Biết cho con ăn gì mới an toàn?

(Dân trí) - Đọc thông tin về việc công an và thanh tra phát hiện hàng trăm kg rau củ quả không rõ nguồn gốc đang vận chuyển vào 7 trường học ở quận Tây Hồ (Hà Nội), nhiều phụ huynh sôi sục cả lên. Hóa ra là bấy lâu nay phụ huynh trả tiền để con em có bữa ăn sạch thì lại được cung cấp thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Người ta sôi sục vì bị lừa, đúng quá rồi. Nếu sự việc không bị phanh phui thì không biết còn bị lừa đến bao giờ.

Một phụ huynh nói: “Sau khi biết sự việc, chúng tôi rất bức xúc. Mỗi bữa ăn đóng 30.000 đồng mà ai ngờ trường lại cho con chúng tôi ăn thực phẩm không rõ nguồn gốc”.

Xét về nguồn gốc những thực phẩm này, đây là thực phẩm không đúng với cam kết trong hợp đồng của công ty Trung Thành với các trường. Các loại rau, củ quả, thực phẩm này được công ty Trung Thành thu gom từ chợ đầu mối Vân Nội (Đông Anh, Hà Nội) sau đó “hô biến” thành thực phẩm sạch để cung ứng cho các nhà trường.

Sau vụ việc này, trao đổi với báo chí, ông Lê Hồng Vũ, Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo quận Tây Hồ cho biết: “Hiện tại, Phòng đã yêu cầu các trường ngừng nhập rau từ công ty rau quả Trung Thành. Nhưng vì chưa tìm được đối tác cung cấp rau đảm bảo chất lượng nên đang tạm thời lấy rau, thực phẩm từ siêu thị để phục vụ bữa ăn cho các cháu".

Đấy là một động thái kịp thời của Phòng GD-ĐT quận Tây Hồ nhưng trên thực tế thì chất lượng rau/thực phẩm siêu thị cũng chưa biết thế nào. Dù sợ phải ăn rau/thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhưng người tiêu dùng không biết mua rau/thực phẩm sạch ở đâu.

Nói như lời ông Nguyễn Thanh Long, Phó Phòng GD-ĐT quận Tây Hồ thì cái khó đối với Phòng Giáo dục và nhà trường là thực phẩm sạch được quản lý không có bất cứ tem mác nào nên khi bị trộn lẫn với rau ngoài chợ thì rất khó phát hiện bằng mắt thường. Việc quản lý chất lượng thực phẩm một mình ngành Giáo dục không thể làm được mà cần có sự phối hợp của các cơ quan chức năng và Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm. Hiện nay, các trường đang chỉ làm theo quy định của nhà nước là ký kết với các công ty được cấp phép chứ không hề có hệ thống giám sát và kiểm tra một cách cụ thể hàng ngày, hàng tuần.

Để đảm bảo bữa ăn sạch cho con em, một số phụ huynh đón con về nhà ăn trưa, hoặc đem cơm đến trường cho con. Nhưng chắc gì rau/thực phẩm mà các bậc phụ huynh mua về đã đảm bảo. Cũng đã có nhiều gia đình mua rau/thực phẩm ở chợ về ăn đã bị đau bụng, hoặc thậm chí ngộ độc phải đi cấp cứu đấy thôi.

Câu hỏi ở đây là: Làm thế nào để người dân có thể ăn rau/thực phẩm sạch? Liệu việc người dân có thể ăn rau/thực phẩm sạch có là điều quá khó khăn?

Để có thực phẩm sạch cho con trẻ nói riêng và mọi người nói chung, cần lắm sự chung tay vào cuộc của nhiều bên để thực phẩm chất lượng có thể đến tay người tiêu dùng.

Trước khi có thể yên tâm mua thực phẩm sạch rộng rãi ngoài thị trường, người tiêu dùng phải tự nhận biết đâu là sản phẩm đảm bảo để mua về sử dụng. Hơn ai hết, các nhà trường, các bậc cha mẹ cần là người tiêu dùng thông minh để chọn mua thực phẩm an toàn. Hiện nay đã có một số công ty cung cấp thực phẩm đảm bảo chất lượng, một bộ phận người tiêu dùng đã được tiếp cận với thực phẩm sạch để chế biến trong bữa ăn hàng ngày. Và để có được "lựa chọn thông minh" ấy của mình, người tiêu dùng phải tự kiểm chứng qua chất lượng thực phẩm mua về thì mới có thể tin rằng thực phẩm này đảm bảo.

Theo số liệu năm học 2014-2015, trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 1.400 trường có bếp ăn bán trú. Trong đó, số trường tự tổ chức nấu ăn là 1.077 trường, có 317 trường phải thuê các đơn vị khác cung cấp suất ăn.

Như vậy, vẫn có cách để đảm bảo bữa ăn của học sinh tại trường, đó là trường tự tổ chức nấu ăn thì có thể chủ động về nguồn nguyên liệu. Còn nguyên liệu như thế nào là an toàn thì nhà trường và phụ huynh phải chung tay chọn lựa và giám sát.

Nguyên Chi