Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Sẽ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia nhẹ nhàng!

(Dân trí) - Chia sẻ với thầy cô giáo trong buổi làm việc tại Thái Bình ngày 12/12, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết: Sắp tới Bộ sẽ công bố dự thảo Quy chế thi THPT Quốc gia. Quy chế được xây dựng trên cơ sở lấy ý kiến của các địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, học giả, các thầy cô giáo trong cả nước...với tinh thần kỳ thi sẽ nhẹ nhàng, thuận lợi hơn.

Ngày 12/12, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã có buổi làm việc với Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình và Trường ĐH Y Dược Thái Bình.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã lắng nghe ý kiến cán bộ quản lý, các Hiệu trưởng về những công tác giáo dục đang triển khai cũng những tồn tại, vướng mắc gặp phải, trên cơ sở đó kịp thời đưa ra các chỉ đạo và hướng tháo gỡ.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận làm việc tại tỉnh Thái Bình

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận làm việc tại tỉnh Thái Bình

Về công tác thi cử năm 2015, Bộ trưởng Luận cho biết: Sắp tới Bộ sẽ công bố dự thảo Quy chế thi THPT Quốc gia. Quy chế được xây dựng trên cơ sở lấy ý kiến của các địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, học giả, các thầy cô giáo các nhà trường trong cả nước...Với tinh thần kỳ thi sẽ nhẹ nhàng, thuận lợi hơn.

Theo Bộ trưởng Luận, thi theo cách mới, các cháu chỉ thi 4 môn, nhiều hơn nữa, các cháu đăng kí nhiều trường ĐH chỉ thi 6 môn. Các cháu sẽ được đi thi gần hơn, bố mẹ ít tốn chi phí. Công tác tổ chức, coi thi cũng theo đó được giảm đi, ít tốn kém.

Điều quan trọng hơn, trước đây các cháu phải đăng ký trường ĐH trước khi thi. Thi hướng đổi mới như năm nay, biết kết quả thi rồi các cháu mới đăng kí vào trường ĐH. Bộ sẽ yêu cầu các trường cập nhật số lượng thí sinh đăng kí vào trường. Học sinh cân nhắc để có thể lượng sức kết quả của mình để rút đi đăng kí trường khác. Như vậy sẽ tạo ra được nhiều cơ hội cho thí sinh hơn theo cách làm truyền thống trước đây.

Về công tác chấm thi, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, không thể đòi hỏi có cách chấm chính xác tuyệt đối. Cách xử lý là chấm nhiều lần rồi lấy giá trị bình quân giữa các cán bộ chấm thi. Trong công tác chấm thi cần tránh hiện tượng không trung thực, cục bộ.

Để thực hiện, việc trước mắt phải làm là xây dựng ba - rem điểm. Tiếp đó là sẽ không để một địa phương tổ chức thi, chấm thi mà sẽ tổ chức trộn nhiều địa phương thành cụm thi.

Trong công tác chấm thi, các giáo viên phổ thông cũng sẽ phải tham gia coi thi nhưng trên cơ sở cách thức tổ chức của thi Đại học. Tiếp đó là công tác thanh kiểm tra thi để tránh sai sót, chủ quan không đáng có trong thi cử, đảm bảo công bằng cho các cháu.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Việc đổi mới thi cử hiện nay chính là để đổi mới cách dạy, cách học hiện hành. Chương trình, SGK hiện hành đang tổ chức dạy, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh theo hướng kiểm tra trí nhớ.... nay phải chuyển dần sang đánh giá phẩm chất, kỹ năng người học.

Hướng đổi mới này sẽ tiếp tục sau nhiều năm tiếp theo, nhưng sâu hơn ở những năm về sau. Năm mới thực hiện đổi mới thi cử, đổi mới cách dạy học theo hướng trên đây, các cháu lớp 12 mới được tiếp cận thì thực hiện ở mức độ vừa phải để các cháu có thể quen được.

Với các cháu ở các lớp dưới đã quen với đổi mới trong cách dạy, cách kiểm tra đánh giá thường xuyên thì sẽ thi với mức độ ra đề theo hướng đổi mới sâu hơn. Cùng đó, các thầy cô cũng nhuần nhuyễn hơn trong dạy học và ra đề kiểm tra đánh giá.

Quá trình này vừa để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vừa để chúng ta tự bồi dưỡng lẫn nhau để các thầy cô giáo làm quen và nắm vững cách dạy học, thay truyền thụ kiến thức bằng cách học phát triển kỹ năng. Như vậy đây là quá trình biến đội ngũ giáo viên hiện nay sang dạy - học theo chương trình mới, SGK mới trong những năm tới đây.

Trường ĐH  Y dược Thái Bình được giao chủ trì cụm thi

Tại buổi làm việc với ĐH Y Dược Thái Bình, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận lưu ý: Nhà trường cần ưu tiên chất lượng trong đào tạo. Nghị quyết của Đảng đã đề ra chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ ưu tiên phát triển số lượng sang chất lượng. Lĩnh vực GD&ĐT cũng không nằm ngoài mục tiêu chung đó. Trong Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT cũng nêu rõ quan điểm này. Với ngành Y, chất lượng nguồn nhân lực càng quan trọng để chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Sắp tới, Bộ sẽ công bố chính thức Quy chế thi kỳ thi THPT Quốc gia. Căn cứ vào vị trí, vai trò, kinh nghiệm của các trường ĐH để giao cho các trường đảm nhiệm các cụm thi trong khu vực. Theo đó, trường ĐH Y Dược Thái Bình sẽ được giao chủ trì cụm thi tại đây để tổ chức coi thi, chấm thi và các công tác khác.

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã đến đặt vòng hoa và dâng hương tưởng niệm tại nghĩa trang 21 tháng 10 (xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy), nơi an nghỉ của cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân và 30 học sinh hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ khi đang trong giờ học.

Bộ trưởng thăm, trồng cây lưu niệm và tặng quà tại Trường THCS Thụy Dân (huyện Thái Thụy).

Cấm tuyệt đối dạy thêm ở bậc tiểu học

Tại buổi làm việc với Sở GD-ĐT, Bộ trưởng thẳng thắn trao đổi: Chúng ta cấm dạy thêm học thêm tràn lan. Nhưng tiểu học phải cấm tuyệt đối. Việc đánh giá không chấm điểm cũng là để nhằm việc này, mặc dù cha mẹ, phụ huynh đã ăn sâu vào tiềm thức đánh giá việc học của các cháu thông qua điểm số. Nhưng chúng ta phải thay đổi cách nghĩ cách làm ấy.

Những nước có nền giáo dục phát triển đều đã bỏ chấm điểm ở bậc tiểu học hàng chục năm nay. Từ thực tế cuộc sống cho thấy trong việc dạy dỗ con trẻ đều không có điểm số mà dạy bằng cách động viên khuyến khích, cảnh báo, nhắc nhở các cháu. Do vậy có thể thấy đánh giá không cho điểm là “cốt tủy” của giáo dục truyền thống dân tộc ta, của các gia đình Việt Nam.

Lâu nay cách đánh giá giáo dục học đường đã bị đẩy xa so với giáo dục truyền thống. Chúng ta cần phải quay lại, gìn giữ cách làm truyền thống của dân tộc, phù hợp với xu hướng giáo dục thế giới.

Hải Khang