Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Không thể thay toàn bộ chương trình - sách giáo khoa

(Dân trí) - Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trước câu hỏi của Đại biểu quốc hội về việc cải cách chương trình - sách giáo khoa.

Trước câu hỏi, Bộ trưởng nghĩ sao việc cải cách giáo khoa (SGK) vừa qua là thiếu một chương trình tổng thể từ đầu, mà thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, từng năm nên hiệu quả đạt không cao như mong muốn, cần rút kinh nghiệm. 

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, một trong những nguyên tắc được quán triệt trong xây dựng chương trình và SGK là phải đảm bảo tính thống nhất, liên thông từ lớp 1 đến lớp 12, lớp sau kế thừa lớp trước. Trong chu kỳ làm SGK trước đây, do thời gian chuẩn bị ngắn, vai trò của tổng chủ biên, chủ biên từng bộ sách các môn của từng năm học và chủ biên của mỗi môn học trong cả hệ thống chưa thực hiện đầy đủ, nên chương trình và SGK hiện hành chưa thật sự liên thông, thống nhất và đó là một trong những nguyên nhân góp phần gây ra hiện tượng quá tải. Bộ GD-ĐT đã được nghiêm túc tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm việc xây dựng chương trình và SGK các lần trước đây để tổ chức xây dựng chương trình, SGK phổ thông giai đoạn sau năm 2015.

Bộ trưởng Luận khẳng định: “Việc triển khai đại trà chương trình và SGK được tiến hành theo hình thức cuốn chiếu là việc bắt buộc phải làm đối với mỗi quốc gia và chu kỳ thay sách nào cũng phải thực hiện, vì theo nguyên tắc sư phạm, chỉ các cháu khi học xong chương trình đổi mới ở lớp dưới mới theo học được chương trình đổi mới ở lớp trên. Như vậy, một chu kỳ thay sách sẽ kéo dài từ 10 đến 12 năm (tùy thuộc số năm học của hệ thống giáo dục), mỗi năm chỉ thay cho một lớp, lần lượt từ lớp 1 đến hết lớp 12, không thể đồng thời thay ngay một lúc toàn bộ chương trình và SGK của cả hệ thống được”.

Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam, Bộ trưởng Luận cho biết, ngay sau Đại hội Đảng khóa XI, Bộ GD-ĐT đã chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng Đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế". Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã thảo luận bước đầu.

Hiện nay, Bộ GD-ĐT cùng Ban Tuyên giáo Trung ương đang tích cực bổ sung, hoàn thiện dự thảo Đề án để trình Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI vào tháng 10/2013.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Bắt buộc triển khai đại trà chương trình và SGK theo hình thức cuốn chiếu.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Bắt buộc triển khai đại trà chương trình và SGK theo hình thức cuốn chiếu.

Giáo dục đạo đức HS, SV còn hạn chế

Về vấn đề “dạy người” trong trường học chưa được chú trọng dẫn đến tình trạng bạo lực học đường xảy ra thường xuyên khiến dư luận bất bình, Bộ trưởng Luận thừa nhận, phương pháp và nội dung giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên còn hạn chế, chưa tạo được sự lôi cuốn chủ động, chưa tạo nên xúc cảm sâu sắc cho học sinh. Việc phối kết hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong việc quản lý học sinh, sinh viên, đảm bảo môi trường an ninh cho học tập cũng như rèn luyện chưa được chặt chẽ. Giáo dục kỹ năng sống chưa thực sự đi vào chiều sâu và thiếu nhiều các điều kiện cần thiết để triển khai.

Đưa ra giải quyết tình trạng này, Bộ trưởng Luận cho hay, ngành giáo dục, đào tạo, trước hết đã chủ động thực hiện đổi mới nội dung phương pháp dạy, học và thi cử nói chung với tất cả các môn và nói riêng với môn liên quan đến giáo dục đạo đức, giáo dục công dân. Tiếp tục triển khai việc giảm tải, đổi mới nội dung dạy học, kiểm tra, đánh giá và thi. Từ thay đổi trong cách thi dẫn đến thay đổi cách học, cách dạy trong nhà trường.

Đồng thời, triển khai rất mạnh mẽ việc thanh kiểm tra, xử lý những vi phạm, tiêu cực, trục lợi trong các cơ sở giáo dục, đào tạo và một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên để làm cho môi trường giáo dục trong lành, nơi hình thành nhân cách của học sinh, sinh viên được thuận lợi.

Hồng Hạnh