Bí quyết “làm mới” kĩ năng từ môn Ngữ văn phổ thông

(Dân trí) - Một trong những vấn đề hiện nay là cung cấp kĩ năng toàn diện cho học sinh, từ kĩ năng chuyên môn tới kĩ năng sống nói chung trong trường phổ thông. Bài viết này bàn về việc cung cấp kĩ năng sống cho học sinh qua các giờ Ngữ văn phổ thông.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết của cô Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội.

Học Văn giúp hình thành kĩ năng giao tiếp

Với vai trò một bộ môn khoa học xã hội và nhân văn, môn Ngữ văn đặc biệt có ưu thế trong việc hình thành, củng cố, điều chỉnh...hệ thống kĩ năng sống cho học trò.

Học trò có thể tiếp nhận những bài học hữu ích về nguyên tắc giao tiếp khi học về kiểu câu tỉnh lược khi giáo viên đặt ra những tình huống giao tiếp cụ thể để các em tự rút ra bài học: khi giao tiếp với người trên, phải dùng câu đầy đủ, có thể tỉnh lược một vài thành phần phụ định ngữ, bổ ngữ, thậm chí vị ngữ... nhưng hầu như không bao giờ được tỉnh lược thành phần chủ ngữ như một số trường hợp giao tiếp ngang vai; ngoài ra, các em không được quên việc vận dụng những kiến thức được cung cấp khi học về phong cách khẩu ngữ (phong cách ngôn ngữ sinh hoạt) để biết cách bổ sung các tình thái từ trong các kiểu câu phân loại theo mục đích nói, tạo sự phù hợp có văn hoá về tình cảm, thái độ, hoàn cảnh giao tiếp. Ví dụ, khi nói với người trên, phải thêm từ "ạ" ở cuối câu (cháu chưa làm ạ!); các từ "vâng/ dạ" ở đầu câu; không được phép dùng kiểu câu hỏi có từ "hả" cuối câu (ví dụ: không được nói "Mẹ đi làm sáng nay hả" mà phải thêm từ hô gọi ở đầu câu, từ "ạ" cuối câu:"Mẹ ơi, mẹ đi làm sáng nay ạ?").

Kiến thức này cũng giúp học trò có sự tinh tế hơn để nhận ra thái độ, cảm xúc của người tham gia giao tiếp, nhận ra họ muốn phân trần khi câu thoại thêm từ "mà" (Tôi đã giải thích kĩ rồi mà!); hoặc thái độ miễn cưỡng khi thêm từ "vậy" hoặc cụm từ ngữ "cũng/ cũng được" (Thôi để em hỏi lại vậy! / Vâng, thế để tôi làm hộ bạn cũng được/ Bạn để kiểu tóc này cũng được!...) - sự nhận biết tinh tế sẽ giúp các em có cách ứng xử tế nhị nhất.


Cô Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội

Cô Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội

Điều chỉnh hành vi từ những tác phẩm văn chương

Dân gian có câu "Học ăn, học nói, học gói, học mở" - đó chính là tổng hợp những kĩ năng sống trong cộng đồng, từ cách ăn uống, nói năng, cho đến cách ứng xử thế trong giao tế... Dạy truyện ngắn “Một người Hà Nội” của Nguyễn Khải, tôi đặc biệt lưu ý các em về cách dạy con của bà Hiền, khi nhân vật này dạy dỗ, uốn nắn, sửa chữa cho các con từ "cách cầm bát, cầm đũa, cách múc canh, cả cách nói chuyện trong bữa ăn" thế nào cho thanh lịch - những câu chuyện đan xen giữa văn và đời khi liên hệ trực tiếp tới cuộc sống hàng ngày khiến học trò không chỉ nhận ra văn hoá nền của nhân vật, "một hạt bụi vàng" bình dị mà quí giá, sang trọng của Hà Nội mà còn khiến các em có ý thức tự điều chỉnh hành vi, cách sống của mình.

Những chi tiết trong truyện về cách sống của người Hà Nội như việc bà Hiền lau đánh cái bát bày hoa thuỷ tiên trong gian phòng khách cổ kính, bình yên; việc bà kể về những người Hà Nội ngày hôm nay kiên nhẫn cứu sống cây si cổ thụ bên đền Ngọc Sơn... nếu phân tích kĩ, liên hệ với nhịp sống và cách sống hiện đại sẽ giúp các em biết trân trọng những giá trị văn hoá, giúp các em hiểu những giá trị đích thực sẽ không bao giờ lạc hậu; đặc biệt biết ứng xử có văn hoá nhất với thiên nhiên xung quanh mình.

Học sinh lớp 12 đã ở lứa tuổi đặc biệt quan tâm và hứng thú với những vấn đề về tình yêu, hạnh phúc. Người lớn thường e ngại khi nói với các em về điều này mà quên rằng, có những điều dù không nói đến, nó vẫn tồn tại, và sẽ là sự tồn tại không được hướng dẫn!

Chẳng hạn, khi phân tích hình ảnh "sông Đà gợi cảm" trong bài Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân, khi hỏi học sinh về khái niệm "gợi cảm" nói chung, hầu như bao giờ tôi cũng nghe câu trả lời rụt rè, ngượng ngùng: "Thưa cô, gợi cảm là sexy"! Sau khi giải thích cho các em nhận ra sexy (theo cách hiểu thông dụng của người Việt hướng về cách ăn mặc, phục trang...!) chỉ là một phương cách tầm thường nhất để tạo ra sự gợi cảm nhất thời, sau khi chiết tự từ "gợi cảm" để nhận ra đó là khả năng khơi gợi cảm xúc của những đối tượng gần yêu, xa nhớ, tôi gợi ý học trò phân tích một trong những dẫn chứng đặc sắc của đoạn văn, đó là chi tiết Nguyễn Tuân đã so sánh niềm vui tái ngộ dòng sông như niềm vui khi được "nối lại chiêm bao đứt quãng" - một việc gần như không thể có trong đời người. Và sự nối lại giấc mơ càng hi hữu hiếm quí bao nhiêu, càng đem lại cảm giác sung sướng thú vị bấy nhiêu.

Nhà văn của những khát khao xê dịch đã nhiều lần tới sông Đà, vậy mà qua so sánh, người đọc có thể nhận ra sông Đà đẹp như một cõi mơ, và thấy cảm giác của nhà văn khi gặp lại dòng sông lần nào cũng tươi mới, kì diệu như được nối lại một giấc mơ đẹp, như vừa được tận hưởng niềm vui chưa từng có trong đời, lần gặp nào cũng như đó là lần đầu tiên, lần cuối cùng, lần duy nhất- đây thực sự là so sánh độc đáo cho thấy sự gợi cảm vô cùng của sông Đà trong niềm trân quí của nhà văn.

Khi học sinh đã nhận ra giá trị của so sánh đặc sắc này, có thể giúp các em liên hệ tới cách sống như thế nào để tránh được sự nhàm chán, tẻ nhạt trong cuộc sống hàng ngày, trong các mối quan hệ gia đình, tình bạn, và sau này là tình yêu - biết tạo ra vẻ đẹp, sự hấp dẫn từ thế giới nội tâm chứ không phải chỉ là ngoại hình hay trang phục, nhất là luôn biết cách làm mới mình tự trong tâm hồn, trí tuệ...

Trên đây chỉ là một vài dẫn chứng về việc cung cấp kĩ năng sống cho học trò trong những giờ Ngữ văn. Thật ra, khi có ý thức về chức năng này, giáo viên có thể khai thác những kĩ năng quí giá và hữu ích nhất cho học trò từ bất kì bài giảng nào. Và đó chính là một trong những giá trị nhân văn nhất của văn chương.

Giáo viên Trịnh Thu Tuyết