Bỏ chấm điểm học sinh tiểu học: Giáo viên hoảng vì sổ sách nặng nề

(Dân trí) - Việc thực hiện đánh giá học sinh tiểu học bằng nhận xét, bỏ chấm điểm sản sinh ra dạng hồ sơ, sổ sách hết sức nặng nề làm cho giáo viên phát hoảng.<br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/cham-diem-bang-nhan-xet-ban-khoan-945697.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; “Chấm điểm” bằng nhận xét: Băn khoăn</b></a>

Sổ sách nặng nề khi sổ theo dõi thay sổ điểm

Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT về việc đánh giá học sinh (HS) tiểu học thường xuyên bằng nhận xét thay cho cách cho điểm chính thức thực hiện từ ngày 15/10. Đi kèm đánh giá này, giáo viên (GV) tiểu học đang tiếp nhận khối lượng hồ sơ sổ sách hết sức nặng nề.

Hàng tháng, GV phải vào sổ theo dõi nhận xét từng HS ngoài nhận xét hàng ngày, hàng tuần
Hàng tháng, GV phải vào sổ theo dõi nhận xét từng HS ngoài nhận xét hàng ngày, hàng tuần (Ảnh chụp từ sổ theo dõi chất lượng giáo dục).

Sổ sách theo sát chủ trương đánh giá bằng nhận xét là sổ theo dõi chất lượng giáo dục (thay cho sổ điểm trước đây) gồm một loại dành cho GV chủ nhiệm và một loại của GV bộ môn.

Sổ theo dõi này gồm 76 trang, sử dụng cho 35 HS, mỗi em sẽ đứng hai trang giấy (6 trang còn lại là hướng dẫn và tổng kết). Trong khi hầu hết hiện nay, ở các phố lớn, sĩ số dưới 45 - 50 xem như… hiếm. Như vậy, mỗi lớp GV cần đến cuốn sổ theo dõi.

Trước hết GV phải ghi danh sách toàn bộ HS trong lớp. Sau đó, việc ghi tên này lặp lại trong phần trang của các em và mỗi tháng GV sẽ phải ghi vào sổ lời nhận xét về từng HS.

Hàng tháng, GV phải vào sổ theo dõi nhận xét từng HS ngoài nhận xét hàng ngày, hàng tuần
Giáo viên nhận xét học sinh ở các nội dung: về môn học, các hoạt động giáo dục, về năng lực, phẩm chất

Mỗi ô nhận xét của một HS gồm 5 hàng, dành để GV nhận xét từng em ở các nội dung về môn học - hoạt động giáo dục (kiến thức và kỹ năng) và về năng lực - phẩm chất.

Đây chỉ mới là việc hàng tháng lưu vào sổ sách để theo dõi, còn việc đánh giá thường xuyên cho HS còn phải diễn ra hàng ngày, hàng tuần.

Với GV chủ nhiệm, họ phải thực hiện thực hiện đánh giá, nhận xét vào học bạ cho từng HS vào cuối kỳ, cuối năm và còn có thể còn phải nhận xét ở cả ở sổ liên lạc.

Một giáo viên nhận xét cả ngàn học sinh

Khủng khiếp như vậy nhưng nhiều GV chủ nhiệm tiết lộ, sổ sách họ gánh chưa thấm vào đâu so với GV bộ môn theo đánh giá của Thông tư 30.

Cũng giống sổ theo dõi của GV chủ nhiệm, sổ theo dõi của GV bộ môn cũng yêu cầu GV phải ghi danh sách HS, lại tiếp tục ghi tên các em vào phần đánh giá và nhận xét hàng tháng từng HS về môn học, về kỹ năng, phẩm chất.

Một giáo viên bộ môn có thể phải vào sổ theo dõi nhận xét hàng ngàn học sinh mỗi tháng
Một giáo viên bộ môn có thể phải vào sổ theo dõi nhận xét hàng ngàn học sinh mỗi tháng.

Hiện nay, ở tiểu học, một số bộ môn như Mỹ thuật, Hát, Thể dục… bình quân ở các trường chỉ 1 tiết/tuần. Với thời lượng này, để đảm bảo định mức đứng lớp 23 tiết/tuần, ít nhất GV bộ môn phải dạy học ở 23 lớp, chưa kể ở một số trường GV còn phải tăng tiết.

Mỗi lớp 2 cuốn sổ theo dõi, phụ trách 23 lớp để đảm bảo định mức, GV đã phải “ôm” tới 46 cuốn sổ theo dõi. Tính sĩ số lớp trung bình chỉ 45 HS thôi thì với 23 lớp đã trên 1.000 HS “chờ” thầy nhận xét.

Chỉ riêng việc hoàn thành cuốn sổ theo dõi tháng, bình quân mỗi ngày GV đã phải thực hiện 35 - 40 lời nhận xét, kể cả thứ 7, chủ nhật. Xin nhớ là bên cạnh đó, GV vẫn phải đảm bảo nhận xét HS hàng tuần theo giờ lên lớp.

Khi có chủ trương đánh giá bằng nhận xét, GV đã phần nào hình dung sẽ vất vả hơn. Nhưng khi có sổ sách chính thức của Bộ GD-ĐT thực hiện đánh giá này, nhiều GV mới “té ngửa” đến mức nhiều GV phải thốt lên rằng… tư duy sổ sách hành chính của mình còn quá nông cạn.

“GV bộ môn chỉ tiếp xúc với HS một tiết/tuần, mỗi tiết 35 - 40 phút, dạy hàng ngàn HS, mặt các em có khi còn không nhớ hết, nói gì đến việc nhận xét cụ thể từng em.

Trong sổ theo dõi yêu cầu GV bộ môn cũng yêu cầu ghi danh sách, địa chỉ liên lạc của HS với việc phụ trách hàng ngàn HS đã là "đánh đố". Theo tôi, không cần cột ghi địa chỉ liên lạc của HS vì đã có ở sổ chủ nhiệm, học bạ và ở hồ sơ lưu ở trường”, cô P.M.T, GV môn Mỹ thuật ở TPHCM bức xúc và nói thêm ngày 24 tiếng chỉ để nhận xét, vào sổ một cách đối phó cũng khó hoàn thành chứ chưa nói đến chất lượng đánh giá.

Một số GV ở TPHCM cho biết, trong buổi tập huấn về thực hiện đánh giá bằng nhận xét của Phòng GD-ĐT tổ chức, họ cũng nêu lên thắc mắc làm sao có thể vừa nhận xét ở lớp, vừa hoàn thành cuốn sổ theo dõi, nhận xét cho hàng ngàn HS mỗi tháng nhưng câu trả lời rất chung chung.

Tinh thần của Thông tư 30 là nhằm giảm áp lực đánh giá bằng điểm số cho HS, đồng thời yêu cầu các bộ quản lý, GV cần phải nâng cao năng lực để tiếp cận xu thế đánh giá hiện đại. Nhưng trước mắt, đòi hỏi GV phải đáp ứng lại nặng về năng lực sổ sách hơn là năng lực chuyên môn.

Đảm bảo 100% HS được nhận xét thường xuyên

Theo hướng dẫn đánh giá bằng nhận xét của Sở GD-ĐT TPHCM, GV đánh giá HS các nội dung: quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của HS theo chuẩn kiến thức, kỹ năng từng môn học và hoạt động giáo dục khác nhau theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học; đánh giá sự hình thành và phát triển một số năng lực của HS; sự hình thành và phát triển một số phẩm chất của HS.

Trong đánh giá hàng ngày, ngoài việc đánh giá dựa trên chuẩn kiến thức môn học, hoạt động giáo dục, GV có biện pháp cụ thể để kịp thời giúp đỡ HS khắc phục những thiếu sót. Việc nhận xét có thể bằng lời hoặc nhận xét vào phiếu, vở học sinh.

Nhận xét hàng tuần, GV chú ý đến những HS có nhiệm vụ chưa hoàn thành để giúp HS. Hàng tháng, GV ghi nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục về mức độ hoàn thành nội dung học tập từng môn học, các hoạt động giáo dục.

Thời gian đầu, mỗi tiết học nhận xét khoảng 5 HS, sau đó ngày càng nhận xét nhiều hơn, chi tiết hơn với nguyên tắc 100% HS được đánh giá nhận xét thường xuyên.

Hoài Nam