Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Trường nào bắt học sinh học nhiều phản ánh với Bộ trưởng

(Dân trí) - Ngày 2/12, trước ý kiến của cử tri tỉnh Quảng trị phản ánh học sinh học thời gian quá nhiều từ 6 giờ sáng đến 9 giờ tối. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đề nghị: “Các phụ huynh không đưa con đi học nhiều như vậy. Nếu trường nào bắt học sinh học nhiều trực tiếp phản ánh với ngành với Bộ trưởng”.

Ngày 2/12, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã có các buổi tiếp xúc cử tri tại Thị trấn Cửa Tùng, cử tri xã Vĩnh Chấp huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị).

Sau khi báo cáo với cử tri về kết quả kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, Đoàn đại biểu quốc hội đã tập trung lắng nghe cử tri phản ánh những tâm tư nguyện vọng.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận

Trước ý kiến của cử tri tỉnh Quảng trị phản ánh học sinh học thời gian quá nhiều từ 6 giờ sáng đến 9 giờ tối. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đề nghị: “Các phụ huynh không đưa con đi học nhiều như vậy. Nếu trường nào bắt học sinh học nhiều trực tiếp phản ánh với ngành với Bộ trưởng”.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: “Thời gian bồi dưỡng thêm cho các cháu là nguyện vọng chính đáng nhưng không thể gò ép các gia đình, các cháu; Trẻ phải được học và chơi một cách khoa học, hợp lý trên cơ sở học tập và vui chơi để các cháu phải được là chính mình. Trước khi là học sinh giỏi, các cháu phải là những đứa trẻ ngoan ngoãn, nghe lời bố mẹ, thầy cố giáo. Đây là tinh thần trách nhiệm của mỗi bậc phụ huynh.

Về phản ánh việc thi giáo viên dạy giỏi, Bộ trưởng Luận cho rằng, các thầy cô giáo không cần thiết phải cố gắng. Đây không phải mục tiêu, mục đích phấn đấu của mọi giáo viên. Hình ảnh của người thầy không phải là các danh hiệu mà phải là những hình ảnh đọng lại trong lòng học trò. Bộ đang chủ trương giảm nhẹ thi cử của cả học trò và các cuộc thi của thầy cô giáo. Việc thi giáo viên dạy giỏi chỉ là giải pháp để có những giáo viên giỏi, bồi dưỡng học sinh giỏi...

Cử tri tỉnh Quảng trị cũng phản ánh hiện tại ở tỉnh Quảng Trị các nhà trường gặp rất nhiều khó khăn, hoạt động chủ yếu dựa vào ngân sách. Trong khi đó ngân sách chi cho các hoạt động này rất ít, chỉ chiếm trên 5% chi thường xuyên, tỷ lệ còn lại là chi lương.

Bộ trưởng cho biết, Bộ đã có thống nhất với Bộ Tài chính chi lương và các hoạt động giáo dục trong các nhà trường phải đảm bảo tỷ lệ 80 – 20. Bộ trưởng khẳng định đề nghị các thầy giáo, cán bộ quản lý phải biết việc này để lập kế hoạch và đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan tài chính phân bổ đủ tỷ lệ này, đảm bảo các hoạt động giáo dục của nhà trường.

3.700 tỷ đồng triển khai Đề án kiên cố hóa trường lớp học

3.700 tỷ đồng triển khai Đề án kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ cho giáo viên

Ghi nhận ý kiến cử tri huyện Vĩnh Linh - Quảng trị phản ánh rằng hiện nay, nhiều trường học tại đây xuống cấp, không an toàn cho việc dạy - học của giáo viên và học sinh trong mùa mưa bão, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: Việc đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp học đảm bảo hoạt động giáo dục của các nhà trường là trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương. Tuy nhiên, khoảng 15 năm trở lại đây, nhận thấy rằng tình trạng cơ sở vật chất trường lớp học xuống cấp còn khá phổ biến ở các tỉnh khó khăn, ngân sách địa phương không đủ để cải tạo, Bộ GD-ĐT đã tham mưu cho Chính phủ triển khai Đề án kiên cố hóa trường, lớp học để hỗ trợ các địa phương này cải tạo cơ sở vật chất trường, lớp học.

Theo đó, Đề án đã triển khai qua nhiều giai đoạn trong khoảng hơn 10 năm nay. Nhưng trên cả nước, số lượng trường, lớp học xuống cấp còn nhiều. Thêm vào đó là do ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ đã tàn phá nhiều cơ sở vật chất trường lớp học. Chính vì vậy Quốc hội, Chính phủ đã quyết định tiếp tục hỗ trợ các địa phương khó khăn cải tạo cơ sở vật chất, trường lớp học xuống cấp bằng việc tiếp tục triển khai Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014 -2015 với tổng số vốn 3.700 tỷ đồng.

"Hiện Bộ GD-ĐT đang cùng với các địa phương được hưởng lợi chuẩn bị các công tác chuẩn bị đầu tư. Việc phân bổ vốn, đầu tư xây dựng công trình trường học cụ thể là do địa phương quyết định" - Bộ trưởng Luận cho hay.

Về vấn đề chủ quyền lãnh thổ và biển đảo của Tổ quốc được cử tri nêu ra trong hội nghị, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: Đây là vấn đề thiêng liêng và hệ trọng nhất của mỗi người dân và của cả dân tộc. Bằng nhiều việc làm thiết thực, Bộ GD&ĐT đang góp sức mình để cùng với các bộ ngành, các lực lượng xã hội dành sự quan tâm lớn nhất cho các đảo tiền tiêu cũng như chiến sỹ, cán bộ người dân đang làm nhiệm vụ trên đảo.

Ngành đã huy động nguồn lực xây dựng nhiều ngôi trường, công trình trường học tại các đảo Trường Sa, Cồn Cỏ... nhằm chăm lo việc học tập của học sinh trên đảo để các gia đình người dân yên tâm bám biển sản xuất, góp phần khẳng định chủ quyền các đảo trên biển Đông của Việt Nam với thế giới.

An Việt