Chủ trương một kỳ thi quốc gia:

Bộ sẵn sàng, dư luận chưa đồng thuận

(Dân trí) - “Hiện nay, Bộ đã sẵn sàng để tổ chức một kỳ thi nhưng ý kiến dư luận chưa đồng thuận về chủ trương này. Do đó, Bộ sẽ xem xét lại và tiếp tục lắng nghe ý kiến để điều chỉnh cho phù hợp...”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết.


Bộ sẵn sàng, dư luận chưa đồng thuận - 1

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển trong buổi họp báo chiều qua 25/6
 
Thưa ông, tại sao Bộ GD&ĐT lại quyết định nhanh như vậy, trong khi cách đây không lâu Bộ vẫn cho biết  kỳ thi tốt nghiệp THPT 2009 là kỳ thi tập dượt để kết hợp 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và Đại học vào 1 kỳ thi?

 

 Không phải là nhanh, Bộ đã chuẩn bị cho việc kết hợp 2 kỳ thi vào 1 từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, hiện Bộ có quá nhiều việc phải làm và không còn đủ sức để tổ chức kỳ thi lớn này vì Quốc hội vừa thông qua cơ chế tài chính. Bên cạnh đó, Bộ đang bắt đầu thực hiện Nghị quyết TƯ 2 trong đó có việc đánh giá lại toàn bộ chương trình SGK, xây dựng chiến lược giáo dục 2011-2020...

 

Có phải kỳ thi tốt nghiệp vừa qua, việc chấm thi ở một số tỉnh chưa được khách quan nên năm tới Bộ không tổ chức 1 kỳ thi?

 

 Không phải như vây. Để tổ chức một kỳ thi quốc gia lớn như vậy còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác chứ không chỉ căn cứ vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Hiện nay, Bộ đã sẵn sàng để tổ chức một kỳ thi nhưng ý kiến dư luận chưa đồng thuận về chủ trương này. Do đó, Bộ sẽ xem xét lại và tiếp tục lắng nghe ý kiến để điều chỉnh cho phù hợp. Đồng thời tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009 để tập trung quyết liệt hơn cho việc nâng cao chất lượng giáo dục, khẳng định quyết tâm thực hiện lộ trình đổi mới công tác thi và tuyển sinh của ngành.

 

Vậy năm sau Bộ có tiếp tục tổ chức thi cụm chấm chéo nữa không thưa ông?

 

Chủ trương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009 nghiêm túc với hai giải pháp mới là thi theo cụm trường và chấm chéo các bài thi tự luận đã nhận được sự hưởng ứng và ủng hộ tích cực của toàn xã hội. Theo báo cáo của các địa phương, tỷ lệ tốt nghiệp tăng như trên là kết quả của việc nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg ngày 08/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục và cuộc vận động "Hai không".

 

Nhiều tỉnh đã vào cuộc một cách quyết liệt và thể hiện quyết tâm cao trong việc chấn chỉnh để nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và chất lượng thi tốt nghiệp THPT nói riêng theo hướng “dạy thật, học thật, thi thật, đánh giá thật để có chất lượng thật”.

 

So sánh với các kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm gần đây, đây là kỳ thi được tổ chức tốt hơn, tạo thêm những tiền đề cơ bản, có ý nghĩa quan trọng cho việc tiếp tục triển khai thực hiện chủ trương đổi mới thi và tuyển sinh của ngành giáo dục và đào tạo trong thời gian tới.

 

Do vậy, đây cũng là cơ sở để kỳ thi năm sau tiếp tục duy trì. Tuy vậy, để tạo thuận lợi cho thí sinh không phải đi thi quá xa thì Bộ sẽ xem xét cho phép một số trường ở địa bàn khó khăn được tổ chức thi tại chỗ.

 

Về điểm thi môn Văn thấp ở 4 tỉnh Đồng bằng SCL, Bộ kết luận là do giám khảo chấm chặt, chấm lỏng. Vậy Bộ quan niệm thế nào là chấm chặt, chấm lỏng?

 

Đây có biểu hiện của chấm chặt chứ Bộ chưa phân tích cụ thể nguyên nhân. Chấm phúc khảo thì việc chấm giữa 2 giám khảo chênh nhau 1 điểm trở lên. Chấm chặt là do người chấm sau chấm ít điểm hơn người chấm trước và ngược lại.

 

Cũng như các kỳ thi trước, năm nay Bộ sẽ tiếp tục chấm thẩm định để rút kinh nghiệm các khâu coi thi và chấm thi của các địa phương. Trước mắt, sẽ giải quyết tất cả các đơn thư đề nghị của các thí sinh chấm phúc khảo bài thi môn Văn điểm thấp ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để bảo đảm quyền lợi và sự công bằng cho thí sinh theo qui định.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Hồng Hạnh