Bí quyết làm nên “nhịp dẫn” trong giờ Lịch sử

Làm thế nào để học sinh yêu lịch sử, không mơ hồ với lịch sử dân tộc, đó là một vấn đề lớn đòi hỏi tâm huyết và sự sẻ chia của các nhà khoa học, các nhà giáo, nhất là những người trực tiếp giảng dạy ở bậc tiểu học.

Những hạn chế trong dạy Lịch sử
 
Những hạn chế trong dạy Lịch sử

Cô Lê Thị Hà - giáo viên Trường tiểu học thị trấn Cẩm Thủy (Thanh Hóa) - cho rằng: Phân môn Lịch sử trong trường tiểu học có một vị trí hết sức quan trọng trong việc góp phần hình thành và phát triển nhân cách học sinh; đồng thời tạo cơ sở để các em tiếp thu có hệ thống và vững chắc chương trình của môn Lịch sử ở các cấp học trên.

Việc dạy Lịch sử trong các trường tiểu học đã góp phần không nhỏ vào việc giáo dục, hình thành và phát triển nhân cách học sinh theo những yêu cầu đặt ra. Chúng ta đã có nhiều giờ dạy Lịch sử ở bậc tiểu học rất hay, rất xúc động. Tuy nhiên, việc dạy học này chưa được thực hiện đều ở đại bộ phận giáo viên của các trường.

Trong nhiều tiết dạy, giáo viên vẫn chưa tổ chức được cho học sinh sưu tầm tư liệu và chuẩn bị bài chu đáo, chưa tạo ra được được sự hứng thú cho học sinh tham gia học hỏi và tìm hiểu kĩ bài học;

Nhiều giờ Lịch sử diễn ra nặng nề hoặc khô khan, hiệu quả giáo dục thấp. Điều này dẫn đến có những học sinh không biết gì về truyền thống lịch sử cha ông, đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến sự nhầm lẫn các nhân vật và triều đại Lịch sử...

Chú ý “nhịp dẫn” trong giờ Lịch sử

Một số người cho rằng dạy Lịch sử ở tiểu học là dễ vì kiến thức ít. Cô Lê Thị Hà khẳng định, điều này hoàn toàn không đúng và sẽ không thể thực hiện được việc giảng dạy Lịch sử ở tiểu học đạt chất lượng.

Bên cạnh đó, mục tiêu của dạy học Lịch sử ở tiểu học chỉ là cung cấp cho học sinh những kiến thức sơ giản, ban đầu của lịch sử dân tộc nên chương trình chỉ có thể lựa chọn những sự kiện, những nhân vật lịch sử tiêu biểu của mỗi giai đoạn lịch sử mà không thể dạy cho các em một hệ thống kiến thức chặt chẽ như các cấp học trên.

Cũng chính vì không có hệ thống chặt chẽ nên những “nhịp dẫn” của “cây cầu lịch sử” bị “đứt đoạn” làm cho người giáo viên gặp khó khăn trong việc “dẫn” các em đi từ thời đại này tới thời đại kia, từ sự kiện này tới sự kiện khác.

Bởi vậy, giáo viên cần nắm vững nội dung, cấu trúc SGK Lịch sử và Địa lí kết hợp với sự hiểu biết và tìm tòi thông qua các tài liệu để đạt hiệu quả cao trong mỗi bài dạy.

Chẳng hạn khi dạy bài “Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời” (Lịch sử lớp 5), giáo viên phải giúp học sinh hiểu được hoàn cảnh lịch sử của sự kiện lịch sử trọng đại này trước khi bước vào nội dung chính của bài.

Nếu ở các cấp học trên thì thao tác này không đòi hỏi người giáo viên phải nghiên cứu kĩ các tư liệu và phải giảng giải nhiều vì trước đó học sinh đã được học đầy đủ về tình hình lịch sử của đất nước giai đoạn 1925 - 1930 nên hiểu được bối cảnh lịch sử với yêu cầu cấp bách phải có một chính đảng thống nhất và đủ mạnh để lãnh đạo cách mạng nước ta.

Ngược lại ở tiểu học, trước khi học bài này học sinh mới được học về một số nhân vật và sự kiện lịch sử tiêu biểu nên không thể hiểu được đầy đủ bối cảnh lịch sử của sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.

Vì vậy người giáo viên phải có khả năng khái quát vấn đề rất cao, vừa dẫn được cái xa, vừa nêu được cái gần, phù hợp với đặc điểm nhận thức của học sinh để không mất nhiều thời gian mà vẫn giúp các em nhanh chóng hiểu được vấn đề. Muốn vậy người giáo viên phải thông hiểu lịch sử và có kho tàng ngôn ngữ giàu có với khả năng diễn đạt ngắn gọn, trong sáng và dễ hiểu, phù hợp với nhận thức của học sinh tiểu học.

“Điều này quả là không dễ nhưng nếu chịu khó trau rồi, rèn luyện với lòng yêu nghề, yêu học trò và yêu lịch sử dân tộc thì người giáo viên tiểu học hoàn toàn có thể làm được” - cô Lê Thị Hà cho hay.

Cô Hà tiếp tục minh chứng với bài “Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời”: Khi dạy đến bài này giáo viên cần phải nghiên cứu để dẫn dắt HS đi từ các vấn đề lịch sử: Giữa năm 1929 các tổ chức cộng sản là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn nối tiếp nhau xuất hiện. Nó đã tạo ra tiền đề trực tiếp cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tuy đều là các tổ chức cộng sản nhưng cả ba tổ chức đều hoạt động riêng rẽ, công kích lẫn nhau, tranh giành ảnh hưởng của nhau nên đã gây ra trở ngại lớn cho phong trào cách mạng.

Yêu cầu bức thiết của cách mạng Việt Nam là phải có một Đảng Cộng sản thống nhất trong cả nước để lãnh đạo cách mạng. Với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã đứng ra triệu tập và chủ trì hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản Việt Nam.

Hội nghị diễn ra từ ngày 3 đến 7-2-1930 tại Cửu Long, Hương Cảng, Trung Quốc. Với tài năng và uy tín cao của Người, Hội nghị đã nhất trí tán thành thống nhất các tổ chức cộng sản để thành lập một chính Đảng duy nhất của giai cấp công nhân Việt Nam.

Đảng lấy tên là Đảng cộng sản Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự kết hợp nhuần nhuyễn của ba nhân tố: Chủ nghĩa Mác - Lê nin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự chuẩn bị đầu tiên có tính chất quyết định đến bước phát triển mới và thắng lợi của cách mạng Việt Nam ở giai đoạn tiếp theo.

Từ sự khái quát tiến trình lịch sử để dẫn dẫn đến sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam.

Theo Hải Bình
Giáo dục & Thời đại