“Bộ GD-ĐT không gây khó khăn cho các trường”

(Dân trí) - Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, có quy định về việc kiểm tra dữ liệu kết quả thi, trước khi các trường công bố. Mục đích của việc làm này là gì và liệu có gây khó khăn cho các trường?

Để làm sáng tỏ vấn đề này, Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Kim Khôi, Phó vụ trường Vụ giáo dục ĐH.

Thưa ông, tại sao kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, có quy định về việc kiểm tra dữ liệu kết quả thi, trước khi các trường công bố?

Trong các kỳ tuyển sinh những năm trước, sau khi các trường công bố điểm thi trên các phương tiện thông tin đại chúng, thí sinh và các bậc phụ huynh đã phát hiện và khiếu nại về kết quả thi do có sai sót, phải điều chỉnh và đính chính; cụ thể là: Điểm thi không chính xác do xô phách; thứ tự điểm thi các môn không đúng theo lịch thi đã công bố; việc quy tròn tổng điểm thi và cấu trúc không đúng quy định; không làm rõ thí sinh bị điểm 0 bài thi với thí sinh bỏ thi, bị đình chỉ thi…
 
“Bộ GD-ĐT không gây khó khăn cho các trường” - 1

Ông Ngô Kim Khôi, Vụ phó Vụ giáo dục ĐH

Vì vậy, để tránh những sai sót đáng tiếc có thể xảy ra, tại Hội nghị tập huấn máy tính tuyển sinh được tổ chức vào ngày 3-5/3/2009, chúng tôi đã xin ý kiến các cán bộ làm công tác tuyển sinh và máy tính của tất cả các sở Giáo dục và Đào tạo và các ĐH, HV, các trường ĐH, CĐ về việc phối hợp, tăng cường trách nhiệm trong việc kiểm tra dữ liệu kết quả thi trước khi công bố.

Được sự đồng thuận của tất cả các đại biểu dự tập huấn, tiếp thu ý kiến đóng góp, sau Hội nghị, chúng tôi đã hoàn thiện phần mềm máy tính tuyển sinh TS09 và tài liệu hướng dẫn sử dụng phần mềm TS09 kèm theo.

Việc phối hợp kiểm tra này nhằm mục đích gì, thưa ông?

Có 3 mục đích cơ bản: Thứ nhất, điểm thi của thí sinh khi đã công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng phải chính xác, tin cậy, đúng cấu trúc, đúng quy định, tránh sai sót, nhầm lẫn.

Thứ 2, nhắc nhở và “cảnh báo sớm” các cán bộ làm công tác tuyển sinh và máy tính các trường cẩn trọng hơn trong quá trình nhập điểm, kiểm dò và công bố.

Thứ 3, đảm bảo thời hạn gửi dữ liệu kết quả thi về Thường trực ban chỉ đạo tuyển sinh của Bộ theo đúng quy định tại Điều 22 của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy hiện hành, để tập hợp dữ liệu toàn quốc và xử lý, thống kê, xây dựng phương án điểm sàn xét tuyển.

Quy trình kiểm tra này được thực hiện như thế nào?

Sau khi các trường tập hợp xong dữ liệu kết quả thi, đã kiểm dò, gửi về Thường trực Ban chỉ đạo tuyển sinh; Cán bộ chuyên trách về CNTT của Thường trực Ban chỉ đạo căn cứ các quy định của Quy chế và lịch công tác tuyển sinh, phối hợp cùng với cán bộ làm công tác tuyển sinh và máy tính của trường đối chiếu, kiểm tra.

Nếu phát hiện có nhầm lẫn, sai sót, đề nghị các trường kiểm tra lại và chỉnh sửa ngay. Ngược lại, nếu dữ liệu kết quả thi đã đảm bảo đúng cấu trúc, đúng quy định (về làm tròn, cấu trúc điểm, thứ tự điểm môn thi…) thì các trường tự giải mã và công bố kết quả thi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Quy định phối hợp kiểm tra có gây khó khăn gì cho các trường không?

Như tôi đã nói ở trên, việc phối hợp kiểm tra nhằm 3 mục tiêu, quan trọng nhất là “Điểm thi của thí sinh khi đã công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng phải chính xác, tin cậy, đúng cấu trúc, đúng quy định, tránh sai sót, nhầm lẫn”, vì vậy, việc phối hợp kiểm tra chỉ có lợi cho các trường và thí sinh.

Đến nay, chúng tôi đã phát hiện 1 số sai sót trong dữ liệu điểm và đã đề nghị các trường này chỉnh sửa trước khi công bố.

Thưa ông, vậy thời gian phối hợp kiểm tra thường kéo dài bao lâu?

Chúng cam kết về thời gian kiểm tra tối đa là 30 phút, trên thực tế, chúng tôi đã thực hiện đúng như vậy, do đó, việc triển khai là thuận lợi.

Đến thời điểm này, chưa có phản ánh nào của phụ huynh và thí sinh về sai sót điểm thi các trường đã thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Xin cảm ơn ông!
 
Nguyễn Hùng (thực hiện)