

Đúng là bố mẹ có của thì con sung sướng. Nhưng cách yêu thương, lo lắng, chăm sóc con cái của rất nhiều ông bố bà mẹ đã vô tình đẩy con trẻ rơi vào ích kỉ. Lâu nay quen được bố mẹ chiều chuộng, bao bọc, giờ đây đi làm việc trong môi trường thực tế, va chạm với cuộc sống, tuân theo qui định tập thể dường như là một việc quá khó khăn.

Thêm vào đó là căn bệnh ảo tưởng về tài năng mà không ít tân cử nhân mắc phải. Tốt nghiệp ở các trường đại học danh tiếng và luôn đòi hỏi công việc xứng tầm với bản thân nhưng kinh nghiệm thực tế chưa có, nhà tuyển dụng chẳng thể nào đáp ứng được đòi hỏi việc nhẹ, lương cao ấy.

Từ đó lại “kén” việc, bỏ việc và thất nghiệp là chuyện đương nhiên. Nhưng số cử nhân thất nghiệp này chẳng phải bận tâm chuyện tiền bạc. Bởi đã có bố mẹ lo tất, từ cái ăn, cái mặc đến chuyện chơi,… Những cử nhân nhận lương từ “công ty gia đình” này luôn an nhàn sống mà chẳng phải lo lắng điều gì. Đến lúc này thì bố mẹ lại quay sang lo lắng, bất an về chuyện con không chuyên tâm làm việc. Lỗi này của con trẻ hay chính từ cách yêu thương của bố mẹ?

Ông cha ta đã nói rất hay: “Nhàn cư vi bất thiện”. Không lo việc làm, không lo chuyện tiền bạc, chỉ chăm chăm vào ăn chơi và hưởng thụ là lối sống của một bộ phận giới trẻ ngày nay. Sống không có mục đích, sống thiếu động lực phấn đấu thì các bạn trẻ sẽ tạo lập được gì cho tương lai? Từ ăn chơi lành mạnh đến sa đọa vào các tệ nạn xã hội chỉ là trong gang tấc, nếu không đủ bản lĩnh giữ mình.

Kiến thức trong tấm bằng đại học cũng dần bị bào mòn, mục rỗng khi không được vận dụng vào thực tế. Ăn chơi và đến bao giờ có điểm dừng? Nhiều ông bố bà mẹ hi vọng sau khi lập gia đình, con cái biết tu tâm dưỡng tính, chuyên tâm vào công ăn việc làm. Nhưng điều đó thật sự hão huyền.

Yêu thương và lo lắng chu toàn cho con thì không có gì sai. Nhưng bao bọc con quá kĩ đã làm mất hết tính tự lập của con trẻ. Quen sống dựa dẫm, phụ thuộc vào bố mẹ, các con chẳng bao giờ biết đứng dậy trên đôi chân mình. Vấn đề là bố mẹ chẳng thể bao bọc con suốt cả cuộc đời mà quan trọng hơn là chúng ta tạo nền tảng, tạo tiền đề cho tương lai các con và tập cho con phải tự bước đi trên hành trình cuộc đời của mình.

Thùy Mai