Bao giờ hết cảnh "trường thuê"?

Chuyện cười ra nước mắt diễn ra hằng ngày ở cơ sở Phan Xích Long: cứ đến giờ giải lao, nhiều SV có "nhu cầu" phải xếp hàng trước toilet chờ đến lượt mình vì tại đây chỉ có 3 toilet cho cả nam lẫn nữ! Đó cũng là một trong số những bất tiện của SV khi phải học trong cảnh "trường thuê"...

Không chỉ phổ biến ở các trường ĐH-CĐ dân lập mà một số trường công lập cũng có chuyện “thuê” trường. Sẽ không có gì đáng bàn nếu những cơ sở hay chi nhánh thuê đó đảm bảo chất lượng, giúp SV an tâm thoải mái học tập. Nhưng trên thực tế, rất nhiều SV đã lên tiếng phàn nàn... 

 

Nỗi buồn sinh viên

 

Một trong những cơ sở đào tạo của ĐH Ngân hàng trên đường Tôn Thất Đạm, Q.1, TPHCM (dành cho SV năm 1 và năm 4) nhìn bên ngoài giống như trụ sở một công ty. Không có khuôn viên, không nhà để xe, không căng-tin, SV trong giờ giải lao chỉ biết ngồi ở giảng đường. Trò chuyện với N.T.Ngọc, SV khoa Kế toán - Kiểm toán, có thâm niên "chạy" hết giảng đường này đến giảng đường khác trong suốt 4 năm học mới hiểu nỗi ngậm ngùi của cô.

 

Ngọc kể: "Em học tùm lum chỗ. Ở đây cũng có, bên Ngô Đức Kế cũng có, Tôn Thất Thiệp cũng có. Khổ nhất là giảng đường bên cơ sở Ngô Đức Kế, cũ kỹ, xấu xí, dơ hết biết! Đã thế, mỗi lần đi học còn bị người ta hoạnh họe không cho gửi xe. Bọn bạn em đứa nào cũng than trời!".

 

Cùng chung cảnh ngộ là trường ĐH Ngoại thương (cơ sở 2) khi phải thuê 2 cơ sở của trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại ở 76B Phan Xích Long và 287 Phan Đình Phùng (Q.Phú Nhuận) - không bảng tên, không khuôn viên và thiếu chỗ để xe cho SV. Chưa kể phòng học khá chật chội, nóng bức nên nhiều SV ví von buổi trưa mà ngồi trong lớp chẳng khác nào được "tắm hơi miễn phí". Có bạn lo xa như Th.Định (SV năm cuối) thì buột miệng: "Không phải nói xui, nhưng nếu xảy ra hỏa hoạn thì bọn mình khó thoát thân, khi bao quanh là cửa kính bít bùng, bàn ghế chật hẹp mà chỉ có một cầu thang bộ duy nhất"...

 

Trong khi đó, một tên tuổi lớn ở phía Nam là Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn lại ngậm ngùi với cảnh thiếu chỗ học tại cơ sở Tân Phú, Thủ Đức. Trước kia, cơ sở Tân Phú vốn là ký túc xá nhưng từ năm 2003, trường quyết định cải tạo thành phòng học để chuyển SV năm 1, năm 2 từ cơ sở chính về đây. Cũng vì chuyển từ phòng ở sang phòng học nên có nhiều bất tiện, dễ thấy nhất là nhiều phòng còn sót lại những cây cột to đùng ở giữa, hạn chế tầm nhìn của SV. B.Linh (SV năm 2 khoa Quan hệ quốc tế) thở dài: "Ngồi học mà nhiều lúc chẳng thấy được gì, ban đầu khó chịu lắm, nhưng chịu trận như vầy riết rồi cũng phải quen". Cùng chung tâm sự là SV khoa Nga trường ĐH Sư phạm TP.HCM  - cơ sở Lê Văn Sỹ. Nhìn từ bên ngoài, cơ sở này giống một khu tập thể có tuổi đời... mấy chục năm, phòng học cũ, tối tăm.

 

Trong lúc các trường công còn gặp khó khăn trong việc trang bị cơ sở vật chất đầy đủ để phục vụ SV thì tình trạng "trường thuê, thầy mướn" phổ biến ở các trường dân lập cũng là điều dễ hiểu. Trừ một số ít trường có cơ sở ổn định và khang trang, còn lại đa số thường hay thay đổi địa điểm thuê và chuyện SV "chạy sô" cũng là chuyện nhỏ. Dù có cơ sở chính khá khang trang tại 155 Sư Vạn Hạnh (nối dài), Q.10 nhưng Trường ĐHDL Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM vẫn phải thuê thêm một cơ sở nữa trong khuôn viên xí nghiệp In Scitech (83 Lý Chính Thắng, Q.3). So với cơ sở chính thì điều kiện tại đây khiến nhiều SV thất vọng và bức bối. Phòng học nhỏ, quạt trần nhiều cái đã hỏng vẫn chưa thay, thậm chí có giảng đường bị dột lúc trời mưa, SV vừa học vừa tránh mưa.

 

Chúng tôi tiếp tục đến cơ sở 35-37 Hồ Hảo Hớn của ĐH Mở - bán công. Bàn ghế ở đây không đến nỗi nào nhưng vì trần lợp tôn nên buổi trưa, những lớp học ở tầng trên đúng là "lò hơi". Chưa kể trường thuê rải rác nhiều nơi như Q.1, Q.10, Q.5 hay Q.Bình Thạnh... nên SV phải chạy đi chạy lại khá vất vả. Còn Thu Trang, SV khoa Trung năm 2 ĐHDL Hồng Bàng thì bức xúc: "Cơ sở bên đường Trường Sơn, Q.Tân Bình phòng cũ kỹ, bàn ghế cũng vậy. Cơ sở Điện Biên Phủ cũng không khá hơn, có 6-7 phòng nhà cấp 4. Vẫn biết việc học như thế nào mới là quan trọng, nhưng những thứ hỗ trợ cho việc học như không gian, cơ sở vật chất... cũng quan trọng không kém".

 

Chờ đến bao lâu ?

 

Thật ra, các trường công được đề cập ở trên cũng đang nỗ lực để giải quyết những khó khăn về cơ sở vật chất bằng cách xúc tiến cải tạo, mở rộng cơ sở cũ hay xây dựng cơ sở mới để đáp ứng đầy đủ hơn nhu cầu học tập của SV. Chẳng hạn, ngoài việc xây mới lại khu giảng đường D ở cơ sở chính, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn đang triển khai xây thêm dãy phòng học mới ở cơ sở Tân Phú để có thể tiếp nhận được nhiều SV.

 

ĐH Ngoại thương thì đang gấp rút xây dựng cơ sở mới trên đường D5 (Q.Bình Thạnh) và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm tới. ĐH Ngân hàng đã xây dựng được cơ sở và ký túc xá khang trang ở Thủ Đức, chủ yếu dành cho SV các tỉnh. Có thể thấy rõ xu hướng sắp tới của các trường ĐH ở TPHCM là sẽ tập trung về Thủ Đức hay một số quận ngoại ô khác vì đất đai ở đây còn rộng rãi, có thể xây một quần thể gồm thư viện, ký túc xá, trung tâm tin học, ngoại ngữ, khu vui chơi giải trí... của mỗi trường.

 

ĐHDL Hùng Vương cũng đã kết hợp với SaiGon Tech để xây dựng tòa nhà 9 tầng trên đường Quang Trung, Q.12, dành 2 tầng cho SV khoa Công nghệ thông tin học. Tại cơ sở trên đường Nguyễn Trãi, Q.5, nhà trường cũng sẽ nâng cấp thành tòa nhà 10 tầng để tập trung hầu hết SV tại đây.

 

Một tiến sĩ đang công tác tại trường ĐH Khoa học tự nhiên thì có cái nhìn thông cảm hơn đối với những trường đang gặp khó khăn về mặt bằng và cơ sở vật chất: "Có thể nhiệm vụ trong giai đoạn này chưa cho phép một số trường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất tốt được. Các bạn SV nên quan tâm đến cách dạy, cách học như thế nào cho hiệu quả. Tất nhiên thầy cô nào cũng muốn trường mình tốt, trường mình đẹp nhưng cần phải có tài chính và thời gian". Và trong khi chờ một ngôi trường rộng rãi, được trang bị đầy đủ phương tiện cùng với những cây xanh, ghế đá, thư viện, căng- tin... thì trước mắt, SV vẫn cứ chịu khó, chịu khổ...

 

Theo Mỹ Quyên – Vân Anh

Thanh Niên