Trung Quốc:

Bắt 2 cô giáo bán thiết bị gian lận thi ĐH

(Dân trí) - Hai nữ giáo viên trung học ở thành phố Tùng Nguyên (tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc) vừa bị cảnh sát bắt giữ vì bán thiết bị hỗ trợ gian dối thi cử cho học sinh trước kì thi ĐH. Có ít nhất 23 thí sinh đã mua thiết bị của 2 giáo viên này.

Bắt 2 cô giáo bán thiết bị gian lận thi ĐH - 1
Thí sinh ở Bắc Kinh (Trung Quốc) trò chuyện với cô giáo trước khi vào phòng thi ngày 7/6/2009. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Vào ngày 8/6, ngày thứ 2 của kì thi tuyển sinh ĐH ở Trung Quốc, 23 thí sinh bị bắt quả tang khi đang sử dụng thiết bị trái phép.  

Tân Hoa Xã cho biết, Liu Yanhua, giáo viên trường trung học số 1 hạt Fuyu (TP Tùng Nguyên) bị buộc tội bán 27 thiết bị hỗ trợ gian dối trong thi cử, bao gồm tai nghe, bộ thu âm, pin, bộ nạp điện… cho bố mẹ các thí sinh trước khi kì thi tuyển sinh ĐH diễn ra.  

Theo người phát ngôn của Cục An ninh công cộng TP Tùng Nguyên, Liu đã kiếm lợi hơn 400.000 nhân dân tệ (tương đương hơn 1 tỉ đồng Việt Nam) trong vụ này.

Liu thừa nhận đã mua những thiết bị này hồi tháng 5 qua một trang web và hứa với các bậc cha mẹ rằng, sẽ gửi đáp án cho các thí sinh thông qua thiết bị công nghệ cao mà Liu đã bán cho họ. 

Cảnh sát bắt đầu điều tra vụ này vào ngày 2/6. Liu và đồng nghiệp He Shujie bị cảnh sát phát hiện vào đêm 4/6 khi đang thử các thiết bị tại một tòa nhà gần trường trung học số 4 hạt Fuyu. 

Cảnh sát đã phá 3 địa điểm gần trường trung học số 1, số 3 và số 4 hạt Fuyu được hai giáo viên này sắp xếp làm nơi truyền đi đáp án. Đồng thời, cảnh sát tịch thu một laptop, 2 máy in và một số thiết bị truyền và nhận tín hiệu. 

Theo luật hình sự Trung Quốc, hai giáo viên này sẽ bị tù tối đa 3 năm. 

Vụ việc được mở rộng hơn khi các nhà chức trách phát hiện 8 nhóm ở tỉnh Cát Lâm, trong đó có nhóm của hai giáo viên TP Tùng Nguyên, tham gia bán thiết bị gian dối cho thí sinh. 

Lao Kaisheng, chuyên gia giáo dục của Trường ĐH Sư phạm Bắc Kinh, nhận định rằng hiện tượng gian dối trong thi cử đã tăng dần trong những năm gần đây làm ảnh hưởng đến sự công bằng. Nếu lọt lưới, những thí sinh đỗ ĐH bằng con đường gian dối có thể trở thành những nhân viên hoặc thương nhân tồi tệ sau này. 

Còn Lu Jianping, giáo sư luật của Trường ĐH Nhân dân Trung Quốc, cho rằng gian dối thi cử tăng là do có nhiều cá nhân và tổ chức tham gia vào việc này. Theo ông Lu, gian dối thi cử đã trở nên có tổ chức hơn và nhiều nhóm người đã kiếm lợi từ việc này. 

Xuân Vũ
Theo Tân Hoa Xã/CRI