Bạo lực học đường: Nỗi lo lớn!

(Dân trí) - Bạo lực học đường đang trở thành một nỗi ám ảnh. Trở thành nạn nhân của các vụ bạo lực, các em sẽ gánh lấy những thương tổn nghiêm trọng về cả thể xác lẫn tinh thần. Những vết thương trên cơ thể cần thời gian để kín miệng, nhưng những vết sẹo trong tâm hồn các em làm sao để xóa mờ?

Nguyên nhân nào khiến nạn bạo lực học đường bùng phát như hiện nay?

Cuộc sống hiện đại quá đầy đủ, quá dư thừa tạo ra một lối sống đua đòi, ích kỉ trong giới trẻ. Cái tôi của mỗi người quá lớn và học sinh nhiễm dần những căn bệnh: sĩ diện, thích thể hiện, muốn khẳng định… Mấy căn bệnh đó mọc rễ trong một cái đầu non nớt với những suy nghĩ hời hợt, hành động bồng bột, lời nói thiếu suy nghĩ dẫn đến bao điều đáng tiếc, đau lòng. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, sự kết nối toàn cầu, những trào lưu facebook, các trang mạng đa sắc màu, thế giới game online sôi động… đang khiến một bộ phận giới trẻ đánh mất mình vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt.

Chúng ta cũng không thể phủ nhận một phần nguyên nhân từ phía gia đình. Cuộc sống mưu sinh bận rộn, vòng xoáy công việc cuốn người ta đi mãi. Trong suy nghĩ của rất nhiều ông bố, bà mẹ, cho con một cuộc sống đầy đủ tiện nghi là đã làm tròn trách nhiệm. Nhiều bậc cha mẹ nuông chiều quá mức, lỏng kẻo trong quản lí, giám sát con. Chỉ cần con mở miệng xin tiền, họ sẵn sàng cho mà không quan tâm xem những đồng tiền ấy được sử dụng đúng mục đích hay không. Họ lao vào làm việc mà quên mất con mình đang tuổi lớn với bao sự xáo trộn tâm sinh lí. Những đồng tiền vô cảm đó không thể nào so sánh được sự yêu thương, quan tâm, chia sẻ, dạy dỗ, bảo ban!

Ngoài ra, trường học nhiều khi chưa thật sự là môi trường thân thiện với một số học sinh. Đến trường với các em là một trách nhiệm, là nghĩa vụ, là yêu cầu của bố mẹ, không phải mong muốn, khao khát chiếm lĩnh tri thức để tạo thành động lực học tập. Rất nhiều tệ nạn rình rập bên ngoài nhà trường, chỉ cần với nhẹ tay, một bộ phận học sinh lập tức “nhiễm”. Tất cả những lỗ hổng trên chính là mảnh đất màu mỡ cho mầm mống của bạo lực học đường mọc rễ.

Nhìn rõ nguyên nhân, chúng ta có thể từng bước ngăn chặn mầm mống của bạo lực học đường. Trước hết, mỗi học sinh cần trau dồi ý thức học tập, rèn luyện đúng đắn. Hãy trân trọng những giây phút ngồi trên ghế nhà trường hồn nhiên, trong sáng bởi đó sẽ là hành trang đẹp cho đường đời còn dài sau này. Hãy giữ gìn sự quí giá của tình thầy trò, tình bè bạn và cả tình người. Hãy tỉnh táo tránh xa mọi thứ cám dỗ của văn hóa phẩm không lành mạnh và giữ mình trước những thói hư tật xấu…

Nhà trường cần tạo ra một sân chơi lành mạnh với các hoạt động ngoại khóa, thể thao, văn nghệ thu hút sự hứng thú của học sinh. Không chỉ dừng lại ở việc hô hào khẩu hiệu, phong trào “Trường học thân thiện” cần phát huy hơn nữa vai trò là cầu nối sợi dây tình cảm giữa thầy và trò, giữa trò và trò. Cần chú trọng hơn nữa việc giáo dục kĩ năng sống cho học sinh để các em chủ động xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp, điều tiết tình cảm, chấn chỉnh hành vi. Các trường cần tạo lập trung tâm tư vấn cho học sinh để hỗ trợ các em giải quyết các vấn đề cuộc sống.

Gia đình hãy là tổ ấm chở che, bảo bọc với tình yêu thương luôn ngập tràn. Cha mẹ hãy là người bạn biết lắng nghe, chia sẻ và cùng con tháo gỡ những vướng mắc trong cuộc sống. Cha mẹ hãy là người thầy định hướng con cái trong việc tiếp nhận cái hay, cái đẹp và thanh lọc tâm hồn trước cuộc sống muôn hình vạn trạng.

Các cơ quan chức năng cần siết chặt hơn nữa sự quản lí đối với game online, mạng xã hội. Nhà trường - gia đình - xã hội cần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ để phát huy vai trò giáo dục thế hệ trẻ… Trách nhiệm này không của riêng ai mà đòi hỏi một sự chung tay của cả cộng đồng. Mỗi người cần xây dựng một ý thức đúng đắn về cách ứng xử giữa người và người. Đừng thờ ơ, vô cảm, dửng dưng trước những việc làm sai trái, những lối hành xử thiếu thiện cảm. Hãy góp một tiếng nói, hãy góp một hành động nhỏ bé của mình để cuộc sống này tốt đẹp hơn.

Trang Hiếu

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ emailgiaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!