Bây giờ phải học như thế, bác ạ...

Tối hôm trước, đứa cháu học lớp 3 của tôi gọi điện sang nhờ giải bài toán nâng cao. Cụ thể như sau: Ba xe gạo nhiều hơn xe số 3 là 97 bao, xe số 2 ít hơn xe số 1 là 7 bao. Hỏi xe số 1 có mấy bao gạo?

Sau một hồi suy nghĩ giải thế nào bằng các phương pháp lớp 3 được học, tôi đưa cho cháu lời giải, nhưng cháu bé cứ khăng khăng: “Không phải đâu chú ơi, cô giáo cháu giải ngắn lắm. Chỉ cần lấy 97 + 7 rồi tất cả chia cho 2 là ra xe 1”. Tôi ngớ cả người ra, nhưng thực tế là kết quả đó đúng. Tôi hỏi: “Cháu có biết tại sao lại giải thế không?”. Cháu bé đáp: “Cháu cũng chẳng hiểu, đây là bài nâng cao, cô bảo chỉ cần biết thế là được”.

 

Tôi chẳng thể nào hiểu nổi cô giáo cháu sẽ giải thích với các cháu thế nào, vì nhiều vị phụ huynh nghe xong cũng lắc đầu: “Chẳng có nguyên tắc gì cả, cứ giải là giải”. Đây thật ra là lối tư duy mà có lẽ phải học sinh lớp 8, 9 hoặc hơn thế mới có thể hiểu.

Hôm sau, ngồi lai rai với bố cháu bé, chúng tôi lại nói chuyện về bài toán hôm qua của cháu. Bố cháu bé rất bức xúc: “Nói thật với chú chứ bây giờ tôi chẳng hiểu người ta dạy kiểu gì nữa. Vứt đùng ra một cách giải mà đến tôi đọc mãi cũng không hiểu tại sao lại làm được như thế, nói gì đến con tôi. Tối nay tôi phải gọi điện để hỏi cô giáo xem cô ta giải kiểu gì. Học kiểu này khác gì chơi... cút bắt”.

 

Tôi vội vàng can ông anh: “Em xin anh, bỏ qua đi. Mình làm khó người ta, người ta lại trù úm con mình. Ngày trước cũng tại bố mình hay vặn vẹo cô giáo mà cứ nhè bài khó cô gọi mình lên bảng rồi bị điểm kém, chả dại”.

 

Ông anh nhăn nhó: “Tôi biết, nhưng yên tâm. Ngày trước mấy lần đi họp phụ huynh tôi cũng đưa vấn đề này ra, tại sao lại giảng dạy cái kiểu đấy, khó đến mấy thì mình cũng phải hiểu chứ. Tôi còn đưa một bài toán thắc mắc, cô giáo cũng chỉ giảng qua loa, chẳng ai hiểu gì, mọi người cười ồ cả lên. Sau cuối, cô giáo kết luận: Bây giờ phải học như thế, bác ạ”...

 

 

Theo Phương Thành Trung

Tuổi Trẻ