Góp ý xây dựng phương án điểm sàn mới:

Bộ nên đẩy “quả bóng” đầu vào cho các trường

(Dân trí) - Nhiều ý kiến chuyên gia giáo dục cho rằng, đã tự chủ tuyển sinh thì Bộ GD-ĐT đẩy “quả bóng” đầu vào cho các trường để các trường tự xác định điểm sàn và chịu trách nhiệm trước xã hội.

Bộ GD-ĐT đã quyết định bỏ cách xác định “điểm sàn” theo kiểu cũ và đổi mới cách xác định “điểm sàn” cho phù hợp với thực tiễn công tác tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ. Chính vì lẽ đó mà nhiều phương án dự thảo điểm sàn mới đã được đưa ra để bàn thảo tại 2 hội nghị tại Hà Nội và TPHCM vừa qua do ngành giáo dục tổ chức để lấy ý kiến. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa “chốt” được phương án nào.

Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến xây dựng phương án điểm sàn mới

Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến xây dựng phương án điểm sàn mới.

Đầu vào quá thấp sẽ tự đào thải!

Với dự thảo 5 phương án điểm sàn mới đang thảo luận, các phương án đưa ra về thực chất cũng giống như những phương án điểm sàn được xây dựng theo các tiêu chí khác nhau. Điều này cho thấy, để bảo đảm cũng như kiểm soát được chất lượng đầu vào thì điểm sàn vẫn là công cụ hữu hiệu. Tuy nhiên, trong điều kiện còn quá nhiều chênh lệch về nhiều mặt giữa các trường công lập và ngoài công lập thì  “điểm sàn” đã trở thành rào cản quá lớn trong công tác tuyển sinh đối với một số cơ sở đào tạo, đặc biệt là các trường  ngoài công lập.

PGS.TS Lê Trọng Thắng - Trường ĐH Mỏ - Địa chất cho biết: “5 phương án xây dựng tiêu chí bảo đảm chất lượng đầu vào ĐH, CĐ mới đưa ra, dù theo phương án nào, cuối cùng cũng  phải xác định được ngưỡng xét tuyển là bao nhiêu. Điều này có thể lại lặp lại tình trạng điểm sàn trước đây và có thể vẫn không giải quyết được vấn đề đặt ra cho các trường ngoài công lập. Để bảo đảm quyền tự chủ tuyển sinh và kiểm soát được chất lượng  cũng như tạo điều kiện cho các trường còn nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh”.

PGS Thắng đưa ý kiến, đối với các trường công lập tổ chức thi theo phương án “3 chung”, để bảo đảm chất lượng tuyển sinh tương xứng với điều kiện đào tạo thì vẫn nên áp dụng điểm sàn   như trước đây và có biện pháp bảo đảm việc xét tuyển là khách quan nhất. Đối với các trường ngoài công lập, Bộ nên để cho Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập tự xác định điểm sàn và chịu trách nhiệm trước xã hội. Bộ cần hỗ trợ Hiệp hội các trường ĐH, CĐ trong việc xác định một phương án hài hòa và giám sát chặt chẽ việc thực hiện tuyển sinh của các trường ngoài công lập thực hiện cam kết của mình”.

“Yêu cầu có tính nguyên tắc là các phương án điểm sàn và điểm xét tuyển của các trường phải công khai trên mạng của cơ sở đào tạo. Ngoài ra, cần lập một trang mạng tuyển sinh chung, bắt buộc các trường công bố công khai thông tin tuyển sinh. Việc công khai công tác tuyển sinh là chế tài bắt buộc để các cơ sở đào tạo xác lập uy tín với xã hội và cũng là để tự phấn đấu nâng cao chất lượng.

Một cơ sở đào tạo tuyển sinh đầu vào quá thấp sẽ là tự đào thải khi sẽ không có sinh viên học hoặc sinh viên hoc ra trường sẽ không xin được việc làm. Cần có chế tài mạnh để xử lý khi các cơ sở đào tạo tuyển sinh không đúng như đã cam kết. Mặt khác, có thể sử dụng  một công cụ khác để bảo đảm chất lượng đào tạo, đó là thắt chặt đầu ra. Có thể nói, đây cũng là một vấn đề lớn, phức tạp cần đặt ra đối với tất cả các cơ sở đào tạo hiện nay cần phải giải quyết” - PGS Thắng chia sẻ.

"Sau 1 năm sẽ biết ngay lưới trường nào thủng"

Đồng quan điểm, GS Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng cho rằng: “Những phương án dự thảo điểm sàn mới đều hay. Các phương án Bộ GD-ĐT đưa ra mục đích là nhằm phân tầng đại học, như thế tạo sự công bằng cho xã hội. Em nào điểm cao vào trường tốt hơn, em nào điểm thấp vào trường bình thường. Hiện nay, với phương án tuyển sinh của từng trường, họ đã xác định điểm chuẩn riêng rồi. Trường nào lấy điểm đầu vào thấp quá, tương lai trường đó không có đường đi vì đào tạo sinh viên ra không có chất lượng. Do vậy, dù Bộ GD-ĐT có cho tự do đi nữa, các trường cũng cần phải khẳng định chất lượng đào tạo của mình với xã hội”.

Ông Nghị kiến nghị: “Bộ cho tự chủ rồi thì Bộ nên đẩy “quả bóng” đầu vào cho các trường. Chỉ cần 1 năm sẽ có ngay kết quả, bộ sẽ biết ngay “lưới” trường nào thủng, trường nào có sinh viên, trường nào không có sinh viên”.

Trao đổi với báo chí về những phương án điểm sàn mới, ông Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng Trường ĐH FPT cho rằng: “Trường xét tuyển dễ sẽ cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng kém. Dù cho cơ chế “ tự lắc” xảy ra vì những người học trường không đảm bảo chất lượng sẽ không xin được việc làm và trường loại này tự phá sản thì việc này cũng làm hỏng 1 thế hệ học ĐH”.

Theo ông Tùng, các phương án tuyển sinh riêng của hơn 60 trường, chủ yếu ngoài công lập mà Bộ GD-ĐT phê duyệt được phép tuyển sinh riêng thấy việc xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT hoặc kết quả thi tốt nghiệp THPT. Điều đáng chú ý là, dù sử dụng 1 trong 2 tiêu chí đó hoặc cả 2 thì ngưỡng vào ĐH chỉ là đạt 6,0 điểm tốt nghiệp THPT hoặc kết quả học tập ở phổ thông cũng chỉ cần 6,0 điểm. Thử hình dung, nếu một kỳ thi tốt nghiệp mà tỷ lệ là 99% thì có tới 90% thí sinh đạt điểm 6,0 (đủ điều kiện vào đại học), còn điểm để vào được CĐ là 5,0%. Có thể nói điều kiện để vào ĐH, CĐ như thế là quá dễ! Vậy thì bàn hay định điểm sàn dù là 4 mức hay cao kiến nào cũng không còn ý nghĩa gì.

Ông Tùng đưa ra giải pháp, nâng ngưỡng điểm phổ thông lên, ít nhất là 7,0. Bên cạnh đó, quy định trường nào muốn tuyển theo kết quả học tập của thí sinh ở bậc phổ thông thì cũng chỉ được tuyển tối đa 30% theo cách đó. Ba là thắt chặt chỉ tiêu để tránh các trường lấy phổ quá nhiều vì điều kiện quá dễ (sau này kết quả phổ thông đáng tin cậy hơn sẽ nới tỷ lệ phần trăm cao hơn).

Hồng Hạnh