Bạn đọc viết:

Bao giờ bạn trẻ “khát” đọc?

(Dân trí) - Nâng cao văn hóa đọc là một khát vọng lớn, một chủ trương đúng đắn đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn. Một vài thống kê gần đây đã thật sự gióng lên hồi chuông báo động mạnh mẽ về thói quen xa rời văn hóa đọc.

Theo công bố được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa ra trong dịp ngày hội đọc sách tổ chức hồi cuối tháng 4 năm 2016, trung bình mỗi người Việt Nam đọc chưa đến 1 cuốn sách mỗi năm. Còn theo bảng xếp hạng cuối năm ngoài thì Việt Nam không có tên trong danh sách 61 quốc gia có người đọc sách nhiều nhất thế giới.

Ai cũng biết sách là chiếc chìa khóa vạn năng mở cánh cửa tri thức, nuôi dưỡng tâm hồn con người. Những rung cảm thẩm mĩ từ trang sách sẽ là nguồn nước mát lành tưới tắm nhân cách, ứng xử, hành vi chín chắn hơn, trưởng thành hơn qua ngày qua tháng. Điều hiển nhiên ấy vẫn ngày ngày vang lên trong tâm thức mỗi người. Nhưng kỳ lạ là người trẻ càng ngày càng lười đọc, biếng đọc và thậm chí là… sợ đọc.

Tôi sinh ra và lớn lên khi đất nước bước vào giai đoạn đổi mới với thiếu thốn muôn bề. Niềm ham muốn đọc sách của tôi lại như một cơn khát không có điểm dừng. Đọc say mê, đọc ngấu nghiến, đọc mọi lúc mọi nơi, đó là bức tranh tuổi trẻ của tôi và chắc hẳn là của chung nhiều người thuộc thế hệ 8X.

Nói ra có lẽ nhiều bạn trẻ sẽ không mường tượng được tình cảnh khan hiếm sách báo ngày trước. Mỗi khi cầm được một cuốn sách, mừng như bắt được vàng vậy. Nhịn quà vặt để tiền thuê sách, truyện đọc là chuyện thường ngày. Mượn được cuốn sách hay, chong mắt dưới ánh đèn đọc thâu đêm cũng đã có.

Ngày sinh nhật, đám bạn chung tiền mua một cuốn sách làm quà tặng, quý lắm! Như một thói quen khi mua bánh mì, miệng thì nhai nhưng mắt chúng tôi lại chăm chú vào những dòng chữ trên mảnh báo cũ mèm bọc ngoài, như cố gắng “bòn”, “mót” chút thông tin ít ỏi trên mảnh giấy bé tẹo bằng bàn tay ấy.

Tôi và đứa bạn thân thường “gian lận” quy định của thư viện. Bao giờ chúng tôi cũng năn nỉ cô thủ thư cho mượn nhiều hơn một, hai cuốn so với số lượng cho phép. Và cô thủ thư chẳng bao giờ nỡ từ chối cơn khát sách ấy. Rồi thì hí hoáy chép sách, bởi chẳng có tiền mua sách, dịch vụ photocopy cũng chưa phát triền như bây giờ…

Giữa thiếu thốn, chúng tôi đã khát đọc. Vậy mà trong đủ đầy của hiện tại, nhiều bạn trẻ lại chẳng thèm đọc. Bao nhiêu học sinh đọc thêm sách ngoài những đầu sách giáo khoa trong chương trình? Con số ấy có lẽ rất khiêm tốn.

Những câu hỏi mở rộng của giáo viên về một vài kiến thức bên ngoài nhiều lúc chẳng nhận được câu trả lời. Các con hành văn khá ngô nghê với kiến thức ít ỏi, bởi có đọc đâu mà thu nhặt kiến thức, mở rộng vốn từ, học cách diễn đạt. Thậm chí có lúc các con trích dẫn văn thơ của người khác thì cứ rơi vào cảnh “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”…

Thực trạng ấy vẫn ngày ngày diễn ra. Nỗi lo về sự xuống dốc của văn hóa đọc trong giới trẻ đã hiện hữu. Nhưng những giải pháp hữu hiệu cho căn bệnh lười đọc này vẫn còn khá mơ hồ. Bao giờ bạn trẻ “khát” đọc? Câu hỏi ấy vẫn còn để ngỏ…

Thanh Ny