“Bật mí” chạy trường

Để con được vào trường tiểu học mong muốn, nhiều phụ huynh tiết lộ đã dùng những cách như “trả lệ phí cao”, nhờ người quen biết và kể cả việc chuyển hộ khẩu đến nhà người thân...

Đó là kết luận từ đề tài nghiên cứu khoa học “Xu hướng chọn trường tiểu học của phụ huynh TP.HCM” do một nhóm sinh viên khoa xã hội học - công tác xã hội Trường ĐH Mở TP.HCM thực hiện trong tháng 3-2012. Đề tài được thực hiện bằng cách khảo sát trên 150 phụ huynh có con đang học tiểu học ở Q.3, Q.Tân Bình và huyện Hóc Môn (mỗi nơi 50 phụ huynh).

 

“Bật mí” chạy trường
Khảo sát cho thấy học sinh ngoại thành có tỉ lệ học trái tuyến thấp hơn hẳn so với nội thành. (Nguồn: Cuộc khảo sát tháng 3/2012 tại TP.HCM)

 

Gần một nửa học trái tuyến

 

Kết quả nghiên cứu cho thấy trong 150 phụ huynh được hỏi, tỉ lệ có con học trái tuyến chiếm gần một nửa với 45,3%. Phụ huynh lý giải việc họ phải “chạy” trường cho con học trái tuyến là do những yếu tố sau: chú trọng danh tiếng của trường, chất lượng giảng dạy của giáo viên, trường đúng tuyến chất lượng không tốt, không xin vào được trường đúng tuyến và cả “gần nơi làm việc để thuận tiện đưa đón”.

 

Và để con mình được học tại trường trái tuyến như mong muốn, 54,4% phụ huynh khi được hỏi đã thừa nhận mình có nhờ người quen biết “chạy” trường cho con. Trong khi đó, 30,9% phụ huynh khác cho biết mình “tự nộp hồ sơ vào trường không đúng tuyến”. Đáng lưu ý, cứ mười phụ huynh được hỏi thì có một người tiết lộ mình “phải trả lệ phí cao để được nhận hồ sơ” chạy trường cho con.

 

Cụ thể về cách thức “chạy”, trả lời nhóm nghiên cứu, phụ huynh cho biết như sau: đầu tiên, phụ huynh xác định trường sẽ “chạy” cho con, sau đó bằng mọi giá phải chuyển hộ khẩu (thường trú hoặc tạm trú) về địa bàn trường đóng càng sớm càng tốt. Với phụ huynh khác, sau khi xác định trường xong sẽ cố gắng nhờ cậy người uy tín giới thiệu với ban giám hiệu nhà trường để đặt vấn đề. Người khác lại chuẩn bị tiền và... chờ đợi.
 
“Bình thường”

 

“Bình thường”

 

Việc “chạy” trường đã không còn xa lạ với phụ huynh khi 76% trả lời “có biết” việc này và 24% không biết. Thái độ của ông/bà đối với vấn đề “chạy” trường như thế nào? Với câu hỏi này, có đến 64,9% cho rằng đó là việc... bình thường. Còn lại 31,6% phụ huynh không đồng tình và số lượng phụ huynh đồng tình với “chạy” trường chỉ chiếm con số nhỏ, với 3,5%.

 

Ở một góc độ khác, trả lời của phụ huynh từ cuộc nghiên cứu cho thấy yếu tố nghề nghiệp của họ cũng ảnh hưởng đến việc chọn trường cho con. Chẳng hạn, nhóm phụ huynh làm công nhân, lao động tự do có thu nhập thấp cho biết họ thường lựa chọn trường công lập, đúng tuyến cho con theo học. Ngược lại, những phụ huynh làm việc ở những ngành lao động bậc cao, kinh doanh, buôn bán... thường chọn trường công lập nhưng trái tuyến cho con mình theo học.

 

Trong khi đó, việc “chạy” trường cho con của phụ huynh cũng “dao động” theo địa bàn sinh sống. Đơn cử kết quả cho thấy phụ huynh ở nội thành “chạy” trường tiểu học cho con nhiều hơn ở ngoại thành. Cụ thể: tại Q.3 (nội thành) tỉ lệ phụ huynh có con học trái tuyến lên đến 64%, đúng tuyến 36%. Trong khi đó, tỉ lệ phụ huynh có con học trái tuyến ở Q.Tân Bình là 44%, đúng tuyến 56%. Tỉ lệ phụ huynh có con học trái tuyến tại ngoại thành thấp hơn hẳn so với hai địa bàn kể trên với 28%...

 

2 nguyên nhân chạy trường

 

Tình trạng chạy trường ở bậc tiểu học có hai nguyên nhân. Thứ nhất là tâm lý phụ huynh nghe đồn trường X, trường Y được nhiều phụ huynh tín nhiệm nên muốn con mình được vào học trường đó (trong số này có phụ huynh không cần biết ngôi trường đó có tốt hay không nhưng nhất quyết xin cho bằng được vì “đẳng cấp con họ phải học trường như vậy”).

 

Thứ hai là do phân tuyến lớp 5 vào lớp 6. Tôi lấy ví dụ như Trường tiểu học Trần Quốc Thảo ở quận 3 không phải trường nổi bật nhưng vì học sinh lớp 5 trường này sẽ được phân tuyến vào lớp 6 Trường THCS Lê Quý Đôn nên nhiều phụ huynh muốn cho con mình học tại trường này.

 

Nhiều năm gần đây, UBND TP.HCM đã chỉ đạo trường tiểu học không nhận học sinh trái tuyến để các quận huyện quan tâm hơn đến việc xây dựng trường lớp, chăm sóc nhiều hơn cho học sinh trên địa bàn của mình. Đến nay, có thể nói quận nào cũng có trường tốt. Đương nhiên, cùng một lúc không phải tất cả các trường đều tốt nhưng hầu hết các trường khó khăn nay đã được sửa chữa khang trang hơn.

Bên cạnh đó, để giảm thiểu tình trạng học trái tuyến, phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM đã chỉ đạo các trường thực hiện chương trình “Ngôi trường tiểu học của em”: các phụ huynh và học sinh mẫu giáo 5 tuổi sẽ được tham quan, tìm hiểu hoạt động, chất lượng giáo dục... của trường tiểu học trên địa bàn. Từ chương trình này, nhiều phụ huynh mới giật mình nhận ra: ngôi trường sát bên nhà mình có chất lượng giáo dục rất tốt mà mình không để ý.” - Ông Lê Ngọc Điệp (trưởng phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM)

 

Theo Tuổi Trẻ