Tuyển sinh ĐH, CĐ 2005:

“Bộ sẽ áp dụng nhiều biện pháp kỷ luật trong phòng thi”

Bộ GD - ĐT đã có nhiều biện pháp khắc phục tình trạng gian lận trong tuyển sinh ĐH,CĐ nhưng mánh khóe gian lận để vào ĐH vẫn xảy ra thường xuyên tại mỗi kỳ thi. Trong tuyển sinh ĐH, CĐ 2005, Bộ GD-ĐT cương quyết khắc phục những hiện tượng trên.

Phóng viên Báo Khuyến học và Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quán Tần, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT về vấn đề này:

 

Thưa ông, để tránh gian lận trong tuyển sinh, Bộ GD - ĐT đã chỉ đạo như  thế nào? Tại điều 36, của Quy chế tuyển sinh đã quy định trách nhiệm của các trường phải tiến hành kiểm tra kết quả tuyển sinh sau khi thí sinh trúng tuyển đến nhập học( thường gọi là hậu kiểm)?

 

Công tác hậu kiểm nhằm rà soát toàn bộ các khâu của quá trình tuyển sinh để có biện pháp khắc phục mọi sai sót, bảo đảm kết quả thi chính xác. Khi hậu kiểm, phải kiểm tra hồ sơ của thí sinh (học bạ, bằng tốt nghiệp, giấy khai sinh, các giấy tờ xác nhận được hưởng quy định chế độ ưu tiên, khuyến khích) và đối chiếu chữ viết trên các bài thi với chữ viết của sinh viên để phát hiện các trường hợp thi hộ.

 

Quy chế cũng đã quy định: các trường phải hoàn thành việc kiểm tra và báo cáo kết quả kiểm tra tuyển sinh với Bộ trước ngày 31/12 hàng năm. Tuy quy chế đã quy định chặt chẽ như vậy nhưng một số trường chưa làm tốt công tác hậu kiểm, Bộ GD&ĐT tiếp tục gửi văn bản đôn đốc thực hiện và sẽ tiếp tục tiến hành kiểm tra khâu công tác này ở một số trường.

 

Thời gian qua nhờ công tác hậu kiểm, Bộ và các trường đã phát hiện và buộc thôi học 82 sinh viên trúng tuyển vào đại học, cao đẳng, dự bị đại học qua kỳ thi năm 2004 bằng hành vi gian lận. Trong đó, có 24 trường hợp sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi tuyển sinh đại học giả, 20 trường hợp nhờ hoặc thuê người khác thi hộ, 38 trường hợp khai man hồ sơ để hưởng điểm ưu tiên, khuyến khích.

Vừa qua, Công an TP. Hà Nội phát hiện một số trường hợp gian lận làm giả  phiếu báo điểm để vào học. Phải chăng trong quy chế tuyển sinh vẫn còn “ kẽ hở” hay việc thực hiện còn nhiều sai sót ?

 

Gần đây, Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện một nhóm tội phạm làm giả giấy tờ liên quan đến tuyển sinh, trong đó có giấy chứng nhận kết quả tuyển sinh đại học. Việc khám phá vụ án này là hồi chuông cảnh báo về tệ nạn sử dụng giấy tờ giả để được trúng tuyển vào đại học, “cầu” của những người thiếu trung thực được đáp ứng bởi “cung” từ bọn tội phạm và cũng có một số trường hợp do thí sinh tự làm giả hoặc tẩy sửa điểm trên giấy chứng nhận kết quả tuyển sinh. Cảnh báo đó đòi hỏi các trường phải tiến hành thật tốt công tác kiểm tra kết quả tuyển sinh.

 

Trong thời gian qua việc phối hợp giữa ngành Công an với ngành Giáo dục trong công tác chống gian lận trong hoạt động giáo dục có kết quả tốt, nhất là trong công tác tuyển sinh. Các vụ án đã được đưa ra xét xử vừa qua và sắp đưa ra xét xử về tội danh làm giả giấy tờ của cơ quan, tổ chức; thi hộ, thi kèm; thí sinh sử dụng điện thoại di động trong phòng thi là kết quả của sự phối hợp đó.

 

Nguyện vọng 2,3 có phải là kẽ hở trong tuyển sinh ĐH, CĐ không?

 

Việc xét tuyển vọng 2, nguyện vọng 3 thông qua giấy chứng nhận kết quả thi không phải là kẽ hở trong quy trình tuyển sinh. Việc tổ chức thi "3 chung" (chung đợt, chung đề, chung kết quả) đã chứng tỏ sự tiện lợi, giảm tốn kém, phiền hà cho thí sinh. Việc cấp giấy chứng nhận kết quả thi để thí sinh tự tìm cơ hội vào một trường phù hợp với nguyện vọng là một việc làm bình thường.

 

Nếu những trường có tuyển thí sinh theo nguyện vọng 2, 3 phối hợp với trường thí sinh đã dự thi để hậu kiểm chặt chẽ theo quy định tại Điều 36 Quy chế tuyển sinh thì vẫn có thể bảo đảm như tuyển thí sinh dự thi vào chính trường đó. Hiện nay, việc phối hợp này có nhiều thuận lợi vì ngoài trao đổi công văn giấy tờ còn có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, có thể chủ động rà soát đối chiếu kết quả thi của thí sinh trên mạng internet (Điều 22 Quy chế tuyển sinh quy định các trường phải công bố kết quả thi của thí sinh trên mạng Giáo dục - www.edu.net.vn).

 

Những sinh viên “giả” sẽ bị xử lý như thế nào, thưa ông ?

 

Đối với thí sinh gian lận để được trúng tuyển, sẽ bị xử lý theo Quy chế là buộc thôi học và tuỳ theo tính chất, mức độ sai phạm có thể bị cấm dự thi tuyển sinh một số năm. Đối với tổ chức và cá nhân cán bộ, giảng viên, nhân viên được các cơ quan có thẩm quyền giao đảm trách nhiệm vụ tuyển sinh, nếu có sai phạm cũng sẽ bị xử lý theo quy định của Quy chế và nếu vi phạm nghiêm trọng có thể bị xử lý theo pháp luật.

 

Vậy kỳ thi tuyển sinh 2005, Bộ GD - ĐT có những biện pháp gì để khắc phục những hiện tượng trên?

 

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Chỉ thị số 11/2005/CT-BGD&ĐT ngày 4/4/2005 về việc tăng cường chỉ đạo thi và tuyển sinh. Để đảm bảo an toàn cho kỳ thi tuyển sinh và triệt để chống tiêu cực, gian lận, Bộ sẽ áp dụng nhiều biện pháp để thiết lập kỷ luật trong phòng thi, khu vực thi, tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quá trình tổ chức kỳ thi và công tác hậu kiểm theo quy định của Quy chế tuyển sinh.

 

Hồng Hạnh