Bạn đọc viết:

Biện pháp cứng nhắc cấm đoán chỉ khiến việc dạy thêm biến tướng!

(Dân trí) - Nếu nói "tuyên chiến" với "vấn nạn" dạy thêm thì quá cực đoan. Hệ thống giáo dục vẫn hòa vào sự vận động chung của cả xã hội, có cầu ắt có cung. Đưa ra những biện pháp cứng nhắc cấm đoán chỉ khiến việc dạy thêm biến tướng và người chịu thiệt thòi nhất vẫn là các em học sinh.

Ngay từ thời chúng tôi đi học, việc học thêm đã diễn ra một cách đương nhiên. Lý do học sinh đi học thêm vì muốn nâng cao kiến thức, tìm kiếm cơ hội đỗ vào lớp chọn, được học với các thầy cô giỏi. Các bạn có học lực trung bình thì đi học thêm để đủ sức vượt qua kì thi tốt nghiệp cấp 3.

Tôi còn nhớ cạnh nhà tôi có thầy giáo cấp 1 viết chữ đẹp có tiếng. Suốt mùa hè, căn nhà nhỏ của thầy đều chật ních học sinh theo luyện chữ, có cả những học sinh cấp 2 đi học luyện chữ vì chữ xấu quá. Ngày đó làm gì có quảng cáo rầm rộ, học sinh chỉ truyền tai nhau thầy cô này dạy hay và rủ nhau theo học.

Khi chúng tôi học cấp 3, học sinh thường rồng rắn nhau đi học thêm suốt cả tuần vì phấn đấu thi đại học, cao đẳng. Có khi cùng 1 bộ môn, nhưng lớp của thầy A thì học sinh ngồi chật lớp, lớp của cô B thì chỉ lèo tèo 20 bạn. Chúng tôi tự chọn thầy mà mình thích, cảm thấy thầy giảng hay thì mới theo học.

Tôi kể lại chuyện cũ để thấy rằng, việc học thêm đã tồn tại từ rất nhiều năm và sẽ còn tiếp diễn như một dòng chảy đương nhiên của ngành giáo dục. Bạn muốn mở mang kiến thức về ngoại ngữ, về toán - văn..., về năng khiếu đàn - hát - vẽ, muốn tìm hiểu chuyên sâu về một môn học nào đó, chắc chắn bạn phải đi học thêm. Chương trình dạy ở trường lớp chỉ phổ cập với học lực dàn đều cho học sinh từ mức trung bình, nếu bạn muốn giỏi hơn nữa, bạn phải đầu tư công sức đi học thêm thầy cô giỏi. Điều này có lẽ không phải bàn luận gì quá nhiều, vì sự thật hiển nhiên là như thế.

Trong một vài bài viết của tôi, tôi có thừa nhận là tôi không cho con đi học thêm khi con đang học cấp 1, vì tôi hoàn toàn có thể kèm cặp con mình. Nhưng đâu phải phụ huynh nào cũng đủ thời gian, đủ kiên trì, đủ mềm mỏng để dạy con. Có những phụ huynh khi kèm con vào lớp 1 đã nổi đóa lên vì con chậm hiểu, bố mẹ khi cáu giận thì trút lên con vô số lời mắng mỏ khiến con co rúm người vì sợ sệt. Ngay cả chồng tôi, có lần cũng đã không kìm chế được cơn giận khi cô giáo chê con mình chậm, viết xấu, chồng tôi đã lôi con vào bàn dạy học ngay sau bữa cơm trưa. Liệu con có tiếp thu nổi không, khi bố mẹ đùng đùng tức giận?

Em hàng xóm có con gái vào lớp 1, buổi tối nào mẹ cũng xoang xoảng quát con, con thì khóc ầm lên vì viết chữ sai li, cộng trừ sai bét. Chính tôi đã khuyên em là nếu em quá sốt ruột cho con vì con chậm chạp, lo con học dốt nhất lớp thì em nên cho con học thêm tại nhà cô chủ nhiệm vì dù sao cô có phương pháp sư phạm, biết uốn nắn học trò.

Việc dạy thêm - học thêm chỉ xấu khi phụ huynh đầy ải con em quá mức vì thành tích khiến con không còn thời gian nghỉ ngơi. Tôi cũng từng thừa nhận là tôi chỉ kèm được con đến hết cấp 1 thôi, vì tôi còn nhiều việc phải làm, không thể có thời gian ngồi nghiên cứu bài vở học cùng con, lúc con lớn bố mẹ chỉ động viên tinh thần con thôi. Cũng có trường hợp những em học sinh không đi học thêm nhưng vẫn học rất giỏi, thi đỗ thủ khoa- á khoa đầu vào đại học. Những em học sinh thông minh và chăm chỉ ấy thì rất hiếm, còn lại đa phần học sinh vẫn mải miết đi học thêm để nâng cao kiến thức, tìm kiếm cơ hội đỗ đạt vào các trường đại học.

Vậy thì việc cấm dạy thêm liệu có khả thi? Tôi tin là những trường hợp học sinh không đi học thêm bị thầy cô trù dập chỉ là số nhỏ. Nếu em học sinh đó có năng lực học tốt thì không thầy cô nào có thể "dọa" được các em. Học sinh thời @ rất sắc sảo và quyết liệt, tôi từng biết có trường hợp cả lớp đồng lòng viết đơn xin nhà trường đổi giáo viên, vì các em cho rằng thầy dạy không phù hợp. Những em học sinh có chí tiến thủ sẽ bằng mọi cách tìm hiểu và theo học những thầy giỏi. Chuyện có một số thầy cô ép học sinh đi học thêm là có nhưng nếu phụ huynh chịu khó tìm hiểu, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của con thì chẳng có ai ép được các em. Nhất là bây giờ, nhiều gia đình nhìn nhận thấu đáo lực học của con, con học làng nhàng là sẵn sàng cho các em đi học trường nghề làm công nhân chứ không bắt con học thêm đủ kiểu để thi đỗ đại học.

Dạy thêm - học thêm là sự đáp ứng nhu cầu chính đáng của một bộ phận không nhỏ học sinh trong nhà trường. Tôi có người bạn làm giáo viên toán giỏi giang, bạn tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, giảng dạy chính trong trường THCS nhưng bạn mở lớp dạy thêm cho học sinh THPT, bạn chia lớp học thêm theo học lực của từng tốp học sinh, có lớp luyện học sinh học lực khá giỏi, có lớp bồi dưỡng học sinh kém. Bạn luôn tâm huyết, gần gũi động viên học trò nên học sinh theo học rất đông. Việc dạy thêm thường xuyên tạo cho bạn nguồn thu nhập tốt, giúp bạn nâng cao trình độ sư phạm thu hút học sinh, thầy giỏi thì có trò hay là vì thế.

Nếu nói "tuyên chiến" với "vấn nạn" dạy thêm - học thêm thì quá cực đoan. Hệ thống giáo dục vẫn hòa vào sự vận động chung của cả xã hội, có cầu ắt có cung. Đưa ra những biện pháp cứng nhắc cấm đoán chỉ khiến việc dạy thêm - học thêm biến tướng và người chịu thiệt thòi nhất vẫn là các em học sinh.

Hiện nay có rất nhiều trung tâm giáo dục mọc lên ở trung tâm thành phố, phụ huynh và học sinh thoải mái lựa chọn cho con em mình theo học. Ở các vùng quê, việc học thêm vẫn diễn ra như thời chúng tôi còn đi học cách đây 20 năm, các em vẫn tự tìm thầy cô có uy tín để theo học. Chuyện thời sự cấm dạy thêm - học thêm có lẽ chỉ sôi sục ở các thành phố lớn vì sự đòi hỏi quá cao từ các cấp lãnh đạo cũng như từ phía phụ huynh các em.

Thanh Mai

(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

Dòng sự kiện: Dạy thêm, học thêm