Quảng Nam:

Bỏ học hái đót mưu sinh

(Dân trí) - Lên huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam) mùa này, vào trường lớp, dễ nhận ra nhiều chỗ ngồi thưa vắng học trò. Thầy cô giáo cho biết các em bỏ học vào rừng hái đót mưu sinh

Bỏ học hái đót mưu sinh
Mùa này, nhiều học trò vùng cao Nam Trà My bỏ học đi hái đót.

Bất chấp hiểm nguy, lặn lội hái “lộc rừng”

Dọc tuyến đường liên xã từ thị trấn Tắc Pỏ lên các huyện Trà Don, Trà Nam, dễ nhận thấy đót khô phơi đầy đường. Chốc chốc, lại gặp từng tốp học trò tay vác rựa, tay vác đót, lâm sản mà người dân ở đây vẫn gọi là “lộc rừng” - thường trổ nhiều trên núi vào khoảng các tháng giêng, tháng hai âm lịch.

Men theo những sườn núi, chúng tôi nhiều phen đứng tim khi nhìn thấy những bóng dáng học trò nhỏ xíu thả bộ dọc dốc núi cao gần như dựng đứng. Bất chấp có thể trượt chân ngã bất cứ lúc nào, các em cứ liên tục nhoài người dùng rựa phạt đốn (cắt) đót.

Bỏ học hái đót mưu sinh
Những vóc dáng học trò nhỏ xíu len lỏi giữa núi rừng.

Bỏ học hái đót mưu sinh
Nhặt nhạnh từng cọng "lộc rừng".

Bỏ học hái đót mưu sinh
Bất chấp hiểm nguy khi có thể trượt cân ngã giữa sườn dốc núi dựng đứng.

Hồi hộp nhìn các em bám người trườn xuống dốc núi, đứng vững trên đất bằng, chúng tôi mới bắt chuyện với em Hồ Thị Hà, học sinh lớp 6 Trường THCS Trà Nam. Cô học trò miền núi áo quần, tay chân lấm láp, lớp 6 rồi mà vóc người vẫn nhỏ thó, nhoẻn cười trước ánh nhìn lo lắng của chúng tôi. Hà nói: “Không có nguy hiểm chi mô, bọn em quen rồi. Em bắt đầu đi hái đót với chị mấy năm ni rồi. Đi rừng quen rồi thấy dễ mà. Bị ngã là chuyện thường thôi”

Một ngày đi rừng của các em bắt đầu từ sáng sớm, khi cái lạnh miền núi cắt da cắt thịt, vậy mà các em cứ áo quần phong phanh, vác rựa lên núi. Vác đầy trên vai xuống núi đem về nhà cất rồi lại quay ra trèo lên những sườn núi vào rừng kiếm đót.

Hết mùa đót rồi mới đi học lại

Hà cũng Hồ Văn Bền, ở cùng xã, học lớp 8 từ ra Tết đến nay bỏ học đi hái đót. Bền nói: “Bán đót có tiền. Mỗi cân đót hái về đã phơi phô người ta mua được 3 - 4 nghìn đồng/cân (kg). Một ngày vô rừng hái đót kiếm được 2-3 cân, có bữa hái được nhiều hơn, kiếm được mấy mươi nghìn”.

Bỏ học hái đót mưu sinh
Một cân đót đã phơi khô bán được 3 - 4 nghìn đồng.

Bỏ học hái đót mưu sinh
Các em bỏ học mưu sinh phụ gia đình.

Khoản tiền đó, như các thầy cô giáo ở đây cho biết, là một khoản thu nhập không nhỏ đối với các gia đình bà con đồng bào dân tộc thiểu số đời sống còn nghèo túng ở đây. Nên nhiều khi thấy các em bỏ học đi hái đót, người nhà cũng không cản. Thậm chí, có nhà, bố mẹ còn bảo con nghỉ học hái đót mưu sinh phụ gia đình.

Có em đi học “giã gạo” (bữa đi học bữa ở nhà hái đót - PV), có em nghỉ học hẳn một mùa. Thầy Nguyễn Văn Năm, hiệu trưởng Trường THCS Trà Nam cho biết: “Ra Tết là thời điểm các thầy, cô giáo lại đến từng nhà học trò bỏ học để động viên các em ra lớp. Nhưng rồi các em may lắm thì học “giã gạo”, không thì bỏ hẳn bài vở, trường lớp. Hết mùa đót rồi, các em mới đi học lại.

Cuộc sống quá khó khăn khiến bà con nhiều khi chưa quan tâm đến chuyện học hành của con em. Với họ, kiếm đủ cái ăn qua ngày còn chật vật. làm người thầy, chúng tôi mừng nhất là các em chịu trở lại trường. Các em không bỏ học hẳn là vui lắm rồi. Có em trở lại trường còn khoe được ba mẹ cho tiền bán đót mua gạo, đồ ăn gùi lên trường học bán trú”

Một chia sẻ của đồng nghiệp công tác tại miền núi cũng khiến chúng tôi thêm chạnh lòng khi nhớ đến những vóc dáng học trò lặn lội hái đót mưu sinh giữa núi rừng: “Đót được thương lái gom về xuôi bán rất có giá. Nhưng lại thu mua của người dân ở đây với giá rẻ. Nhất là cánh học trò, các em còn nhỏ, thật thà, ngây ngô, dễ bị thương lái mua đót với giá rẻ hơn bình thường. Học trò ở đây tội lắm…".
 

Theo thống kê sơ kết học kỳ I năm học 2011 - 2012 của Phòng GD-ĐT huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết: sau Tết Nguyên đán, có 800 học sinh bỏ học, chiếm 10% tổng số học sinh toàn huyện. Đặc biệt, ở các xã vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ này lên đến 50 - 60%. Học trò bỏ học vì mải mưu sinh vào mùa đót là một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này.

Khánh Hiền