Bí quyết bồi dưỡng học sinh giỏi của cô giáo người Mường

(Dân trí) - Thực sự thương yêu, chia sẻ những khó khăn của các em học sinh, cô giáo người dân tộc Mường Lê Thị Hằng luôn khích lệ niềm say mê học tập và sáng tạo, vun đúc ước mơ cho các em và kiên trì trong truyền thụ kiến thức.

Cô giáo Lê Thị Hằng, người dân tộc Mường, hiện công tác tại Trường THCS dân tộc nội trú huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa). Trải qua 15 năm đứng trên bục giảng, cô được lãnh đạo ngành Giáo dục huyện Ngọc Lặc tin tưởng giao nhiệm vụ hướng dẫn bồi dưỡng học sinh (HS) giỏi cho toàn huyện.

Tôi có dịp gặp cô Hằng trong buổi đại hội của Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hóa, với nhiều thành tích đạt được trong quá trình giảng dạy, cô đã vinh dự được công nhận là Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và được tuyên dương các thầy cô giáo là người dân tộc dạy giỏi năm 2012.

Cô giáo Lê Thị Hằng với tấm bằng công nhận giáo viên giỏi cấp tỉnh.
Cô giáo Lê Thị Hằng với tấm bằng công nhận giáo viên giỏi cấp tỉnh.

Tốt nghiệp khoa Văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, từ năm 1998, cô Lê Thị Hằng được phân công về Trường THCS Ngọc Sơn, huyện Ngọc Lặc (xã thuộc diện 135 của tỉnh Thanh Hóa) công tác. Hơn 10 năm công tác ở vùng đất khó khăn đã để lại cho cô rất nhiều kỷ niệm với ngôi trường, với các em HS nơi đây.

Trường nghèo, gia đình HS nghèo, các em không có điều kiện được ở nội trú. Hàng ngày, các em phải trèo đèo, lội suối, đi bộ hàng chục km, mang cơm nắm đến trường để học cái chữ. Khó khăn là vậy nên chuyện các em bỏ trường, bỏ lớp là chuyện bình thường. Chính cô Hằng cũng không nhớ nổi đã bao nhiêu lần, đến bao nhiêu gia đình để vận động các em đi học trở lại sau mỗi kỳ nghỉ hè, hoặc sau Tết.

Thường cứ sau mỗi dịp nghỉ như vậy là lớp học trống hẳn. Thế là cô cùng các đồng nghiệp lại phải đến từng nhà vận động các em trở lại lớp học. Nhiều gia đình có hoàn cảnh quá khó khăn, cô và các thầy cô khác đã phải hỗ trợ tiền mua sách vở, đồ dùng học tập cho các em để các em có đủ sách vở, đồ dùng học tập đến trường.

Nhưng đến từng nhà các em cô mới hiểu rõ hơn được hoàn cảnh gia đình, ước mơ của các em. Qua đó có phương pháp động viên, khích lệ các em. Cô Hằng cho biết: Các em HS là người dân tộc chăm ngoan, lễ phép, ham học và rất tình cảm. Tuy nhiên, trình độ tư duy, tiếp thu bài có hạn chế nên giáo viên phải tìm được phương pháp dạy phù hợp và phải biết khích lệ niềm đam mê học tập của các em, đặc biệt là phải nắm được tâm lý của các em để có phương pháp dạy phù hợp.

Mỗi lần đứng trên bục giảng là phải hiểu từng HS phía dưới, hiểu hoàn cảnh gia đình, ước mơ của các em để có cách tiếp cận hướng dẫn cho từng em HS. Có vậy các em học sinh mới có hứng thú học tập và tiếp thu được bài. Với những HS có năng lực học tập khá hơn, giáo viên phải rèn kỹ năng lập luận logich rèn kỹ năng viết văn qua các bài tập, rèn kỹ năng làm bài, phương pháp luập luận, trình bày bài cho các em.

Trường hợp em Phạm Thị Yến, HS Trường THCS Ngọc Sơn là một điển hình cho bí quyết và tâm huyết của cô giáo Hằng. Được cô Hằng hướng dẫn, bồi dưỡng, em Phạm Thị Yến đã đạt giải nhất toàn tỉnh môn Giáo dục công dân năm 2008.

Từ ngày được phân công về giảng dạy ở Trường THCS dân tộc nội trú huyện Ngọc Lặc và được giao nhiệm vụ hướng dẫn bồi dưỡng HS giỏi cho toàn huyện, cô giáo Lê Thị Hằng càng nỗ lực, tâm huyết với nghề hơn. Cô đã dày công tìm tòi, phát hiện, nâng niu những tài năng, năng khiếu của các em, xem đây là vốn quý giá của cả vùng miền núi dân tộc và hết lòng bồi dưỡng, giảng dạy cho các em. Với tình cảm và nhiệt huyết, cô đã bồi dưỡng được hàng chục HS giỏi đạt thứ hạng cao trong các kỳ thi HS giỏi của tỉnh Thanh Hoá.

Cô Lê Thị Hằng (
Cô Lê Thị Hằng (thứ 2 từ trái qua) vinh dự được Giáo sư Lê Viết Ly trao tặng bằng khen.

Khi phát hiện được em Phạm Thị Huệ, lớp 9A1 có năng khiếu môn Văn, cô đã hết lòng chăm sóc, bồi dưỡng để em đạt thành tích cao. Em Huệ có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, bố bị liệt nửa người, mẹ làm ruộng, nhà lại đông anh chị em nên Huệ ít được quan tâm, thiếu thốn mọi thứ. Có những hôm phải học thêm buổi tối, Huệ phải lặn lội đi hơn 4 km đường rừng, núi để đến lớp. Tan lớp, đường rừng tối mù mịt, cô Hằng lại trực tiếp đưa học trò về, gặp lúc trời mưa to, đường trơn lại có nhiều vũng lầy khiến hai cô, trò ngã liên tục, ướt sũng cả người.

Không phụ lòng của cô, em Huệ khi đi thi HS giỏi cấp tỉnh đã đạt giải nhì toàn tỉnh. Đây là thành tích rất đáng tự hào đối với một HS là người dân tộc thiểu số và ở một trường còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Để có được những học trò giỏi như Yến, như Huệ…, phải kể đến trái tim yêu nghề, thương học trò của cô giáo Lê Thị Hằng.

Nguyễn Thùy

Dòng sự kiện: 30 năm Ngày Nhà giáo VN