Trường Anh ngữ mang danh quốc tế:

Bỏ tiền nhiều chưa hẳn đã tốt!

Sau sự cố <a href="http://dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2006/2/100731.vip">Trường Anh ngữ Quốc tế SITC</a>, các học viên mới giật mình nhận ra: Bỏ tiền vào các trung tâm Anh ngữ mang danh quốc tế chưa hẳn là tốt.

Trớ trêu thay, cơ sở Anh ngữ mang tên quốc tế ngày càng nhiều... Thị trường dạy tiếng Anh gần đây sôi động hẳn với sự tham gia của các “đại gia” 100% vốn nước ngoài, các trung tâm mang tên quốc tế... Nhắc đến những thương hiệu như: Viện Ngôn ngữ Quốc tế ILA, Anh ngữ Apollo Việt Nam, Anh ngữ CleverLearn, Ngoại ngữ Quốc tế APU... giới dạy và học tiếng Anh thường thốt ra câu: Trường dành cho con nhà giàu. Đây là những cơ sở 100% vốn nước ngoài và TPHCM hiện có 15 cơ sở ngoại ngữ có vốn nước ngoài như thế. Dù chiếm số nhỏ trong số hơn 200 cơ sở ngoại ngữ do Sở GD-ĐT TPHCM quản lý nhưng những cơ sở này hiện là những “đại gia” chiếm lĩnh thị phần cao cấp.

 

Gắn “mác” vô tội vạ

 

Những cơ sở này từ khi ra đời đã chia bớt thị phần của các trung tâm ngoại ngữ lớn thuộc các trường ĐH một thời chiếm lĩnh độc quyền thị trường dạy tiếng Anh. Hầu hết các cơ sở này đều có cơ sở vật chất tốt, sử dụng 100% giáo viên nước ngoài, mỗi lớp chỉ có từ 15-18 học viên. Học viên phải trả cho những dịch vụ cao này bằng mức học phí cao. Trong nhóm này, học phí của một cơ sở cao nhất lên tới 8,44 USD/giờ, phổ biến là khoảng 4 USD/giờ. Dù học phí cao như vậy nhưng một bộ phận người dân có thu nhập cao vẫn chấp nhận để có môi trường học tập tiện nghi, hiện đại. Tại Viện Ngôn ngữ Quốc tế ILA, nhiều học viên phải “xếp hàng” chờ có lớp vì công suất phòng và đội ngũ giảng viên người nước ngoài đã sử dụng hết.

 

Bên cạnh đó, còn có một loạt cơ sở do công ty trong nước hoặc tư nhân đứng ra mở cũng gắn “mác” quốc tế như: Trường Anh ngữ Quốc tế Âu-Việt, Trường Anh ngữ Quốc tế Sài Gòn, Trường Anh ngữ Quốc tế Âu Mỹ, Anh ngữ Quốc tế Tinh Tú, Trường Anh ngữ Giao tiếp Quốc tế...

 

Chỉ một đoạn ngắn trên đường 3 Tháng 2, đoạn từ ngã tư Lê Hồng Phong đến Nguyễn Tri Phương, Q. 10, đã mọc lên 5 trung tâm Anh ngữ quốc tế với bảng hiệu to đùng đập vào mắt người đi đường. Các cơ sở này sử dụng giáo viên người nước ngoài xen kẽ với giáo viên người Việt. Học phí khoảng 20.000 đồng/giờ cho các lớp sơ cấp. Hầu hết các cơ sở này đều là nhà cao tầng cải tạo thành trường học. Diện tích phòng học nhỏ nên mỗi lớp học cũng chỉ bố trí khoảng 15 -20 học viên. Theo Sở GD-ĐT TPHCM, hiện có khoảng 36 cơ sở ngoại ngữ có sử dụng giáo viên nước ngoài.

 

Ai mới là “quốc tế”?

 

Câu hỏi đặt ra ở đây là tính “quốc tế” của một cơ sở đào tạo ngoại ngữ thể hiện ở chỗ nào và do ai công nhận? Theo thạc sĩ Đào Đức Tuyên, Phó trưởng Khoa Ngoại ngữ ĐH Nông Lâm TPHCM, các yếu tố như vốn đầu tư nước ngoài, chương trình “nhập khẩu”, 100% giảng viên là người bản xứ, cơ sở vật chất hiện đại... chẳng thể tạo nên tính “quốc tế” cho một trường dạy ngoại ngữ tại Việt Nam.

 

Tính quốc tế của một trường phải được thể hiện qua: quy trình đào tạo (chương trình, phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá, trình độ và năng lực ban giảng huấn, hệ thống văn bằng...) của trường đó phải được một tổ chức kiểm định giáo dục có uy tín quốc tế công nhận; và học viên đến học từ nhiều quốc gia khác nhau. Đặt câu hỏi này với ông Phạm Anh Ba, Phó Phòng Giáo dục Thường xuyên Sở GD-ĐT TPHCM, thì ông không trả lời bởi một lý do rất khó nói là hiện nay chưa có quy định đạt tiêu chuẩn nào thì sẽ được kèm chữ quốc tế vào tên gọi của trường. Do đó, mới có tình trạng “quốc tế” tràn lan.

 

Thậm chí, một số cơ sở khi xin phép thành lập không có chữ “quốc tế” trong tên gọi nhưng sau này cũng tự động thêm vào cho “bằng chị bằng em”. Theo thông tin thể hiện trên trang web của Sở GD-ĐT TPHCM thì cơ sở Anh ngữ Quốc tế Âu – Việt hoàn toàn không có chữ “quốc tế” như cơ sở này đã quảng cáo trên phương tiện thông tin đại chúng cũng như tờ rơi giới thiệu các khóa học của mình. Ông Phạm Anh Ba xác nhận chỉ có cơ sở Ngoại ngữ Âu Việt.

 

Thạc sĩ Đào Đức Tuyên – Phó trưởng khoa ĐH Ngoại ngữ ĐH Nông lâm TPHCM

Cảnh giác với các kiểu chiêu dụ

Hiện nay có rất nhiều trường lạm dụng từ “quốc tế” trong việc đặt tên trường. Trước khi quyết định học ở một cơ sở nhận mình là “quốc tế”, học viên cần yêu cầu cơ sở đó đưa ra các bằng chứng về tính quốc tế của mình. Một số trường được cải tạo từ nhà ở cao tầng hoặc các tòa nhà có mục đích xây dựng ban đầu không phải để làm trường học nên hệ thống thoát hiểm không đạt yêu cầu của trường học.

Người học cũng cần cảnh giác với các hình thức quảng cáo, chiêu dụ theo kiểu bán hàng. Ví dụ đóng học phí luôn một năm thì được giảm 25% - 30%. Kiểu chiêu dụ học viên mới bằng cách chia hoa hồng cho học viên cũ mỗi khi giới thiệu người quen đến đăng ký học. Những lời bảo đảm quá hấp dẫn (đến độ phi lý) đại loại như: “Bảo đảm nói tiếng Anh lưu loát sau 3 tháng”; hoặc “Chỉ đóng học phí một lần, không giới hạn thời gian học. Học viên cứ yên tâm học tới khi đạt yêu cầu của cấp học hoặc lấy được chứng chỉ mới thôi”.

Theo tôi, trong việc học ngoại ngữ, tinh thần tự giác học tập của bản thân quan trọng hơn sự trợ giúp của trường và thầy rất nhiều. Khả năng sử dụng thành thạo một ngôn ngữ luôn đòi hỏi một thời gian dài rèn luyện.

 

 

Theo Diệu Hằng

Người Lao Động

Dòng sự kiện: SITC