Bỏ chấm chéo ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012

(Dân trí) - Bộ GD-ĐT vừa chính thức ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2012. Theo đó, trong kì thi này sẽ không bắt buộc hình thức thi cụm và chính thức xóa chấm chéo liên tỉnh. Giám đốc các Sở GD-ĐT địa phương chịu trách nhiệm từ khâu tổ chức thi đến chấm thi.

Cụ thể, giám đốc Sở GD-ĐT ra quyết định thành lập các Hội đồng coi thi để thực hiện toàn bộ công việc chuẩn bị và tổ chức coi thi tại đơn vị. Thí sinh của mỗi Hội đồng coi thi gồm học sinh của một hoặc nhiều trường phổ thông.

Bỏ chấm chéo ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2012. (Ảnh: Lê Phương)

Giám đốc Sở GD-ĐT cũng là người ra quyết định thành lập Hội đồng chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Hội đồng chấm thi có một tổ chấm thi trắc nghiệm và bộ phận giám sát gồm 1 cán bộ thanh tra và 1 cán bộ công an (PA83).

Tổ chấm thi trắc nghiệm thực hiện việc chấm trên máy các bài thi trắc nghiệm theo văn bản hướng dẫn chấm thi trắc nghiệm của Bộ GD-ĐT dưới sự giám sát trực tiếp, liên tục của bộ phận giám sát.

Bộ phận giám sát có nhiệm vụ giám sát việc thực hiện quy trình chấm thi trắc nghiệm của các thành viên tổ chấm thi; không trực tiếp tiếp xúc với bài thi. Hội đồng chấm thi có một bộ phận làm phách bài thi tự luận, độc lập với các tổ chấm thi.

Về công tác tra kì thi tốt nghiệp THPT năm nay quy chế nêu rõ: Bộ trưởng GD-ĐT quyết định thành lập các đoàn thanh tra thi tốt nghiệp của Bộ đến làm nhiệm vụ giám sát, đôn đốc việc thực hiện Quy chế trong tất cả các khâu của kỳ thi tại các địa phương, đơn vị tổ chức thi.

Giám đốc các Sở GD-ĐT ra quyết định thành lập đoàn thanh tra thi tại địa phương để giám sát, đôn đốc việc thực hiện Quy chế trong tất cả các khâu của kỳ thi. Trong trường hợp cần thiết, giám đốc Sở GD-ĐT đề nghị Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh để huy động cán bộ, giảng viên của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp thuộc phạm vi quản lý của tỉnh tham gia công tác thanh tra kỳ thi tại địa phương.

Về công tác đề thi tốt nghiệp THPT năm 2012, Bộ GD-ĐT cho biết: Nội dung thi nằm trong chương trình trung học phổ thông, chủ yếu là chương trình lớp 12. Kiểm tra kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức, sự hiểu biết về thực hành của người học. Đề thi sẽ đảm bảo tính chính xác, khoa học, tính sư phạm; Phân loại được trình độ của người học; Phù hợp với thời gian quy định cho từng môn thi.

Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các địa phương bố trí mỗi phòng thi có 24 thí sinh. Trong một phòng thi phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 2 thí sinh ngồi cạnh nhau theo hàng ngang là 1,2 m.

Nguyễn Hùng