Hà Tĩnh:

Bí quyết dạy học của "ông giáo làng" nổi tiếng

(Dân trí) - Ông giáo làng Phạm Thanh Hiền không chỉ thu hút học trò trong huyện Đức Thọ theo học mà nhiều học trò ở các huyện khác trong tỉnh Hà Tĩnh, thậm chí ở thành phố Vinh (Nghệ An) cũng đến đây “tầm sư”.

Người thầy bất đắc dĩ

Về xã Đức Yên (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) hỏi tên thầy giáo Phạm Thanh Hiền không ai là không biết. Bởi hơn 10 năm qua, nhiều lớp học sinh là con em trong xã đều đỗ đạt từ lớp học đặc biệt của ông giáo làng này.

Ngôi nhà của thầy Hiền nằm sát bên đê La Giang. Phía trước là một khoảng sân rộng được sử dụng làm lớp học rất thoáng mát. Bàn ghế, bảng viết và cũng phải có tới gần 20 quạt máy được trang bị đầy đủ. Lúc chúng tôi đến, thầy Hiền cũng vừa kết thúc một lớp luyện thi, chỉ có một lớp học buổi tối cho các học sinh lớp 11 lên lớp 12. Đó cũng là may mắn khi chúng tôi có được nhiều thời gian để nghe câu chuyện của thầy.

Thầy Hiền sinh ra trong một gia đình thuần nông, bố mẹ thường xuyên đau yếu. Mặc dù gia đình hoàn cảnh khó khăn, nhưng từ nhỏ cậu học trò Phạm Thanh Hiền sớm bộc lộ tư chất thông minh của mình. Năm 1969, Phạm Thanh Hiền đậu tốp 3 lớp chuyên Toán khóa 4 của trường ĐH Vinh. Trong lớp có 28 học sinh được tuyển chọn từ các tỉnh từ Quảng Bình đến Hà Nam Ninh (cũ). Thành tích học tập của cậu học trò huyện Đức Thọ luôn khiến các bạn phải thầm nể phục. Năm 1973, thầy Hiền tiếp tục thi đậu vào khoa Vật lý của Trường ĐH Vinh. Nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, đến năm 1974, thầy Hiền nộp đơn tình nguyện tham gia bộ đội.

Từ chiến trường trở về, ước mơ được tiếp tục ngồi trên giảng đường đại học vẫn cháy bỏng trong chàng trai trẻ Phạm Thanh Hiền. Thế nhưng, mẹ mất, gia đình quá khó khăn, là anh cả của 9 anh em trong gia đình nên Hiền chấp nhận gác lại ước mơ riêng của mình để chăm lo cho các em.

Cuộc sống khó khăn của những năm sau đó đã buộc thầy phải làm rất nhiều nghề mưu sinh. Để có tiền, từ chặt củi, làm mộc, may vá… không có nghề gì mà "ông giáo làng" chưa trải qua. Rồi những cơm áo gạo tiền của cuộc sống cũng cuốn đi ước mơ xưa của cậu học trò. “Lấy vợ rồi sinh con. Quay đi quay lại cũng bao nhiêu năm trôi đi. Nhiều khi đang may quần áo cho khách, nhìn các em học sinh đi học về nói chuyện rôm rả mà mình lại bần thần hết cả người. Nhưng sợ vợ lo nghĩ nên cũng giấu đi tâm sự ấy cho riêng mình”, thầy Hiền tâm sự.

Ông giáo làng không bằng cấp Phạm Thanh Hiền
Ông giáo làng không bằng cấp Phạm Thanh Hiền

Cuộc đời tưởng chừng như an bài, khi số phận sắp đặt thầy gắn bó với nghề may, nhưng cái duyên đến với viên phấn bục giảng với ông giáo làng cũng thật tình cờ.

Học trò đầu tiên cũng chính là cô con gái đầu lòng Nguyễn Thị Thanh Nga. Năm 1997 khi Nga lên cấp 3, nhận thấy sức học của con còn yếu nên thầy Hiền bắt đầu chú trọng đến việc học tập của con.

 “Thời đó, tài liệu tham khảo không có nhiều như bây giờ. Nên 2 bố con thường tận dụng bài kiểm tra của con. Mỗi lần có bài kiểm tra, Nga lại cất lại đưa về hai bố còn cũng tìm ra chỗ sai, cách giải. Do 25 năm rồi tôi mới cầm đến cuốn sách, nên nói là bố bày cho con nhưng hai bố con cùng học với nhau, nhiều kiến thức khác lắm”, thầy cười chia sẻ.

Đến cuối năm thấy sức học cô con gái dần khá lên, kết quả thi đại học với số điểm cao là minh chứng cho sự nỗ lực của hai bố con. Rồi những đứa trẻ trong xóm cũng thỉnh thoảng mang sách hỏi bài bác Hiền. “Thực ra các cháu hỏi nhưng chính nhờ đó mà mình mới biết được nhiều điều” - thầy giãi bày. Lớp học đầu tiên của thầy Hiền bắt đầu với 3 cô cậu học trò hàng xóm.

Ông giáo làng không bằng cấp Phạm Thanh Hiền
Từ lớp học chỉ 2 đến 3 người, giờ đây mỗi năm có khoảng 80 học sinh khắp nơi đến học thầy Hiền.

Tiếng lành đồn xa, phụ huynh trong làng, rồi trong xã cứ đến gửi con nhớ thầy kèm cặp. Ái ngại về bản thân, chưa tốt nghiệp đại học, bao năm qua chỉ quanh quẩn với chiếc máy may nên thầy Hiền không dám nhận. Cho đến năm 1999, khi một cán bộ trong xã động viên “25 năm qua, kể từ năm 1973 khi anh đậu đại học đến nay cả làng chưa ai đậu đại học. Nếu anh chỉ may một chiếc áo thì cũng chỉ một người mặc, cùng lắm chỉ 6 tháng nó còn mới. Nhưng nếu anh dạy học tốt cho 1 người thì cái đẹp đó sẽ nhân rộng lên, và ngày càng làm mới hơn nữa”.

Chính lời nói này khiến thầy Hiền thay đổi suy nghĩ. Nhìn quanh xóm thấy lớp trẻ chỉ mới dừng lại ở mức tốt nghiệp THPT, thầy càng mong dân trí của xã sẽ sớm được nâng cao.Ý nghĩ đó cộng với sự đồng tình của chính quyền nhưng mãi đến năm 2001 thầy mới tự tin bắt đầu khai giảng lớp học đầu tiên. Chính bí thư xã lại là một trong những người tiên phong đưa con đi gửi thầy Hiền kèm cặp.

Bí quyết dạy học của ông giáo làng

Không chỉ dạy một môn mà thầy Hiền còn đảm nhiệm dạy cả 3 môn thi đại học khối A là Toán, Lý, Hóa.

“Phần lớn các em học ở đây đều là học sinh đến từ các huyện xã nghèo trong vùng. Nhiều em ở xa nên việc đi lại rất khó khăn, nên thiết nghĩ đã dạy được một môn thì sao không làm tốt hai môn còn lại để giúp các em”, thầy Hiền cho biết.

Hàng ngày cứ hơn 1h sáng, gian phòng làm việc của thầy mới tắt điện. Giáo án, sách giáo khoa tham khảo và internet là những kho tư liệu quý giá để ông giáo làng tìm kiếm kiến thức cho mình và các học trò.

Tài liệu tham khảo quý báu của thầy chính là internet.
Tài liệu tham khảo quý báu của thầy chính là internet.

Không chỉ trang bị về kiến thức, thầy Hiền cũng chủ động tự trang bị kiến thức về tâm lý sư phạm để gần gũi với học sinh: “Thế hệ học sinh bây giờ rất khác, tôi phải tự trẻ hóa để hiểu các em hơn. Phần lớn các học sinh đến đây thường là "học sinh lớp 13", ít nhiều các em có phần mặc cảm. Trong quá trình dạy học, việc xỉ vả, mẳng mỏ các em là điều tôi rất kiêng kị. Theo tôi, có kém các em mới phải học. Nên thái độ của người thầy là động lực khuyến khích để các em dám hỏi, dám sai mà tiến bộ”.

Các bộ đề thi luôn luôn được làm mới, không lấy lại chương trình của năm trước. Hàng ngày, thầy vẫn tranh thủ thời gian để tìm  hiểu trên mạng, sàng lọc các dạng đề thi phù hợp từng năm.

Trong lớp học, thầy cũng phân chia có lớp trưởng, và các cán bộ lớp như một lớp học bình thường. Những học sinh học khá, và có kiến thức vững hơn được giao làm lớp phó học tập các bộ môn. Hàng ngày, thầy thường ra 50 câu dạng đề những lớp phó bắt buộc phải hoàn thành hết, dù sai hay đúng. Sau khi hoàn thành thầy để học trò tự thuyết trình bài giải của mình, chỗ nào chưa đúng thầy gợi mở để học trò cũng tham gia giải. “Khi các bạn hỏi, em trả lời là em giúp bạn, những khi em trả lời bạn là em đã tự giúp cho chính em. Vì bản thân có hiểu kiến thức thì em mới truyền đạt cho bạn hiểu được”, thầy thường nhắc nhở các học trò của mình.

Tại lớp học này cũng thường diễn ra những “mô hình kỳ thi trong lớp”. Chọn ra 10 em làm giám khảo hội đồng thi, trong đó thầy Hiền làm trưỏng ban và tham gia chấm điểm cho các bạn trong lớp. 

Được biết, hàng năm, lớp học của thầy Hiền có khoảng 80 học sinh. Tính từ năm 2003 đến nay, số lượng học sinh trong các lớp học của ông đã lên đến con số trên 500. Trong đó số lượng các em đỗ vào các trường đại học, cao đẳng dao động ở mức 70%. Có năm lớp học của thầy chỉ có 18 em nhưng đều đậu 100%.

Hơn 10 năm qua, nhiều thế hệ học sinh đều đỗ đạt cao từ lớp học của ông giáo làng.
Hơn 10 năm qua, nhiều thế hệ học sinh đều đỗ đạt cao từ lớp học của ông giáo làng.

Có nhiều gia đình, các con đều là đỗ đạt cao từ lớp học của thầy Hiền. Như trường hợp 2 anh em Nguyễn Chí Thanh và Nguyễn Chí Công. Năm đầu tiên, Thanh thi được 15 điểm nhưng sau đó 1 năm,Thanh đạt 26,5 điểm đậu Học viện An Ninh. Cậu em cũng chẳng kém cạnh khi năm thứ 2 đậu Học viện Cảnh sát với số điểm 23 (hơn năm trước 9 điểm). Bố của hai anh em vui mừng đến đỗi, chạy đến nhà và ôm chầm lấy ông giáo làng xúc động vì không thể tin được. Hay trường hợp em Nguyễn Thị Kim Tuyến (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) năm thứ nhất thi đại học chỉ được 5,5 điểm, năm sau học tại lớp thầy Hiền khi thi năm thứ hai thì đỗ với 18 điểm… Phần lớp những học sinh đều thi đại học vượt điểm số năm trước trung bình từ 5 đến 11 điểm.

Cũng lớp học này, hàng năm nhiều con em trong xã đã đậu đạt đại học, cao đẳng ở nhiều trường trong cả nước. Vì vậy, lớp học của thầy Hiền được bà con trong xã ủng hộ nhiệt tình. Nhiều ngôi nhà trong xã, cũng trở thành chỗ trọ miễn phí cho các học sinh ở xa đến học.

“Mình không có điều kiện học cao, thì mình học sâu, tôi nghĩ sự học không bao giờ là muộn cả. Nhìn những thành quả của các em đó cũng chính là thành quả cho sự học của tôi…”, ông giáo làng Đức Yên tâm niệm.

Phượng Vũ