Bị tạm dừng tuyển sinh, nhiều trường đại học kêu oan

(Dân trí) - Lần đầu tiên Bộ GD-ĐT đã quyết định dừng tuyển sinh 207 ngành đào tạo của 71 trường đại học sau khi rà soát, kiểm tra không đủ điều kiện giảng viên cơ hữu. Nhiều trường đại học đã “choáng” với quyết định của Bộ và kêu oan.

Có trường dừng gần hết ngành đào tạo

Trong số các ngành bị dừng tuyển sinh có rất nhiều trường đại học công lập thuộc tốp “đầu”, có bề dày truyền thống đào tạo như ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Y dược TPHCM, ĐH Y Thái Bình, ĐH Kiến trúc Hà Nội, ĐH Kiến trúc TPHCM, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM, ĐH Mỹ thuật Công nghiệp, ĐH Mỹ thuật TPHCM…

Điển hình nhất là trường ĐH Hà Tĩnh, hiện trường có 16 ngành đào tạo nhưng bị dừng tới 14 ngành. Cụ thể, ngành Sư phạm (SP) Toán,SP Tin học, SP Hóa học,SPtiếng Anh, SPVật lý, Giáo dục (GD) Chính trị, GD Mầm non, GD Tiểu học, Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tài chính Ngân hàng, Công Nghệ thông tin, Khoa học môi trường, Ngôn ngữ Anh.

Tương tự, ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội bị dừng đào tạo 14 ngành đào tạo là: Biên kịch Sân khấu, Đạo diễn Điện ảnh - Truyền hình, Công nghệ kỹ thuật Điện, Điện tử, Biên kịch Điện ảnh - Truyền hình, Nhiếp ảnh, Công nghệ Điện ảnh - Truyền hình, Thiết kế mỹ thuật Sân khấu - Điện ảnh, Lý luận và Phê bình Điện ảnh - Truyền hình, Lý luận và Phê bình Sân khấu, Quay phim, Biên đạo Múa, Huấn luyện Múa, Lý luận, Phê bình Múa, Diễn viên Sân khấu kịch hát, Đạo diễn Sân khấu

Trường ĐH Hùng Vương Phú Thọ bị dừng tuyển sinh 10 ngành học là Hướng dẫn viên du lịch, Sư phạm Âm nhạc, Quản lý giáo dục, Sư phạm Mĩ thuật, Sư phạm Kỹ thuật, nông nghiệp, Sư phạm Tiếng Anh, Ngôn Ngữ Anh, Ngôn Ngữ Trung Quốc, Việt Nam học, Giáo dục Mầm non. Trường ĐH Hải Phòng dừng Sư phạm Âm nhạc, Nuôi trồng thủy sản Ngôn ngữ Trung Quốc, Sư phạm Vật lý, Giáo dục Mầm non, Công nghệ chế tạo máy, Chăn nuôi…

Tạm ngừng tuyển sinh nhiều ngành học, trường hoang mang, thí sinh lo lắng

Tạm ngừng tuyển sinh nhiều ngành học, trường hoang mang, thí sinh lo lắng.

"Bộ quá vội vàng!"

GS.TS Nguyễn Văn Đính - hiệu trưởng Trường ĐH Hà Tĩnh cho hay, rất bất ngờ trước thông tin này. Nếu thực hiện theo quyết định này thì trường chỉ còn 2 mã ngành đào tạo.

“Trước khi công bố, lẽ ra Bộ phải kiểm tra đội ngũ giảng viên, điều kiện vật chất. Số liệu gần đây nhất mà chúng tôi báo cáo với Bộ là năm 2013, tức là số liệu tính đến năm 2012, và bây giờ các con số đã khác nhiều. Nhưng ngay từ thời điểm đó, không tính đến giảng viên kiêm giảng, giảng viên hợp đồng… chúng tôi đã có 10 tiến sĩ là giảng viên cơ hữu. Bộ cho mở ngành chúng tôi mới dám tuyển sinh, đào tạo. Mà cho mở ngành tức là Bộ đã thẩm định, chứ chúng tôi tự mở ngành, tự cấp bằng làm sao được. Tôi khẳng định, các ngành đào tạo của ĐH Hà Tĩnh đủ điều kiện về đội ngũ và cơ sở vật chất. Trong vài ngày tới, trường sẽ ra báo cáo lại số liệu với Bộ” - GS Đính bức xúc nói.

Ông Bùi Thiện Dụ - hiệu trưởng Trường ĐH Phương Đông cho rằng: "Quyết định của Bộ GD-ĐT tạm dừng tuyển sinh 7 ngành của trường quá vội vàng. Bộ dựa báo cáo tổng hợp chung của trường chứ không phải báo cáo từng ngành nên tạm dừng tuyển sinh nhiều ngành là không chính xác".

Giải thích về những ngành bị bộ tạm dừng tuyển sinh, ông Dụ cho hay, ngành tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Pháp gần 10 năm nay trường không tuyển sinh, không đào tạo. Riêng ngành tiếng Nhật, trường có bề dày đào tạo rất tốt, trường thường xuyên có 2 giảng viên người Nhật Bản tham gia giảng dạy. Hơn nữa, bộ nên đi kiểm tra, riêng tiến sĩ ngành tiếng Nhật hiện nay rất ít, thậm chí rất hiếm. Đối với ngành Kế toán và Tài chính - Ngân hàng, trường đào tạo rất tốt và là những ngành luôn có đông sinh viên nhất của trường nên không thể thiếu giảng viên cơ hữu theo quy định của Bộ.

“Trường sẽ có báo cáo lại Bộ GD-ĐT về vấn đề này” - ông Dụ khẳng định.

Trường ĐH Hà Nội bị dừng ngành Ngôn ngữ Bồ Đào Nha, Ngôn ngữ Italia, Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam, Kế toán. Ông Nguyễn Đình Luận - hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Bộ quyết định vội vàng quá, con số báo cáo của đầu năm trước. Đây là những ngành đào tạo đã hơn 10 năm tại trường, sinh viên đào tạo ra đã được xã hội công nhận”.

Ông Luận dẫn chứng: Ngành tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam, Kế toán chúng tôi có giảng viên cơ hữu hiện đang tu nghiệp tiến sĩ ở nước ngoài. Bên cạnh đó, các chuyên gia, nhà ngôn ngữ Việt Nam thường xuyên tới giảng dạy. Với ngành tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam nhà trường đào tạo thu hút người nước ngoài đến học rất đông, mang văn hóa Việt Nam quảng bá ra nước ngoài. Đó là niềm tự hào của Việt Nam nên cần phải trân trọng.

Còn đối với ngành Ngôn ngữ Bồ Đào Nha, Ngôn ngữ Italia, ông Luận cho hay, hiện nay cả nước chỉ có trường ĐH Hà Nội đào tạo. Với 2 chuyên ngành này, tiến sĩ hầu như không có vì phía bên nước bạn chỉ đào tạo đến thạc sĩ, không đào tạo tiến sĩ. Hơn nữa, đây là ngành đào tạo đặc thù theo quan hệ ngoại giao. 10 năm qua, khi trường đào tạo ngành này đều được nước bạn tài trợ hoạt động và cấp học bổng.

“Khi Bộ có quyết định tạm dừng tuyển sinh ngành học thì cần phải nghĩ đến quyền lợi người học và nghĩ đến sản phẩm đào tạo của ngành đó đối với xã hội. Trường sẽ báo cáo gửi bộ về vấn đề này” - ông Luận cho biết.

Ông Trần Thanh Hiệp - hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội cho rằng: “Tôi hoan nghênh việc Bộ GD-ĐT đưa mọi việc vào quy củ. Đây là việc làm đúng đắn đối với các trường khác. Nhưng đối với Trường Sân khấu Điện ảnh nói riêng mà áp dụng quy định một cách máy móc như vậy là dở. Qua việc này, tôi thấy rằng một số người làm quản lý không hiểu đặc thù của những ngành đào tạo nghệ thuật. Với trường đào tạo đặc thù như Sân khấu Điện ảnh, nếu chưa hiểu, trước khi ký quyết định, Bộ GD-ĐT nên tham khảo những người làm nghề, tìm hiểu qua Vụ Đào tạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tôi có thể nói luôn là ở trường này 30 năm qua không có, và 3 năm nữa chắc chắn cũng không có tiến sĩ đạo diễn điện ảnh. Trường sẽ trao đổi lại với Vụ Đào tạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để có ý kiến với Bộ GD-ĐT”.

Đã cảnh báo trước!

Sau quyết định dừng tuyển sinh 207 ngành đào tạo đại học này, Bộ GD-ĐT cũng đã ra cảnh báo với hàng trăm ngành đào tạo của nhiều trường ĐH,CĐ khác không đủ điều kiện giảng viên cơ hữu.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Việc khảo sát, thống kê các cơ sở đào tạo trình độ đại học, Bộ GD-ĐT thực hiện quy định trong Thông tư số 08/2011/TT-BGDĐT. Thực hiện thông tư này, trong năm 2012, Bộ GD-ĐT đã dừng tuyển sinh nhiều ngành đào tạo của nhiều trường đại học, cao đẳng do không đủ điều kiện đảm bảo chất lượng. Quyết định tiến hành rà soát này Bộ GD-ĐT thực hiện từ tháng 3/2013 và ngày 25/1/2014, Bộ GD-ĐT ra quyết định. Như vậy các trường có gần ba năm chuẩn bị bổ sung đội ngũ đảm bảo các yêu cầu theo quy định về mở ngành”.

Theo Thứ trưởng Ga, lần này Bộ chỉ mới tạm dừng tuyển sinh các ngành thiếu điều kiện đảm bảo chất lượng.Trong vòng 2 năm tới, bất cứ khi nào trường bổ sung đủ đội ngũ giảng viên theo qui định thì sẽ được phép tuyển sinh trở lại. Quá thời hạn trên, quyết định cho phép mở ngành sẽ bị thu hồi. Vì vậy, ngay từ bây giờ, các trường cần xác định hoặc tuyển dụng đội ngũ bổ sung hoặc điều chuyển cán bộ sang các công tác khác. Đây thuộc quyền tự chủ quyết định của nhà trường.

Hồng Hạnh