Bí quyết cho sĩ tử tỉnh lẻ “đói” thông tin

Cách ôn thi của những môn năng khiếu không giống như các môn văn hóa. Trong khi đó, hiện nay ở tỉnh lẻ giáo viên dạy các môn này ít, mà những người có kinh nghiệm luyện thi thì lại rất hiếm. Vì thế, thí sinh các khối này thường rất “đói” thông tin.

Bí quyết cho sĩ tử tỉnh lẻ “đói” thông tin - 1

Một lớp ôn luyện vẽ của các thí sinh khối V

 

Phải tìm đúng địa chỉ

 

Theo kinh nghiệm của những sinh viên dự thi khối năng khiếu thì các khối này đòi hòi người học cần xác định được hướng thi và trường thi ngay từ khi ôn. Bởi vì hầu như các trường dù có cùng khối thi nhưng lại có “gu” ra đề khác nhau. Chính vì thế, theo họ nên đến các lò luyện tại trường đại học đó hoặc chọn học tại lò luyện có giáo viên của trường đó thì khả năng đỗ sẽ cao hơn.

 

Nguyễn Thị Xuyến, hiện đang học năm thứ 4 trường Đại học Kiến trúc, người đã từng phải thi đến năm thứ 3 vì hai năm đầu… không tìm đúng địa chỉ ôn thi. “Thực ra ngay cả các thầy cô giáo luyện thi cũng không có thông tin chính xác về khối thi, môn thi, “gu” ra đề và tiêu chuẩn chấm của các trường vì thế đến đó chỉ để học vẽ chứ không phân rõ ràng thành các môn như bố cục màu hoặc hình họa...”, Xuyến cho hay.

 

Nắm bắt được đặc điểm này nên Nguyễn Văn Giang (sinh viên trường Đại học Kiến trúc), mặc dù nhà ở tận Hải Phòng nhưng suốt năm lớp 12 cứ vào thứ 7 và Chủ nhật là hai bố con Giang lại đưa nhau lên tận Hà Nội để… học vẽ.

 

Với các chuyên ngành của trường sân khấu điện ảnh thì thí sinh phải thi khối S (gồm văn và môn năng khiếu cảm nhận ảnh hoặc phim), nên việc ôn luyện càng khó khăn. Ở tỉnh lẻ hầu như không có địa điểm ôn thi môn năng khiếu của khối này.

 

Mặc dù biết là thi năng khiếu thì cần đảm bảo khai thác khả năng tiềm ẩn của mỗi cá nhân, nhưng không thể phủ nhận là thí sinh cần được trang bị những kiến thức cơ bản về cách cảm nhận, đánh giá một bức ảnh hoặc một góc quay đúng.

 

Chính vì thế, năm đầu tiên thi khoa nhiếp ảnh trường đại học sân khấu điện ảnh Nguyễn Văn Đức (sinh viên năm thứ 2 Đại học Sân khấu điện ảnh) không đỗ vì “không có chút kiến thức sơ đẳng nào về ảnh mà chỉ nhìn ảnh theo kiểu thấy... đèm đẹp”. Trong khi đó, nếu tổng môn thi năng khiếu không đạt được 14 điểm thì sẽ không đỗ vì bị coi là điểm liệt, cho dù điểm văn hóa có cao đến đâu.

 

Có kinh nghiệm sẽ “đánh thắng”

 

Sinh viên các khối thi năng khiếu cũng đều thừa nhận rằng để thi đỗ cần phải có kinh nghiệm thi cử. Chính vì thế thí sinh thi khối này không dễ gì đỗ được vào năm thi đầu tiên mà thường phải “phục thù” đến năm thứ 2, khi đã “ẵm” được vốn liếng kha khá cả về thời gian ôn và kinh nghiệm để có thể thành thục hơn trong việc xử lý đề.

 

Bùi Ngọc Diệp (sinh viên năm thứ 4 Đại học Mỹ thuật Công nghiệp - Khoa Nội thất) chia sẻ: “Thực ra năm đầu thi mình chưa có kinh nghiệm, đọc đề xong hơi “choáng”, hơn nữa lại không có nhiều thời gian ôn luyện do còn bận ôn thi tốt nghiệp nên đã không đỗ, đến năm thứ 2 thì đã nhuần nhuyễn hơn nhiều”.

 

Theo Nguyễn Văn Đức thì ôn luyện để thi chuyên ngành nhiếp ảnh còn mang tính kinh nghiệm hơn. Năm đầu không đỗ nhưng vì niềm đam mê với nghề nhiếp ảnh cậu đã đi làm ở một hiệu ảnh để có kiến thức cơ bản về ảnh đồng thời có thêm thu nhập để vào trường sân khấu điện ảnh ôn thi môn năng khiếu.

 

Áp dụng tình huống ở hiệu ảnh để vào học ôn và hỏi thầy thì sẽ nhanh tiếp thu và nhanh tiến bộ hơn. Cậu tâm sự: “Đa số những người thi đỗ được khoa này đều là con nhà nòi cả nên được đào tạo rất bài bản và có nhiều kinh nghiệm...”

 

Hi vọng, với những bí kíp của các “đồng môn” đi trước, sĩ tử  năm nay sẽ đúc rút cho mình được chút kinh nghiệm để có được kết quả tốt nhất trong kỳ thi sắp tới!

 

Theo Nguyễn Hà
Vietnam+