Bộ GD-ĐT “thanh minh” về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2010

(Dân trí) - “Kết quả thi tốt nghiệp THPT phản ảnh thực tế là chất lượng học sinh đã được nâng lên, chứ không phải là đề thi dễ hơn các năm trước” - Thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nhất mạnh trong báo cáo kết quả thi THPT 2010 gửi Thủ tướng Chính phủ.

Thứ trưởng Luận giải thích: Từ 1-2 tháng trước khi thi cho đến kết thúc coi thi, các phương tiện thông tin đại chúng đã liên tục có nhiều tin bài phản ánh về việc tổ chức ôn tập và coi thi nghiêm túc ở hầu hết các địa phương, và nhận định việc Bộ GD-ĐT ban hành và hướng dẫn thực hiện Chuẩn kiến thức kỹ năng chương trình THPT đã tạo điều kiện thuận lợi cho thày và trò, đồng thời thúc đẩy việc dạy và học trong các nhà trường theo hướng tích cực. Vì thế kết quả thi năm 2010 cao hơn năm trước là hệ quả tất yếu của các động thái tích cực mà báo chí đã kịp thời biểu dương đó.

Thực tế kết quả tốt nghiệp THPT năm 2010 cho thấy: Bên cạnh các tỉnh, thành phố có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp tăng so với năm 2009, vẫn còn một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp không tăng hoặc giảm so với năm 2009 (như: TPHCM, Lâm Đồng, Tiền Giang, Trà Vinh, Bình Thuận, Bến Tre, Điện Biên). Đồng thời, tỷ lệ tốt nghiệp khá giỏi của giáo dục THPT năm 2010 không những không tăng mà còn giảm so với 3 năm trước; Tỷ lệ điểm trên trung bình của các môn thi ở GDTX đạt thấp (44,23%). Có đến 30/64 đơn vị tỷ lệ tốt nghiệp dưới 50% trong đó, có 21/64 đơn vị tỷ lệ tốt nghiệp từ 13% đến dưới 40%.

Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tăng tương đối đồng đều ở tất cả các địa phương, có sự tương thích giữa kết quả tốt nghiệp giáo dục THPT và GDTX trong từng địa phương cũng như trên phạm vi toàn quốc.

Cũng theo Thứ trưởng Luận thì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT tăng đều qua các năm nhưng tỷ lệ đỗ khá giỏi ở mức rất thấp và không tăng đều hằng năm (năm 2007 là 10,6%, năm 2008 là 11,1%, năm 2009 là 11,2% và năm 2010 chỉ là 10,02%). Điều đó cho thấy sự cố gắng những năm qua nhằm nâng cao kết quả học tập của học sinh mới chủ yếu đạt được nhờ nâng chất lượng đầu yếu, chưa nâng được chất lượng học sinh khá giỏi. Mặt khác, việc đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra, đánh giá chưa thật đồng bộ theo mục tiêu đã đặt ra cũng làm cho kết quả thi phần nào bị hạn chế.

Thứ trưởng Luận cũng cho biết: Cũng như các kỳ thi trước, ngay sau khi hoàn thành việc chấm phúc khảo bài thi và tổng hợp kết quả tốt nghiệp chính thức, Bộ sẽ tiếp tục tổ chức chấm thẩm định bài thi tại các địa phương để rút kinh nghiệm các khâu ra đề thi, coi thi, chấm thi.

Nguyễn Hùng