Quảng Nam:

Báo động “đỏ” chất lượng cả thầy lẫn trò

(Dân trí) - Theo khảo sát chất lượng học sinh tại Quảng Nam, bước đầu cho thấy tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp” là khá phổ biến. Không những thế, trong cuộc kiểm tra đánh giá chất lượng giáo viên toàn tỉnh vừa qua, số giáo viên yếu kém lên ngót gần 50 người.

Sự kiện em L.T.Ph lớp 6/4 Trường THCS Lý Thường Kiệt (Tam Phú - TP Tam Kỳ) không biết đọc, biết viết đã gây sửng sốt cho nhiều người. Một trường cấp 2 nằm ngay giữa lòng TP Tam Kỳ mà có học sinh không biết đọc, biết viết hẳn là chuyện “hiếm”. Tuy nhiên, với những khảo sát bước đầu tại các trường thuộc địa bàn TP Tam Kỳ thì hiện tượng như em Ph không phải là quá đặc biệt.

 

Với việc kiểm tra chất lượng 10 trường THCS và 15 trường Tiểu học trên địa bàn TP Tam Kỳ cho thấy tình trạng “ngồi nhầm lớp” là khá phổ biến. Trong kết quả của 6 trường khảo sát xong đã phát hiện được 16 học sinh yếu kém, trong đó có 3 em rất kém, “ngang tầm” như em L.T.Ph.

 

Bên cạnh đó, trong cuộc kiểm tra đánh giá chất lượng giáo viên toàn tỉnh thì số giáo viên yếu kém cũng là điều làm cho các nhà quản lý giáo dục tỉnh Quảng Nam phải đau đầu.

 

Trong tổng số 15.504 giáo viên toàn tỉnh Quảng Nam có 506 giáo viên loại trung bình và có 48 giáo viên xếp loại kém, trong đó có 5 giáo viên mầm non, 30 giáo viên tiểu học và 13 giáo viên THCS.

 

Ngoài ra, toàn tỉnh Quảng Nam còn có đến 341 giáo viên chưa đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ; trong đó bậc Tiểu học đông nhất với 160 người, bậc THPT và các trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp cũng có 60 giáo viên chưa đạt chuẩn.

 

Giải thích hiện tượng “ngồi nhầm lớp” ở Quảng Nam, nhiều giáo viên cho rằng: Nguyên nhân chủ yếu là do bệnh thành tích. Để “100% trẻ em trong độ tuổi đều đến trường học tập”, không ít địa phương đã chỉ đạo ngành giáo dục tiến hành phổ cập tiểu học cho các em; sau đó “đẩy” các em vào trường, bất chấp học lực ra sao.

 

Mặt khác, cách đây hơn 10 năm, Quảng Nam thiếu giáo viên tiểu học trầm trọng. Để “lấp đầy khoảng trống”, ngành giáo dục ở nhiều địa phương đã cho cán bộ thư viện, nhân viên kế toán, nhân viên phục vụ... đi học các lớp cấp tốc chỉ trong ba tháng là về “đứng lớp” giảng dạy đàng hoàng như ai! Đương nhiên, đa số giáo viên “cấp tốc” truyền đạt kiến thức cho học sinh không được như mong muốn!

 

Ngoài ra, theo quy định, trong một cấp học, học sinh yếu kém không được lưu ban quá hai năm. Vì vậy, các em học tập không tiến bộ, nhưng “đến hạn”, nhà trường vẫn tìm mọi cách cho lên lớp...

 

Cho dù những yếu kém của ngành giáo dục Quảng Nam là do yếu tố khách quan hay chủ quan, nhưng với những kết quả khảo sát bước đầu vừa qua thì ngành giáo dục tỉnh này cần phải có những chiến lược lâu dài và nên “chịu đau” một lần. Chỉ có làm như vậy thì những cảnh “dở cười, dở khóc” như em L.T.Ph mới có thể đẩy lùi.

 

P.V